Người tiêu dùng Việt Nam từ ba chục năm qua đều biết thương hiệu Khaisilk. Ai cũng ngỡ đó là niềm tự hào cho hàng tơ lụa Việt Nam, thậm chí còn xem như một “tượng đài của ngành tơ lụa” nước nhà, đủ sức cạnh tranh với các nước dù giá cả khá cao.
Rất nhiều cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân… từng sử dụng sản phẩm này làm quà biếu trong các nghi lễ ngoại giao, công chuyện làm ăn suốt bao năm. Ấy vậy mà cái “tượng đài” ấy giờ bỗng đổ sập chóng vánh do chính người đã dựng nên nó, chỉ vì muốn giàu nhanh mà thiếu trung thực trong kinh doanh, phản bội lòng tin của khách hàng.
Sau câu chuyện này, chắc rằng thương hiệu Khaisilk sẽ còn gây nhiều hệ luỵ, không chỉ dừng ở mặt hàng lụa, mà còn cả chuỗi nhà hàng, khách sạn… mang thương hiệu của ông chủ Hoàng Khải trên khắp cả nước. Đằng sau những công việc kinh doanh đó có sự gian lận nào không? Khi đã mất niềm tin, người ta hoàn toàn có thể nghi ngờ tất thảy.
Khủng hoảng Khaisilk sẽ gây ra những hệ lụy gì? Ảnh: Báo lao động
Giữa scandal ầm ĩ này, tôi nghĩ đến gia đình nhà tư sản dân tộc nổi tiếng Trịnh Văn Bô. Tôi có duyên quen biết với cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ trong nhiều chục năm qua. Nay cụ cũng đã 104 tuổi.
Ông bà Trịnh Văn Bô từng giàu có hơn nhiều nhà tư sản dân tộc khác cùng thời cũng là nhờ chữ tín trong triết lý kinh doanh. Hai ông bà là thế hệ thứ ba của gia đình có truyền thống kinh doanh tơ lụa và ngay từ lúc trẻ cũng gây dựng từ kinh doanh mặt hàng này. Họ có cửa hàng Phúc Lợi ở Hàng Ngang, Hà Nội và kinh doanh lớn với nhiều nước như Pháp, Ấn Độ, Trung Hoa…
Trong thương trường ngày đó, đối tác nước ngoài rất tin vào hãng tơ lụa Phúc Lợi nổi tiếng nghiêm túc của ông bà. Ngược lại, ông bà cũng rất tin ở họ. Chữ tín luôn là mục đích mà ông bà Trịnh Văn Bô hướng tới, và cũng là điều mà các bậc sinh thành vẫn luôn nhắc nhở họ phải giữ nếu muốn làm ăn lâu bền và phát triển tốt.
Hai ông bà không chỉ giàu có mà còn giàu lòng yêu nước, muốn dân tộc mình thoát khỏi cảnh nô lệ lầm than. Gia đình ông bà dù không biết cộng sản là gì nhưng lại được người của Cách mạng tin tưởng đưa lãnh tụ Hồ Chí Minh từ Việt Bắc về Hà Nội nghỉ và làm việc tại nhà ông bà trong hàng chục ngày để soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Cả tập thể Ban Thường vụ Trung ương Đảng cũng đến đây họp với Bác, tiến hành nhiều việc vô cùng quan trọng sau ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám.
Doanh nhân Trịnh Văn Bô và vợ – bà Hoàng Thị Minh Hồ. Ảnh: Gia đình cung cấp
Sau này hồi tưởng lại, ông Trịnh Lương, con trai cả của ông bà cho biết: “Những năm qua, tôi luôn muốn tìm câu trả lời vì sao vào năm Ất Dậu xưa, khi về Hà Nội để chuẩn bị cho tuyên ngôn thành lập nước, Bác Hồ đã tin tưởng ở tại nhà tôi… Phải có lòng tin đặc biệt đối với nhà 48 Hàng Ngang, Bác mới ở tại đó”.[1]
Cũng trong suốt thời gian Cách mạng đầy khó khăn, gia đình ông bà Trịnh Văn Bô đã ủng hộ cho Chính phủ Cách mạng hơn 5.000 lượng vàng . Ấy là chưa kể gia đình bà đã hiến cả ngôi nhà 48 Hàng Ngang rộng trên 1 ngàn mét vuông để làm Nhà lưu niệm Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập.
