Với vụ thử vũ khí hạt nhân lần thứ 6 mà Triều Tiên gọi là bom H, Liên Hợp Quốc đã quyết định áp đặt lệnh trừng phạt thứ 9 nhằm vào Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, người ta cũng nghi ngờ tính hiệu quả của nó như các lệnh trừng phạt được đưa ra trong hơn một thập kỷ qua.
Trên thực tế, kinh tế Triều Tiên đang được cải thiện rõ rệt. Dù còn nghèo nhưng tổng sản phẩm quốc nội của Triều Tiên đã tăng 3,9% trong năm 2016 lên 28,5 tỷ USD, mức cao nhất trong 17 năm qua. Tiền lương cũng gia tăng nhanh chóng và GDP bình quân đầu người của quốc gia này giờ tương đương với Rwanda, một hình mẫu kinh tế ở châu Phi.
Thành tựu này một phần được cho là do thương mại với Trung Quốc. Bên cạnh đó, chương trình cải cách kinh tế bắt đầu được thực hiện năm 2011 cũng đã phát huy hiệu quả. Hiện tại, Triều Tiên cho phép lãnh đạo các nhà máy tự quyết định mức lương, tìm nguồn cung cấp, thuê và sa thải công nhân. Tập thể nông dân được thay thế bằng hệ thống quản lý dựa vào từng hộ gia đình. Thậm chí, chính phủ cũng đã chấp nhận sự tồn tại của doanh nghiệp tư nhân ở một mức độ giới hạn.
Kết quả đạt được rất rõ ràng. Trước đây, người ta khó có thể nhìn thấy người bán hàng trên phố nhưng hiện nay lại khá phổ biến ở Bình Nhưỡng. Một vài khu phố có những căn hộ sang trọng, siêu thị hiện đại, cửa hàng thời trang…. Đường phố có sự hiện diện của những mẫu xe sang như Mercedes hay BMW. Tuy nhiên, Triều Tiên không chính thức thừa nhận sự thay đổi của mình.
Ngoài ra, chính quyền Triều Tiên cũng đang tiến hành cải cách nông nghiệp và quản lý thiên tai, giúp tạo ra động lực tăng trưởng đáng kể. Mức tăng trưởng trong năm ngoái cũng là kết quả của sự phục hồi mạnh mẽ so với năm 2015, thời điểm Triều Tiên phải hứng chịu một đợt hạn hán tồi tệ.
Đối với người Triều Tiên, mức sống ngày càng tăng rõ ràng là một điều tốt. Trong khi đó, nền kinh tế Triều Tiên vẫn có khả năng phát triển trước khi phải hứng chịu thiệt hại từ các rào cản thương mại mà các lệnh cấm vận mang đến. Điều đó có nghĩa là các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc sẽ cần vài năm nữa để có thể ảnh hưởng lên Triều Tiên.
Dường như nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un muốn cải cách kinh tế với vũ khí sắc bén. Phát triển vũ khí hạt nhân đủ giúp Triều Tiên không bị Mỹ và các đồng minh tấn công. Khi rảnh tay, Bình Nhưỡng có thể tập trung phát triển kinh tế để đạt được những thành tựu to lớn.
Tuy nhiên, phía trước nhà lãnh đạo Kim Jong Un vẫn là những thách thức và trở ngại không dễ vượt qua.