Tự làm, tự đi xin cơ chế, tự tổ chức quy hoạch, tự đào tạo và tổ chức tuyển dụng cán bộ… , Khu kinh tế mở Chu Lai vẫn được coi là khu kinh tế địa phương, dù dự định ban đầu là mang tầm quốc tế.
Chuẩn bị cho Diễn đàn Kinh tế Miền trung sẽ diễn ra vào 25/9 tới đây, sáng 6/9 đoàn công tác của Thời báo kinh tế Việt Nam và Nhóm tư vấn Ban điều phối vùng Duyên hải miền Trung đã làm việc tại khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam).
Dù vắn tắt, song câu chuyện của Trưởng ban quản lý Đỗ Xuân Diện cho thấy có lúc mô hình này tưởng chừng đã đóng lại bằng hai từ thất bại. Nhưng, thành công bước đầu đã đến sau quá trình mò mẫm để tìm ra lối đi không giống ai cũng chẳng giống mô hình nào.
Theo số liệu được Ban quản lý cung cấp thì hiện Khu kinh tế mở Chu Lai có 84 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, 16 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch, 12 dự án thuộc lĩnh vực thương mại du lịch,13 dự án thuộc lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Lũy kế đến tháng 6, năm 2017, tổng số dự án trên địa bàn Khu kinh tế mở Chu Lai là 125 dự án với tổng vốn đầu tư 2,69 tỷ USD, trong đó có 34 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 1 tỷ USD, chiếm 18,77% tổng số dự án FDI trên toàn tỉnh.
Giá trị sản xuất công nghiệp: khoảng 163.177 tỷ đồng, chiếm 48.38% so với tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Năm 2016 đóng góp vào ngân sách nhà nước gần 15 ngàn tỷ đồng.
Điểm qua 6 nhóm dự án trọng điểm ưu tiên đầu tư nằm trong ranh giới quy hoạch chung của Khu kinh tế, Trưởng ban Quản lý Đỗ Xuân Diện nhắc đến Trường Hải – đầu tầu của nhóm dự án công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô.
Trong nhóm dự án phát triển công nghiệp và dịch vụ gắn với sân bay Chu Lai, ông Diện nhấn mạnh đây là sân bay có diện tích hiện trạng lớn nhất cả nước, được quy hoạch diện tích, quy mô và công suất lớn nhất khu vực Miền Trung – Tây Nguyên của Việt Nam.
Giải pháp để phát triển sân bay là tạo những dự án động lực ban đầu để làm tiền đề cho phát triển sân bay, tổng thể nhóm dự án thuộc chương trình phát triển công nghiệp và dịch vụ gắn với sân bay Chu Lai với quy mô khoảng 3.300 ha bao gồm sân bay Chu Lai 2.300 ha và 1.000 ha khu vực xung quanh gắn với sân bay Khu đô thị công nghiệp dịch vụ Tây sân bay: 400 ha, Khu công nghiệp dịch vụ Tam Nghĩa – Tam Quang: 600 ha, được điều chỉnh một phần từ khu phi thuế quan.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, trong buổi làm việc với đoàn công tác chiều cùng ngày cũng nhấn mạnh vị trí quan trọng của sân bay Chu Lai, không chỉ với Quảng Nam mà là lợi thế cả của vùng.
Hiện nay mỗi ngày Chu Lai có 8 chuyến bay nhưng 80% khách đến từ Quảng Ngãi – ông Thu cho biết.
Ngoài hai nhóm trên, Khu kinh tế mở Chu Lai còn có nhóm dự án khí – năng lượng và các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng. Đến nay, vị trí xây dựng nhà máy xử lý khí đã được Tập đoàn ExxonMobil lựa chọn tại xã Tam Quang – huyện Núi Thành – tỉnh Quảng Nam và Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận.
Có sân bay, cảng biển, du lịch, trong quy hoạch sẽ có sân golf, casino… Chu Lai được cho là khá hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Chìa khoá thành công của Khu kinh tế mở Chu Lai, theo ông Đỗ Xuân Diện là cách làm vướng đâu gỡ đó, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn chứ không sử dụng “quyền lực” của quản lý nhà nước.
Chủ đầu tư ở xa đến mọi thứ với họ đều lạ, mình quen thông quen thổ thì “dắt” họ đến đúng địa chỉ, hỗ trợ họ giải quyết thủ tục hành chính một cách nhanh nhất. Cũng có những cái luật chưa cho nhưng thực tiễn đòi hỏi thì mình cùng doanh nghiệp đi “xin”… ông Diện giải thích.
Với tinh thần này, Ban Quản lý luôn quan tâm, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư theo suốt dự án (từ khâu chuẩn bị đầu tư – xây dựng cơ bản – sản xuất kinh doanh cho đến khi kết thúc dự án).
Ban Quản lý đã chuyển 100% thủ tục hành chính sang Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư giải quyết đảm bảo thời gian theo quy định, rõ ràng trong từng quy trình, công khai trong từng thủ tục, hướng dẫn, nhận, thẩm định, giải quyết, luân chuyển hồ sơ và trả kết quả cho công dân, tổ chức chính xác, thuận tiện và nhanh chóng – ông Diện khái quát.
Tuy nhiên, hệ thống cơ chế, chính sách quy định hiện nay chưa tạo đột phá và chưa thể hiện được tính mở trong thu hút đầu tư nước ngoài. Cơ chế chính sách ưu đãi được ban hành (về thuế, giá thuê đất, các quyền kinh doanh…. ) chưa đủ sức cạnh tranh ở cấp khu vực và quốc tế, hiện chỉ tương đồng với khu kinh tế cửa khẩu, tính nổi trội so với nội địa không nhiều và còn tụt hậu quá xa so với các khu kinh tế tự do của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Các quy định hiện nay chỉ được áp dụng bằng nghị định, bị khống chế bởi các luật chuyên ngành, do chưa có Luật riêng để điều chỉnh các quy định về hoạt động Khu kinh tế.
Bỏi thế, theo Chủ tịch Thu, rất cần cơ chế mạnh hơn, trong đó một số cơ chế phù hợp thì có thể ngang với mức áp dụng cho các đặc khu kinh tế đang được hình thành để các khu kinh tế nói chung, Chu Lai nói riêng có thể phát triển mạnh hơn nữa.