Trong lĩnh vực điện tử gia dụng, ngoài những người tiêu dùng, doanh nghiệp còn phải chăm sóc và phục vụ các nhà phân phối, đại lý và cửa hàng. Thuyết phục đại lý nhập hàng đã khó, để họ giới thiệu và khuyến khích người tiêu dùng mua sản phẩm mới lại càng khó hơn. Đây cũng là điểm mấu chốt khiến nhiều hãng điện tử mới thành lập nhanh chóng thất bại.
Để tránh đi vào vết xe đổ này, Asanzo của CEO Phạm Văn Tam đã xây dựng một chiến lược kinh doanh rất khác biệt: chăm sóc chu đáo cả khách hàng đầu (đại lý, nhà phân phối) và khách hàng cuối (người tiêu dùng). Nhờ vậy mà trong năm đầu tiên thành lập, hãng đã bán được hơn 122.000 chiếc tivi. Đến cuối năm 2016, doanh số đạt tới ngưỡng 500.000 chiếc, tương đương 15% thị phần tivi cả nước.
Tăng chiết khấu cho đại lý thay vì “ném” tiền vào quảng cáo
Hiện nay, những thương hiệu lớn thường thực hiện các chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên tất cả các phương tiện truyền thông cho sản phẩm nhằm đánh trực tiếp vào đối tượng người mua cuối. Chi phí quảng bá sản phẩm tại các kênh siêu thị, trung tâm thương mại ở các thành phố lớn cũng rất cao. Điều này khiến mức chiết khấu dành cho các nhà phân phối, đại lý và cửa hàng bị thu hẹp chỉ còn khoảng trên dưới 5%.
Nắm được điểm này, “chúng tôi tìm cách nâng chiết khấu cho các nhà phân phối lên đến mức trên 10%. Qua đó khuyến khích người bán nhập hàng và tích cực giới thiệu sản phẩm Asanzo đến người mua nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận”, anh Tam chia sẻ.
Đa số khách hàng ở vùng nông thôn, khu công nghiệp không cần quá nhiều chức năng phức tạp trên một chiếc Tivi chỉ dùng để xem tin tức và giải trí hằng ngày.
Để giảm giá thành, “Tôi yêu cầu lược bỏ bớt các chức năng hiện đại nhưng không cần thiết. Vậy nên tivi Asanzo chỉ có 1 cổng HDMI và USB thay vì 4 cổng trên các thiết bị cùng loại.
Những dòng tivi LED thường được treo sát tường và đặt ở vị trí cao, ít bị va đập. Do vậy, phần khung nhựa của tivi quá dày và cứng là không cần thiết. Chúng tôi tiếp tục cắt giảm chi phí này để tối ưu giá cho khách hàng. Ngoài ra việc lắp ráp trong nước cũng giúp giảm giá thành sản phẩm hơn hẳn so với việc nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài.”
Riêng việc “rút ruột” sản phẩm một cách có tính toán và thông minh giúp tivi Asanzo có giá thành rẻ hơn các sản phẩm khác đến 30%, độ bền và tiết kiệm điện cũng cao hơn đáng kể bởi “càng nhiều tính năng, sản phẩm càng tiêu thụ điện năng lớn và nhanh hỏng hóc”.
Tivi Asanzo được tiết giảm nhiều chi tiết không cần thiết giúp giảm giá thành
Khi mới bắt đầu, do chỉ nhắm đến thị trường miền Tây Nam Bộ nên Asanzo chưa cần thực hiện các chiến dịch truyền thông quy mô lớn tốn kém. Thay vào đó, hãng tập trung quảng bá ở các kênh truyền hình, đài phát thanh địa phương và tổ chức các sự kiện, Roadshow quy mô nhỏ tại các đại lý, cửa hàng nhỏ để lôi kéo sự chú ý của khách hàng.
“Asanzo cũng không có chủ trương nhập hàng vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tại các thành phố lớn vốn đòi hỏi chi phí quảng bá cao. Thay vào đó, chúng tôi tập trung thuyết phục các đại lý, cửa hàng điện máy nhỏ tại các vùng nông thôn nhập Tivi của mình.
Việc cử nhân viên đến từng cửa hàng hỗ trợ việc trưng bày sản phẩm, thay mới bảng hiệu cũng rất quan trọng. Chi phí quảng cáo nhờ vậy lại được thu nhỏ nhưng vẫn đảm bảo đánh đúng vào thị trường mục tiêu mà công ty nhắm đến”, anh Tam cho biết.
Bằng những cách làm trên, chiếc tivi của Asanzo có giá thấp hơn 30-40% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Đồng thời mức chiết khấu cho các đại lý, cửa hàng vẫn được duy trì khoảng 10%, nhiều gấp 2 lần mức chiết khấu của các hãng lớn.
Những sản phẩm của Asanzo được đưa đến khắp mọi miền nhờ hệ thống phân phối lớn
Đặt lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu
Nếu như các hãng khác chỉ có trung tâm bảo hành tại những khu vực đông dân cư thì Asanzo đã tiến xa hơn khi thành lập hệ thống cửa hàng bảo hành liên kết tại địa phương. Cụ thể, doanh nghiệp này đã ký hợp đồng ủy quyền bảo hành tại những cửa hàng sửa chữa Tivi nhỏ lẽ tại từng huyện, xã.
Nhờ vậy hiện tại Asanzo đã có hơn 1000 điểm bảo hành trên toàn quốc vừa giúp ích cho hoạt động hậu mãi, vừa giúp phủ rộng hình ảnh thương hiệu của hãng đến tận các vùng xa khu vực trung tâm, điều mà các hãng sản xuất lớn hiện vẫn chưa thể làm được.
CEO Phạm Văn Tam chia sẻ: “Khi một vấn đề xảy ra, nhà sản xuất phải đứng ra nhận lỗi và là bên chịu thiệt hại về mình. Một sản phẩm bị lỗi đối với chúng tôi là chuyện rất nhỏ. Nhưng đối với khách hàng là cả một vấn đề lớn không chỉ về tiền bạc mà còn là niềm tin, sự tín nhiệm vào doanh nghiệp và sản phẩm”.
Không dừng lại ở tivi, CEO Phạm Văn Tam đã mạnh dạn phát triển thêm các dòng sản phẩm khác như nồi cơm cao tầng, lò vi sóng, máy điều hòa Inverter… để đa dạng hóa sản phẩm. Mới đây nhất, Asanzo chính thức bước chân vào thị trường điện thoại thông minh bằng 2 dòng Smartphone Asanzo S5 và Asanzo Z5, đầy đủ tính năng và mức giá cũng khá cạnh tranh.
“Sau Tivi, tôi muốn những gia đình đã tin tưởng vào thương hiệu Asanzo sẽ có thêm phương tiện thông tin liên lạc, giải trí, nghỉ ngơi hiện đại hơn. Góp phần làm phong phú thêm cuộc sống của những người nông dân, người lao động đang tham gia sản xuất xây dựng quê hương ở khắp mọi miền đất nước”, anh Tam nói.