Một nguyên nhân khiến Mỹ và Trung Quốc không thể tìm ra cách thức đàm phán thương mại có thể là bởi người Mỹ không hề nhận ra rằng mình đang đưa ra hai bộ nhu cầu trái ngược nhau.
Về một phía, Mỹ đe doạ áp dụng các lệnh trừng phạt nhắm tới chương trình Made in China 2025 về phát triển công nghệ và đặc biệt nhắm tới Tập đoàn ZTE. Theo điều tra của Bộ Thương Mại, Mỹ, áp dụng thuế quan – khi là 50 tỉ USD, lúc lại là 200 tỉ USD – nhắm tới kế hoạch 2025 nói riêng và để tấn công một loạt các hoạt động công nghiệp của Trung Quốc nói chung. Còn về ZTE, ngoài tập trung vào việc ZTE bán công nghệ của Mỹ cho Iran, cái đích mà Mỹ nhắm đến nhiều hơn là một nghị trình thu mua công nghệ nước ngoài kéo dài hàng chục năm do chính phủ Trung Quốc tạo ra và tài trợ.
Vấn đề của hai động thái này nằm ở chỗ các biện pháp trừng phạt sẽ gia tăng thay vì giảm thiểu khoảng cách thương mại – điều đi ngược lại với mong muốn của Mỹ. Các công ty công nghệ của Mỹ bán rất nhiều sản phẩm bán dẫn và linh kiện cao cấp khác tới Trung Quốc, trong khi Trung Quốc không xuất khẩu nhiều công nghệ thuộc chương trình Made in China 2025. Do đó, vấn đề ở đây là công nghệ của Mỹ được chuyển giao một cách không công bằng.
Ông Trump thường xuyên phàn nàn về thâm hụt thương mại, nhưng chỉ có duy nhất một biện pháp hiệu quả thực sự để giải quyết vấn đề này: đầu tư cho nước Mỹ.
Thủ phạm đầu tiên gây ra tình trạng Trung Quốc ngày càng có nhiều thặng dư thương mại với Mỹ là các công ty đa quốc gia. Trong những ngày đầu mới phát triển, Trung Quốc đã xây dựng một nhóm khu vực địa lý tách biệt với đại lục nhằm nhận đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và xuất khẩu sản phẩm. Những khu vực này đầu tư cho cơ sở hạ tầng và áp dụng mức thuế có lợi cho các công ty nước ngoài. Các công ty phục vụ cho thị trường xuất khẩu được chuyển tới những khu vực này, một phần là do các khu này có nhiều cơ sở vật chất cao cấp.
Đến năm 2004, 4 triệu công nhân (trong gần 800 triệu công nhân trong ngành công nghiệp Trung Quốc) tại 54 đặc khu tạo ra 5% GDP của Trung Quốc và 80 tỉ USD doanh thu xuất khẩu, chiếm 41% tổng doanh thu trong năm đó. Những nhà xuất khẩu này chủ yếu là công ty quốc tế.
Các công ty nước ngoài đã rời hoạt động sản xuất ra khỏi đất nước mình và chuyển tới những khu vực nhỏ và tách biệt này. Những khu vực này sở hữu cơ sở hạ tầng tốt, lao động giá rẻ, mức thuế thấp và tự chủ, cho phép các quan chức địa phương thu tiền hoa hồng từ các khoản đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.
Sự chuyển đổi này đã không diễn ra nếu không có cuộc cách mạng công nghệ. Tới cuối những năm 1990, Internet và những công nghệ máy tính chất lượng cao hơn làm thay đổi chuỗi giá trị: cho phép quản lý tại một nơi, sản xuất tại một nơi khác. Các nhà cung ứng chuyển nhà máy lắp ráp tới những khu vực xa xôi hơn nhằm giảm thiểu chi phí.
Các công ty có tính chuyên biệt hoá nhiều hơn. Những tập đoàn lớn như AT&T, General Motors hay Caterpillar dần tụt lại phía sau bởi những dịch vụ họ từng cung cấp (tài chính, nhân sự, kỹ thuật, hay R&D) hiện đã có thể tiến hành độc lập và quảng bá qua nhiều quốc gia. Các trung tâm hành chính lớn về C-suits bắt đầu mất ổn định; và những công ty lớn nhận ra rằng họ cần tiết kiệm để duy trì tính cạnh tranh.
Một tác động khác của công nghệ thông tin thường bị đánh giá thấp là tình trạng chênh lệch pháp lý. Nếu có thể phân bổ hoạt động công ty, thì việc đặt các hoạt động sinh lợi nhuận tại các thiên đường thuế và thuê ngoài đối với các hoạt động đơn giản như trung tâm chăm sóc khách hàng tới các địa điểm có chi phí thấp như Ấn Độ là hoàn toàn hợp lý.
Các công ty Trung Quốc, được chắp cánh bởi công nghệ giúp họ tiếp cận với các quốc gia khác, dần chiếm giữ những ngóc ngách trong chuỗi giá trị. Trung Quốc có thể sao chép nhiều sản phẩm và xuất khẩu chúng tới một thị trường cách mình 7000 dặm với giá bán chỉ bằng 60%.
Thâm hụt thương mại không có gì sai, nhưng nó liên quan tới quá trình Mỹ tái cấu trúc kinh tế để phản ứng với hiện tượng toàn cầu hoá. Vấn đề nằm ở chỗ Mỹ phải phân bổ đồng đều các lợi ích kinh tế từ hoạt động thương mại. Thay vì đánh thuế các doanh nghiệp chuyển hoạt động ra nước ngoài và dùng tiền thuế đầu tư cho giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng, chính sách của nhiều đời Tổng thống Mỹ lại cho phép lợi ích ngày càng tập trung nhiều hơn trong tay một số tập đoàn và những cổ đông ngày càng giàu có của chúng.
Cuối cùng, thâm hụt thương mại cho thấy tiêu dùng đang lớn hơn quá nhiều so với đầu tư. Nếu chính quyền Trump thực sự muốn giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại với Trung Quốc, hãy đầu tư ngay bây giờ. Hãy xem xét cơ sở hạ tầng rệu rã của Mỹ và so sánh với Trung Quốc, bạn sẽ nhận thấy vấn đề.