Ngày 3-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2017. Chiều tối cùng ngày, Văn phòng Chính phủ cũng tổ chức họp báo thường kỳ.
Vì sao giải ngân đầu tư công chậm, tăng trưởng GDP cao?
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định kết quả kinh tế – xã hội toàn diện trong tháng 10-2017 so với tháng trước có chuyển biến tích cực. “Có người hỏi vì sao giải ngân đầu tư công chậm mà tăng trưởng GDP lại cao? Câu trả lời là đầu tư công chậm nhưng đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài đã tăng mạnh, góp phần đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP. Nhiều công trình, dự án rất lớn, quan trọng là thông qua nguồn vốn xã hội” – Thủ tướng giải thích rõ thêm.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ Ảnh: Nhật Bắc
Tuy những kết quả đạt được là tích cực, toàn diện, đáng mừng song, theo Thủ tướng, không phải vì thế mà chủ quan, thỏa mãn vì còn rất nhiều khó khăn, thách thức phải đối mặt. Thủ tướng cho rằng những tháng cuối năm phải tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống bão lụt, hỗ trợ người dân những vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai; bảo đảm kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, thu chi ngân sách nhà nước, bảo đảm an ninh quốc phòng. Đồng thời chuẩn bị tốt các mặt công tác cho Tuần lễ Cấp cao APEC cũng như Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Philippines.
Thủ tướng cũng chỉ đạo xử lý nghiêm tình trạng lạm dụng trong khám chữa bệnh bằng BHYT; chú trọng bảo đảm an toàn cho cán bộ y tế ở các cơ sở khám chữa bệnh, xử lý nghiêm các hành vi hành hung nhân viên y tế. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, biếu xén dịp lễ, Tết. Ngoài ra, đổi mới, chuyển dần tư duy từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tránh tình trạng cắt giảm các điều kinh doanh nhưng lại “mọc giấy phép con”.
Về công nghiệp, xây dựng, du lịch, Thủ tướng đề nghị tiếp tục tháo gỡ khó khăn. Các bộ, ngành chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty lớn thực hiện kế hoạch sản xuất ngay từ bây giờ, không để tình trạng “cuối năm dồn dập, đầu năm đủng đỉnh”.
Rất cần cơ chế riêng cho TP HCM
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay trong phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 3-11, Chính phủ đã dành thời gian thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm phát triển TP HCM. Dự kiến, nội dung dự thảo này sẽ được trình Quốc hội ngay trong kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra.
“Nghị quyết được dư luận cả nước quan tâm. Ban hành Nghị quyết là cần thiết với TP HCM bởi TP HCM là đầu tàu kinh tế, đóng góp tới 27% GDP cả nước, đóng góp 25%-26% ngân sách chung cả nước. Với đàu tàu như thế cần quan tâm thí điểm cơ chế riêng” – ông Dũng khẳng định. Trong đó, các nội dung được đề cập đến là: cơ chế quản lý quy hoạch đô thị, quản lý đất đai; cơ chế quản lý đầu tư; cơ chế quản lý tài chính ngân sách; cơ chế ủy quyền, thu nhập của cán bộ công nhân viên chức thuộc sự quản lý của TP.
Giải thích thêm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng với những nội dung trên, trước nay đã có các nghị quyết, các chính sách ban hành riêng với TP HCM, nhưng trong thực tiễn có những điểm chưa phù hợp hoặc có những điểm rất cần thiết trong thực tiễn đời sống kinh tế – xã hội nhưng chưa có quy định điều chỉnh thì cũng cần phải có thí điểm. Bởi thế, cần phải thống nhất rằng rất cần có cơ chế thí điểm đột phá, đổi mới. “Trên nguyên tắc đó, cuộc thảo luận hôm nay của Chính phủ với TP HCM đã đi đến kết luận rằng với vị trí đầu tàu kinh tế, cần cơ chế thí điểm, đặc biệt vấn đề thẩm quyền về tài chính của TP” – ông Dũng thông tin.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nói rõ nguyên tắc thí điểm này sẽ tạo cho TP chủ động giải quyết công việc điều hành của TP thay vì báo cáo các bộ và Thủ tướng. “Với vị trí đầu tàu và đặc điểm một TP năng động, đổi mới, sáng tạo thì cơ chế đó phù hợp để TP phát triển nhanh, linh hoạt” – ông Dũng kết luận.
Chưa bàn chuyện sáp nhập bộ
Tại phiên họp báo, liên quan đến chủ trương sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết về nguyên tắc chung, sẽ rà soát lại và thực hiện theo Nghị quyết của Bộ Chính trị. Đó là vấn đề tinh giản biên chế, tinh giản bộ máy, đầu mối theo nguyên tắc “một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì”. “Vì hiện nay có rất nhiều việc chúng ta chồng chéo” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu lý do.
Ông Dũng cũng cho biết việc thực hiện sẽ theo hướng phân cấp mạnh cho chính quyền cấp dưới. “Những gì liên quan chồng chéo thì bây giờ trên tinh thần Nghị quyết 18, sẽ giao cho các cơ quan nghiên cứu để xử lý với tinh thần rút gọn các tổ chức bộ máy và biên chế để giảm ngân sách nhà nước. Chẳng hạn, với cấp tỉnh hiện nay, có thể xem xét sáp nhập văn phòng HĐND, UBND tỉnh” – ông Dũng thông tin.
Riêng việc hợp nhất một số bộ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết Chính phủ chưa bàn bởi còn phụ thuộc lộ trình.
“Với tinh thần Nghị quyết 18 thì vấn đề hiện nay là xây dựng chương trình hành động. Hiện, Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ tham mưu để xây dựng chương trình hành động cụ thể. Đầu tháng 12 tới, phải ban hành chương trình hành động thực hiện 3 nghị quyết lớn của Hội nghị Trung ương 6 là Nghị quyết 18, 19 và 20” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh lại.
Từ vụ ông Phạm Sỹ Quý: Chỉnh luật để truy nguồn gốc tài sản
Trả lời câu hỏi liên quan đến việc kỷ luật Phạm Sỹ Quý không trung thực trong kê khai tài sản, đại diện Thanh tra Chính phủ cho hay tỉnh Yên Bái sẽ phải báo cáo toàn bộ việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình vào trước ngày 30-11.
Với các ý kiến liên quan đến quy trình truy xuất nguồn gốc tài sản, đại diện Thanh tra Chính phủ nói đây không phải là vấn đề liên quan đến riêng vụ việc ông Phạm Sỹ Quý, mà sắp tới sẽ phải trình Quốc hội điều chỉnh, hoàn thiện Luật Phòng chống tham nhũng.