“Không phải tất cả các bộ, ngành đều hành động thực chất”

Mặc dù Chính phủ đã có những biện pháp quyết liệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh nhưng trên thực tế không phải tất cả các bộ ngành, các địa phương đều có hành động cụ thể và thực chất.

Nhận xét này được Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, đồng Chủ tịch VBF nêu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018, sáng 4/7.

Ba ví dụ cụ thể

Để minh chứng cho nhận định nói trên, Chủ tịch VCCI nêu 3 ví dụ.

Một, sau 4 năm đưa vào thực hiện, cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế nền tảng để hiện đại hóa và cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu, mới chỉ triển khai được 47/245 thủ tục (chiếm 19% tổng số thủ tục xuất nhập khẩu). Trong số 47 thủ tục đã được thực hiện, không ít trường hợp chưa điện tử hóa đồng bộ, thậm chí còn gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp.

Hai, về cải cách trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, kết quả sau 3 năm số mặt hàng được loại khỏi diện kiểm tra chuyên ngành chỉ chiếm chưa đầy 6%. Trong số 164 Danh mục hàng hóa phải kiểm tra thì có tới 63 danh mục chưa được các bộ ngành ban hành chính thức, chưa chỉ rõ mã HS từng mặt hàng, hoặc có mã HS nhưng chưa phù hợp (chiếm tới 36% số Danh mục). Thời gian cho kiểm tra chuyên ngành trung bình vẫn là 76 giờ/thủ tục, cao hơn đến ba lần so với các nước ASEAN-4.

Ba, Chính phủ yêu cầu tất cả các bộ ngành phải cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh. Nhưng cho đến thời điểm này, mới chỉ có Bộ Công Thương đã soạn thảo và trình Chính phủ nghị định theo yêu cầu.

4 Bộ khác là Nông nghiệp, Xây dựng, Tài chính, Y tế đã soạn thảo nghị định, gửi VCCI lấy ý kiến doanh nghiệp. Còn lại các bộ khác đang làm gì, làm tới giai đoạn nào, giải pháp cắt giảm có phù hợp không thì doanh nghiệp không được biết, cũng không được tham gia ý kiến.

Tận dụng cơ hội mới về thương mại và đầu tư

Trước thực tế nói trên, Chủ tịch VCCI cho biết, cộng đồng doanh nghiệp trong và nước ngoài đề nghị Chính phủ thực hiện một số giải pháp.

Đầu tiên là tiếp tục thực hiện triệt để các mục tiêu cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đây là giải pháp được chủ tịch VCCI nhấn mạnh luôn khả thi và ít tốn kém trong khi hiệu quả lại rất đáng kể, đặc biệt trong thúc đẩy xuất nhập khẩu, tận dụng cơ hội mới về thương mại và đầu tư.

Trong giải pháp này, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tiếp tục các chỉ đạo cương quyết thực hiện cải cách hành chính, đặc biệt là về thủ tục xuất nhập khẩu, cơ chế một cửa quốc gia và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Hai là, tăng cường các hành động thực thi các nghĩa vụ về tạo thuận lợi thương mại trong Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO.

Ba là, tận dụng tối đa cơ hội từ việc rà soát chuẩn bị phê chuẩn và thực thi CPTPP để tạo ra đột phá trong cải cách toàn diện hệ thống pháp luật, thể chế kinh tế theo các chuẩn mực mới.

Tăng cường các nỗ lực mở các con đường ưu tiên cho doanh nghiệp xuất khẩu thông qua các FTAs là giải pháp thứ hai được ông Lộc đề cập.

Cộng đồng doanh nghiệp đề xuất Chính phủ tiến hành các thủ tục phê chuẩn Hiệp định CPTPP (tốt nhất là vào kỳ họp Quốc hội cuối năm nay) để Hiệp định này sớm có hiệu lực với Việt Nam và triển khai ngay công tác chuẩn bị thực hiện các cam kết trong Hiệp định, cả từ phía chính phủ và doanh nghiệp, đặc biệt là cam kết về thể chế và hàng hóa (thuế quan, quy tắc xuất xứ) để doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các cơ hội của CPTPP ngay khi Hiệp định này có hiệu lực, ông Lộc phát biểu.

Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Hầu hết vẫn đang rà soát, xem xét

Bài viết mới