Không phải 10 NHTM lớn nhất mà bất ngờ là “bé hạt tiêu” OCB trở thành ngân hàng đầu tiên hoàn tất Basel II

Ngày 06/12/2017, Ngân hàng Phương Đông (OCB) công bố đã hoàn tất việc triển khai dự án Basel II. Đây là thông tin rất bất ngờ bởi không phải là nhà băng nào trong số 10 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước chọn làm thí điểm áp dụng Basel II mà lại chính là một OCB bé nhỏ không ai nghĩ tới.

Theo công bố của OCB, ngân hàng này đã hoàn thành các hạng mục dự án Quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế Basel II. Ngân hàng đã triển khai 10 công cụ lớn nhỏ hỗ trợ tích cực cho công tác tín dụng và quản trị rủi ro; Nghiên cứu soạn thảo, điều chỉnh bổ sung, cải tiến gần 30 quy trình, quy định liên quan đến công tác tín dụng, dữ liệu và quản trị rủi ro; đồng thời tổ chức hàng loạt chương trình truyền thông, đào tạo được thực hiện đều cho cả Ban dự án Basel và các nhân sự toàn hệ thống.

Basel II là phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của ủy ban Basel về giám sát ngân hàng với 3 trụ cột chính.

Trụ cột I là yêu cầu vốn tối thiểu (CAR) – nhắc đến việc duy trì một lượng vốn pháp định được tính toán cho ba thành phần rủi ro mà ngân hàng đối mặt đó là rủi ro thị trường, rủi ro tín dụng và rủi ro vận hành. Basel II yêu cầu các ngân hàng phải duy trì CAR tối thiểu 8% (theo các chuyên gia tính toán, ở Việt Nam yêu cầu CAR 9% trở lên nhưng nếu các ngân hàng Việt áp dụng theo Basel II thì CAR có thể giảm đi 2-3 điểm phần trăm, tức chỉ tương đương khoảng 6-7% của Basel II).

Trụ cột II là rà soát và giám sát – đặt ra các nguyên tắc về giám sát và quản lý rủi ro thông qua hệ thống quản trị với 3 lớp phòng thủ và các quy định khắt khe trong quy trình quản lý an toàn vốn của ngân hàng, cũng như vai trò giám sát của cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng nhà nước.

Trụ cột III là nguyên tắc thị trường và công khai thông tin. Các ngân hàng sẽ được yêu cầu công khai thông tin tập trung vào các thông số quan trọng, nguy cơ rủi ro và quản lý rủi ro. Những công khai như vậy được xem như là một điều kiện tiên quyết cho tính hiệu quả hoạt động của nguyên tắc thị trường ngân hàng.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB cho biết, là một nội dung và cũng là một đích đến trong chương trình nâng cấp khung quản trị rủi ro, tuân thủ Basel II đã được sự định hướng từ HĐQT và nỗ lực triển khai tại OCB trong giai đoạn vừa qua.

“Chúng tôi nhận thức rằng, tuân thủ Basel II cũng đồng nghĩa với việc ngân hang đã có được một hệ thống quản lý rủi ro tiên tiến, hiện đại. Sau 2 năm nỗ lực với tinh thần tập trung cao độ, ngày hôm nay chúng tôi tự hào chính thức công bố việc hoàn thành dự án Basel II và đánh dấu bước ngoặc mới trong chặng đường phát triển hướng đến top 10 ngân hàng tốt nhất” – ông Tùng nói.

CEO của OCB cũng nói rằng với việc hoàn tất dự án triển khai tuân thủ Basel II sẽ tạo ra một điều kiện nền tảng quan trọng giúp ngân hàng này duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, nâng cao vị thế và niềm tin của các nhà đầu tư, các đối tác và khách hàng.

Lợi ích rõ rệt nhất mà Basel II mang lại cho hệ thống ngân hàng Việt Nam là tăng cường cạnh tranh lành mạnh và minh bạch của hệ thống, tăng cường sức đề kháng của các ngân hàng trước bất ổn và biến động của thị trường. Việc triển khai Basel thành công sẽ giúp các ngân hàng tối ưu hóa lợi nhuận bằng các chiến lược kinh doanh dựa vào mức độ rủi ro, phân bổ vốn hợp lý vào các đối tượng khách hàng và sản phẩm, thiết lập được danh mục đầu tư, tín dụng có mức lợi nhuận tối ưu.

Basel II cũng là mục tiêu mà ngành ngân hàng đang hướng tới. Hồi tháng 6 năm nay, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về Chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, trong đó có nội dung phấn đấu đến năm 2020, các ngân hàng thương mại triển khai áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực vốn Basel II, trong đó phấn đấu có 12 – 15 ngân hàng đáp ứng đủ mức vốn tự có theo Chuẩn mực vốn Basel II.

OCB là một trong những ngân hàng nhỏ trong hệ thống hiện nay với tổng tài sản chỉ hơn 70.000 tỷ đồng, tuy nhiên ngân hàng này đang chứng tỏ cho thị trường thấy họ cũng chẳng hề đơn giản. Sau Basel II, OCB còn đang rục rịch đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán.

“Nếu thực hiện thành công Basel II thì hệ số an toàn vốn có thể giảm từ 1,5-3”

Bài viết mới