“Theo quy định hiện nay, đấu thầu không thành công thì Bộ Giao thông-Vận Tải có thể xin chỉ định thầu. Tuy nhiên, với cao tốc Bắc – Nam, Bộ GTVT đã xin cơ chế đấu thầu lần 1 không thành công sẽ đấu thầu lần 2”, Bộ trưởng Thể nói.
Đồng thời, người đứng đầu Bộ Giao thông-Vận tải khẳng định: Phải đấu ít nhất 2 lần, nếu lần 2 không thành công thì Bộ Giao thông-Vận tải mới trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trương đấu tiếp hay chỉ định thầu. Bộ Giao thông-Vận tải không đề xuất chỉ định thầu.
Bộ trưởng Thể cũng thông tin thêm về thời gian ấn định toàn bộ 11 dự án của cao tốc Bắc-Nam sẽ là vào tháng 7/2018.
Theo đó, ông Thể cho biết nội dung phê duyệt gồm: Thiết kế kỹ thuật (gồm các yếu tố thống nhất với địa phương như các đường nhánh, cầu vượt dân sinh, cống hộp, hệ thống thoát nước, thủy lợi…), chính sách đền bù giải phóng mặt bằng. Kế hoạch trùng tu, đại tu từng dự án được đưa vào ngay từ khâu lập dự án. Các quy trình, quy phạm, vật liệu mới… cũng sẽ đưa vào ngay từ khâu chuẩn bị.
Đáng chú ý, người đứng đầu Bộ Giao thông-Vận tải cho biết đánh giá tác động môi trường của dự án sẽ được thông qua trước khi phê duyệt dự án.
Sau khi dự án được phê duyệt, các Ban Quản lý dự án của Bộ Giao thông-Vận tải phải làm việc với ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng của địa phương và bắt đầu thực hiện giải phóng mặt bằng ngay sau tháng 7.
“Hiện nay, Bộ Giao thông-Vận tải đang trình 6 kiến nghị liên quan trách nhiệm của Chính phủ, 8 kiến nghị liên quan trách nhiệm của Thủ tướng. “Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (mỗi người phụ trách mỗi mảng) ký trước, sau đó Thủ tướng mới ký”, ông Thể thông tin thêm.
Đồng thời, người đứng đầu Bộ Giao thông-Vận tải khẳng định: “Mỗi ban quản lý dự án được giao một dự án, giám đốc các ban phải chủ động, đến tháng 7, ban nào không thực hiện xong sẽ kỷ luật giám đốc ban đó”.
Về đấu thầu chọn nhà đầu tư, từ tháng 7 đến cuối năm 2018 sẽ phát hành hồ sơ mời thầu. Trước đây, dự án sau khi được phê duyệt có thể phát hành hồ sơ mời thầu ngay. Nhưng với cao tốc Bắc- Nam, ông Thể khẳng định phải có thiết kế kỹ thuật, lên dự toán chi tiết mới tiến hành phát hành hồ sơ mời thầu để đảm bảo minh bạch quá trình đấu thầu.
“Về vấn đề hồ sơ mời thầu cho 11 dự án thì toàn bộ các dự án đều được đấu thầu quốc tế, hồ sơ mời thầu bằng tiếng Anh nên ban quản lý dự án phải chọn lựa kỹ càng.
Sau khi đấu thầu, chúng tôi quy định, hết 3 tháng, nhà đầu tư không lo được vốn sẽ huỷ kết quả đấu thầu, tránh tình trạng nhà đầu tư không lo được vốn, không vay được ngân hàng làm trễ công trình”, ông Thể nói.
Đồng thời, Tư lệnh ngành Giao thông- Vận tải cũng khẳng định rằng cao tốc Bắc-Nam chính là một trong 3 dự án trọng điểm của Bộ Giao thông-Vận tải trong nhiệm kỳ này.
“Nhiệm kỳ này, ngành Giao thông-Vận tải có 3 dự án trọng điểm là cao tốc Bắc – Nam, Sân bay Long Thành và dự án chống ngập TP HCM. Dự án chống ngập bị chậm, TP HCM đang muốn rút về, thực hiện bằng ngân sách địa phương. Sân bay Long Thành cũng chủ yếu thực hiện giải phóng mặt bằng, đến năm 2019 mới trình Quốc hội xin phê duyệt dự án. Vì thế, ngành chỉ tập trung chủ yếu vào dự án cao tốc Bắc – Nam”, Bộ trưởng Thể khẳng định.
Trước đó tại cuộc họp về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 diễn ra vào ngày 11/1/2018,
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu không chỉ định thầu mà phải đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch để lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực.
“Tuyệt đối không chỉ định thầu mà phải tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch để lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực triển khai các gói thầu đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, đáp ứng hiệu quả kinh tế, tránh thất thoát, lãng phí, tiêu cực”,Phó Thủ tướng nói.
Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 được QH thông qua chủ trương đầu tư ngày 22/11/2017.
Ngày 5/10/2017, Bộ Chính trị đã có Kết luận về chủ trương đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông. Ngày 1/11/2016, hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành TƯ Đảng khoá 12 đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TW trong đó khẳng định “đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, bảo đảm tính công khai, minh bạch; có cơ chế giám sát, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư đối với từng dự án”.