Mới nhất, ông Osamu Nagafuchi, chuyên gia tại Viện Công nghệ Fukuoka (Nhật Bản), cáo buộc không khí ô nhiễm từ Trung Quốc đã đe dọa môi trường đảo Kyushu và các đảo xung quanh ở Nhật Bản
“Nạn nhân” cụ thể, theo ông Nagafuchi, là các khu rừng nguyên sinh trên đảo Yakushima, được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Trong nghiên cứu bắt đầu từ năm 1992, ông Nagafuchi phát hiện dấu vết của silicon, nhôm và những sản phẩm phụ khác của quá trình đốt than tại các ngôi nhà và nhà máy nhiệt điện ở Trung Quốc. Theo thời gian, ông ghi nhận ô nhiễm gia tăng ở Kyushu có liên hệ với các cơn gió đến từ phía Tây Bắc. Điều đáng nói là hai thành phố Bắc Kinh và Thiên Tân – Trung Quốc cách Kyushu khoảng 1.450 km về phía Tây Bắc.
Nghiên cứu của ông Nagafuchi cũng phát hiện sự gia tăng của hàm lượng thủy ngân trong sương giá mùa đông tại các khu rừng khắp Kyushu.
Không khí ô nhiễm từ Trung Quốc còn lan sang Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc và thậm chí cả Mỹ. Vào đầu năm nay, Hàn Quốc cảnh báo về mức độ khói bụi ô nhiễm nghiêm trọng. Viện Nghiên cứu Môi trường Hàn Quốc đề nghị người dân không ra đường trong khi báo Chosun Ilbo loan tin “sương mù độc hại từ Trung Quốc đang bao phủ hầu hết lãnh thổ Hàn Quốc trong ngày đầu năm mới”. Seoul tin rằng 80% lượng khói bụi ô nhiễm đến từ bên ngoài – chủ yếu là Trung Quốc.
Trong khi đó, Cục Bảo vệ Môi trường Hồng Kông (EPD) đánh giá không khí tại đặc khu này đang chứa nồng độ chất ô nhiễm cao hơn trước, phần lớn do ảnh hưởng từ Trung Quốc, từ đó đặt ra không ít nguy cơ cho sức khỏe cư dân địa phương. Nằm không xa tỉnh Phúc Kiến – Trung Quốc, đảo Đài Loan cũng bị ảnh hưởng bởi không khí ô nhiễm từ đại lục.
Chưa dừng lại ở đó, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences gần đây chỉ ra rằng khí thải từ Trung Quốc di chuyển qua Thái Bình Dương và góp phần vào tình trạng ô nhiễm không khí ở miền Tây nước Mỹ.