Khuyến khích kinh tế ngầm thành chính thức

Thống kê quản lý: cần đi đôi với chống tham nhũng

Theo TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, vấn đề thống kê khu vực kinh tế không được quan sát hay kinh tế ngầm diễn ra từ lâu, tính sơ sơ chiếm khoảng 30% GDP. Vì vậy, việc thống kê lần này hoàn toàn có khả thi. Vấn đề đặt ra là độ chính xác của những con số đến đâu và thống kê vì mục đích gì. “Thực tế, chúng ta mới có thể thu được thuế vào ngân sách khoảng 5% trong số 30% này. Lý do chính bởi chúng ta không thể quan sát, quản lý được để họ nộp thuế. Quan trọng nhất bây giờ là Chính phủ làm sao để thống kê được và phải quản lý được khoản này. Đây là một vấn đề nan giải”, chuyên gia Lưu Bích Hồ cho hay.

Vậy, đâu là những yếu tố ảnh hưởng đến việc gia tăng quy mô của kinh tế ngầm ở Việt Nam? Theo ông Hồ, trước hết do quy định pháp luật của nước ta còn nhiều kẽ hở. Theo quy định, khi số lượng lao động vượt trên con số 10 thì cơ sở, tổ chức đó phải đăng ký thành lập doanh nghiệp, đóng các khoản thuế theo quy định. Tuy nhiên, thực tế nhiều doanh nghiệp dù vượt quá số lượng này nhưng vẫn tìm mọi cách luồn lách, không thành lập doanh nghiệp. Các hộ kinh doanh cá thể vì thế vẫn phát triển nhưng cứ “vừa và nhỏ” mãi, không thể lớn lên được.

“Muốn nợ công an toàn nền kinh tế phải phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả, thu được thuế. Chung quy lại, Chính phủ cần phải làm sao để tỉ lệ của khu vực kinh tế ngầm này ngày càng giảm đi, chuyển sang khu vực kinh tế chính thức”

TS Lưu Bích Hồ

Một lý do khác, theo ông Hồ, các cơ sở kinh doanh này chủ yếu nằm ở địa bàn phường, xã. Chính quyền nơi đây thường “bảo kê” cho hoạt động của họ. Đây cũng là lý do khiến các hộ kinh doanh cá thể lẩn tránh được việc nộp thuế, ngân sách nhà nước thất thu.

Trên cơ sở đó, đi đôi với việc thống kê và quản lý khu vực kinh tế ngầm, ông Lưu Bích Hồ cho rằng Nhà nước cần phải chống được tiêu cực, tham nhũng ở bộ máy quản lý, trước hết là các cơ sở xã/phường.

“Chúng ta chưa thể chứng minh về mặt định lượng vấn đề này, song theo khảo sát của nhiều nhà nghiên cứu đã cho thấy điều này là có”, chuyên gia Lưu Bích Hồ khẳng định.

Cũng theo TS Lưu Bích Hồ, nếu quan sát được, có số liệu đáng tin cậy có thể cộng khoản “kinh tế ngầm” vào GDP. Nếu quy mô GDP tăng thì tỉ lệ nợ công có thể giảm từ 64% xuống 61-62%, quan trọng hơn theo ông Lưu Bích Hồ có thu được thuế hay không? “Muốn nợ công an toàn thì nền kinh tế phải phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả, thu được thuế. Chung quy lại, Chính phủ cần phải làm sao để tỉ lệ của khu vực kinh tế ngầm này ngày càng giảm đi, chuyển sang khu vực kinh tế chính thức”, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển phân tích.

Việc ngày 9/1 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện “Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát”, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/1/2018, theo TS Lưu Bích Hồ rất khó đạt được. “Việc làm đề án không khó, bởi Tổng cục Thống kê lâu nay đã quan sát việc này, có những tính toán nhất định, song chưa thành quy củ. Vấn đề là làm xong đề án thì bao giờ triển khai, triển khai được chưa? So với các nước, bản thân Tổng cục Thống kê và hệ thống của chúng ta còn rất nhiều hạn chế. Kinh tế thị trường còn sơ khởi, chưa đầy đủ. Do đó, theo cá nhân tôi việc này không đơn giản chút nào. Song Nhà nước và các cấp bộ, ngành phải quyết tâm, quyết làm bằng được”, ông Lưu Bích Hồ phân tích.

Vị chuyên gia nhận định, việc thống kê thêm như yêu cầu của Phó Thủ tướng là cần thiết. Nhưng nếu hoạch định chính sách theo hướng vay nợ thêm thì cần phải cẩn thận. Biện pháp dài hạn vẫn phải là tái cơ cấu để có mô hình tăng trưởng tốt hơn, nâng cao sức cạnh tranh. Khi hiệu quả kinh tế được nâng lên thì có thể dễ dàng hơn trong việc vay nợ.

Thống kê sẽ khiến nợ công tăng lên

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nếu thống kê cả khu vực kinh tế ngầm vào GDP sẽ khiến vấn đề nợ công sẽ càng “tệ hại” hơn ( nếu GDP tăng tức là nợ công có cơ hội tăng tiếp – PV). Và vì vậy, việc nghiên cứu, thống kê và có chính sách tốt cho GDP phát triển mới nên là mục đích chính.

Theo bà Lan, tình trạng kinh tế ngầm diễn ra khắp mọi nơi trên thế giới với tỷ trọng từ 16 – 25% GDP của các quốc gia. Tuy nhiên, việc tính toán, thống kê khu vực kinh tế ngầm để có cái nhìn toàn cảnh là cần thiết nhưng không dễ dàng. Ngay cả ở những nước có nền quản trị tốt, tính minh bạch cao, thể chế khá hoàn thiện cũng rất khó khăn trong việc kiểm soát và thu thuế tại khu vực kinh tế này.

Do đó, theo bà Lan, đối với khu vực phi chính thức, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích họ vươn lên để gia nhập khu vực chính thức. Theo vị chuyên gia này, tỷ lệ thất nghiệp không cao nhưng năng suất lao động thấp có nguyên nhân từ việc, phần lớn người lao động làm công việc bán thời gian hoặc trong thời gian ngắn. Nếu giúp cho các hộ kinh doanh trong khu vực phi chính thức nâng cao năng suất thì nền kinh tế sẽ có lợi lớn. Tất nhiên, mọi việc đều có khó khăn và không thể phủ nhận rằng, khu vực phi chính thức đang hấp thụ lượng lớn lao động và là kênh tìm việc của những người không vào được khu vực chính thức.

Theo bà Lan, giải pháp tốt nhất hiện nay là Chính phủ cần kiểm soát tốt hệ thống kinh tế chính thức mà cụ thể là doanh nghiệp nhà nước. Hiện nhà nước nắm trong tay nhưng vẫn chưa thực sự kiểm soát được khối tài sản khổng lồ này. “Chỉ cần kiểm soát tốt những khu vực kinh tế chính thức là Việt Nam đã tăng được hiệu quả kinh tế rất nhiều rồi chứ không phải lôi khu vực kinh tế ngầm vào là có thể thay đổi bộ mặt kinh tế”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.

Có nên gộp ‘kinh tế ngầm’ vào GDP?

Bài viết mới