Lòng tin của ông bà với Cách mạng là như thế! Và tập thể Trung ương Đảng chắc chắn cũng phải đặt niềm tin hoàn toàn vào gia đình một nhà tư sản yêu nước như ông bà mới có thể quyết định vào chính giữa khu Hồ Hoàn Kiếm hoạt động trong những ngày tháng căm go ấy.
Chúng ta đã có những doanh nhân trọng chữ tín, khiến bao thế hệ kính trọng như vậy. Tiếc thay, ngày nay không ít doanh nghiệp không học gì được từ tiền nhân, chỉ chăm chăm “tham bát bỏ mâm”, sẵn sàng vì lợi nhuận mà đánh đổi tất cả. Câu chuyện buồn, những hậu quả mà Khaisilk đang phải gánh chịu vì sự gian dối của mình liệu có đủ làm lời cảnh tỉnh cho những doanh nghiệp đó?
Khaisilk và câu chuyện lòng tin
Có lần tôi vào một cửa hàng giày của Nike để mua một đôi giày. Có điều thú vị là đa phần các sản phẩm này đều là “Made in Vietnam”. Những cửa hàng quần áo của Zara cũng không hiếm các sản phẩm “Made in Vietnam”. Nhưng khi mua các sản phẩm này, tôi luôn cảm thấy yên tâm. Bởi vấn đề không phải là sản phẩm làm ở đâu, mà quan trọng hơn sản phẩm này mang trên mình nó những nhãn hiệu mang tầm vóc toàn cầu.
Nói rộng ra, trong một thế giới đang phẳng như ngày nay, chuyện mua hoặc gia công hàng từ nước khác là chuyện bình thường. Tôi chưa thấy ai than phiền giày của Nike bởi vì nó sản xuất ở Việt Nam hay ở Trung Quốc.
Tôi cũng sẽ thấy bình thường nếu Khaisilk bán các chiếc khăn có dòng chữ “Made in China”. Nhưng với những gì xảy ra thời gian qua, câu chuyện hoàn toàn khác hẳn về bản chất. Bởi thông điệp mà hãng này truyền bá và kiếm lời từ đó là: sản phẩm lụa Việt Nam 100%. Sự khác biệt đó là thay vì KIỂM SOÁT chất lượng sản phẩm, bất kể nó đó được sản xuất và/hoặc gia công ở đâu, thì cách của Khaisilk là lừa dối người dùng thông qua thông điệp hàng Việt Nam 100%.
Tôi không cho rằng Khaisilk là trường hợp điển hình cho tinh thần kinh doanh ở Việt Nam. Nhưng là một doanh nghiệp lớn trong ngành và từng được vinh danh, tác động của nó đến lòng tin người tiêu dùng là rất lớn. Câu chuyện không chỉ là vấn đề Khaisilk bồi thường hoặc Nhà nước phạt hãng này như thế nào, mà quan trọng hơn nó là lòng tin của người tiêu dùng, đặc biệt trong bối người họ đã phải trả một khoản chênh lệch cho lòng tin vào sự an toàn của sản phẩm thông qua thông điệp “sản phẩm lụa Việt Nam 100%”.
Chắc rằng, sau vụ này các doanh nghiệp Việt sẽ còn vất vả vì bị liên luỵ. Hệ quả là sự phân hoá người dùng thành hai nhóm: Nhóm những người thu nhập cao, chấp nhận mua sản phẩm của các nước có tiêu chuẩn về an toàn sản phẩm cao và/hoặc tin cậy; Nhóm những người có thu nhập thấp với ít lựa chọn, mua sản phẩm với những hoang mang trong quyết định tiêu dùng. Nhưng chắc rằng, hàng “Made in Vietnam” sẽ khó được coi là lựa chọn an toàn hoặc ưu tiên trong lựa chọn tiêu dùng.
Phạm Hoài Huấn
—-
[1] Bác Hồ với gia đình ông Trịnh Văn Bô, Báo Tiền phong, 30/01/2017.