Ông Dương khuyến cáo, bà con nên tăng cường cho lợn ăn uống đầy đủ để sớm xuất chuồng. Đồng thời, cần tận dụng tối đa lợn sữa sinh ra hiện nay để nuôi lên lợn thương phẩm. Đặc biệt, lưu ý việc tiêm phòng vắc xin, vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh nhằm thu được thành quả cao nhất.
Riêng với việc tái đàn lợn hậu bị, bà con hết sức cân nhắc, bởi phải sau 15 tháng nữa một con lợn hậu bị mới cho ra lợn con thương phẩm để bán, lúc đó chưa biết giá lợn hơi sẽ như thế nào.
“Trước mắt, bà con cũng không nên có ý định găm hàng chờ giá lên cao mới bán. Bởi, rất có thể vừa tốn chí phí thức ăn mà chưa chắc đã bán được giá tốt như hiện tại,” ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh.
Theo ghi nhận từ thị trường, giá lợn hơi tại miền Bắc dao động trong khoảng 47.000 đến 50.000 đồng/kg. Cụ thể, giá lợn hơi tại Hà Nam tăng 1.000 đồng lên 49.000 đồng/kg. Tại Hưng Yên, Thái Nguyên giá lợn hơi cũng ghi nhận mức tăng tương tự lên 49.000 đồng/kg.
Các địa phương khác như Yên Bái, Lào Cai, Ninh Bình, Nam Định, giá lợn hơi cũng đang ở mức 49.000 đồng/kg; Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình đạt 48.000 đồng/kg, cá biệt tại Thái Bình có nơi lên đến 50.500 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung-Tây nguyên, giá lợn hơi được thu mua trong khoảng từ 44.000 đến 50.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại Quảng Trị và Đắk Lắk lần lượt là 49.000 đồng/kg và 47.000 đồng/kg, tăng thêm 2.000 đồng/kg.
Tại Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế ghi nhận giá lợn hơi tăng 1.000 đồng/kg lên lần lượt 48.000 đồng/kg và 49.000 đồng/kg; Bình Định có mức tăng tương tự lên 44.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại Khánh Hòa giá lợn hơi lại giảm 1.000 đồng/kg xuống 45.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi dao động quanh ngưỡng từ 43.000 đến 48.000 đồng/kg. Theo đó, giá lợn hơi tại các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Hậu Giang, Kiên Giang và Cà Mau đồng loạt tăng 2.000 đồng/kg, với Bình Phước lên 45.000 đồng; Bình Dương lên 47.000 đồng/kg, còn lại đạt 48.000 đồng/kg. Tại An Giang giá lợn hơi cũng tăng 1.000 đồng/kg lên 44.000 đồng/kg.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay, do giá cá tra nguyên liệu, giá cá tra giống ở mức cao và ổn định. Tuy nhiên, việc người dân và doanh nghiệp tại một số địa phương tự phát ương, nuôi cá tra một cách ồ ạt, không theo quy hoạch của địa phương, sử dụng đàn cá bố mẹ kém chất lượng để sinh sản, ương, nuôi…
Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố nuôi cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm và hiệu quả sản xuất.
Bên cạnh đó, hướng dẫn người nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong ương, nuôi cá tra; hướng dẫn người nuôi rải vụ, thả nuôi mật độ phù hợp; chỉ sử dụng thuốc, hóa chất trong danh mục cho phép lưu hành khi cần thiết và theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cán bộ kỹ thuật; không sử dụng các loại thuốc, hóa chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.
Ngoài ra, tăng cường phổ biến thông tin thị trường và các rào cản kỹ thuật cho người nuôi. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm cá tra, bao gồm cả thị trường nội địa./.