Không giải trình được nguồn gốc tài sản thì phải thu hồi

Chiều 31-5, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng , chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi. Các vấn đề thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập; đánh thuế 45% đối với tài sản bất minh… được các đại biểu (ĐB) thảo luận nhiều nhất.

Ai kiểm soát tài sản cán bộ?

Tại phiên thảo luận tổ , nhiều ĐB bày tỏ băn khoăn về điểm mới của dự luật là thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

ĐB Lê Minh Khái, Tổng Thanh tra Chính phủ, cho hay qua 10 năm tổng kết thi hành Luật PCTN có một đánh giá là kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập không hiệu quả. “Hiện chúng ta đang quản lý trên 1 triệu bản kê khai nhưng do yếu tố trong nội bộ còn nể nang nên việc xác minh xem kê khai có đầy đủ hay không còn hạn chế. Do đó đòi hỏi cần có một cơ quan chuyên trách để giao cơ quan này thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ hiệu quả hơn” – ông nói và cho biết nhiều nước cũng giao cho một cơ quan độc lập thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tài sản, thu nhập.

Có hai phương án được đưa ra. Phương án thứ nhất, giao Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên. Còn dưới thì thanh tra bộ, ở địa phương là thanh tra tỉnh (Chính phủ chọn phương án này). Phương án thứ hai, giao cho hệ thống Thanh tra Nhà nước kiểm soát tài sản khối hành chính. Còn các khối khác giữ như luật hiện hành hoặc giao cho cơ quan tổ chức cán bộ…

ĐB Trần Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, không tán đồng phương án này. “Nên để cơ quan quản lý cán bộ như hiện nay là phù hợp, bởi không ai nắm cán bộ bằng cơ quan quản lý cán bộ” – ông Hà nói và cho rằng cần giao cho người đứng đầu chịu trách nhiệm về kiểm soát tài sản cán bộ do mình quản lý. Còn người đứng đầu đã có cơ quan cấp trên của họ quản lý. Như bộ trưởng, chủ tịch tỉnh/TP đã có Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý…

Không giải trình được nguồn gốc tài sản thì phải thu hồi - Ảnh 1.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đang trao đổi các vấn đề đại biểu tranh luận về kiểm soát tài sản của cán bộ cũng như các “chế tài” đối với tài sản bất minh. Ảnh: QH

Cùng quan điểm, ĐB Lê Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nhận định: “Với một lực lượng như hiện nay mà Thanh tra Chính phủ vươn đến tận giám đốc sở thì tôi nghĩ không thể làm được. Đặc biệt vào những giai đoạn bầu bán, bổ nhiệm thường diễn ra đồng loạt thì người đâu, lực lượng đâu để mà làm”.

Dẫn quy định 85 của Bộ Chính trị về kiểm soát kê khai tài sản, bà Thủy cho hay: “Khi làm quy định này, chúng tôi chỉ chốt lại các trường hợp do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Mục đích là để cho đi vào hiệu quả đã rồi mới tính đến các phương án tiếp theo. Ở dự thảo luật này, quy định Thanh tra Chính phủ “ôm” việc kiểm tra đến cả mức giám đốc sở thì là quá rộng. Quy định ra mà làm không được thì rất bất cập”.

Còn ĐB Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐB TP Hà Nội) nói: “Cái gì cứ phân ra nhiều đầu mối thì sau này không ai chịu trách nhiệm đến cùng. Nếu một đầu mối thì chúng ta quy được trách nhiệm, không làm được thì phải chịu trách nhiệm”.

Tranh cãi đánh thuế 45% tài sản bất minh

ĐB Hoàng Thanh Tùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cho rằng đánh thuế 45% tài sản chưa rõ nguồn gốc là cách tiếp cận “hơi dễ” cho Nhà nước mà chưa thể hiện sự tôn trọng hợp lý đối với quyền sở hữu tài sản của công dân – một quyền được hiến định.

“Chưa nói, truyền thống văn hóa, lịch sử của ông cha ta, tài sản để lại cho con cháu. Tài sản đó có thể là rất hợp pháp nhưng vì việc quản lý tài sản của Nhà nước ta chưa chặt chẽ nên trong một số trường hợp khó giải trình được một cách hợp lý để tự chứng minh tài sản của mình là hợp pháp” – ĐB Tùng phân tích.

Các ĐB cũng cho hay có những tài sản vì vấn đề tế nhị nên không kê khai. Nếu Nhà nước không chứng minh được đó là tài sản bất hợp pháp thì tài sản đó thuộc quyền của công dân.

Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Lê Thị Thủy lý giải chỉ tài sản, thu nhập không giải trình được nguồn gốc mới xử lý. Trong điều kiện hiện nay, do cơ chế chưa đồng bộ, chưa kiểm soát được toàn bộ thu nhập, năng lực quản trị còn hạn chế nên thu thuế hay phạt tiền cũng là phù hợp.

“Ở các nước, sử dụng qua tài khoản, người ta chứng minh được dòng tiền nơi đi, nơi đến, nguồn gốc ra sao nên xử lý rất dễ. Còn chúng ta chưa thực hiện được điều này nên áp dụng phương án thu thuế hay xử phạt vi phạm hành chính cũng có tác dụng nhất định và vẫn thu được cho Nhà nước 45%” – bà Thủy nói. Theo bà, chỉ khi nào quản trị tốt, truy xuất được nguồn gốc tài sản thì mới xử lý triệt để. Cho nên phải thực hiện từng bước chứ không thể làm dứt điểm ngay một lúc được.

Thu hồi, đánh thuế hay xử phạt?

ĐB Trương Trọng Nghĩa (ĐB Quốc hội TP.HCM) không đồng tình với cả hai phương án quy định trong dự thảo. “Tôi thiên về phương án ba, không giải thích được thì phải thu hồi phần lớn tài sản, tức là trên 50%, thậm chí phạt tiền phải 75%. Tuy nhiên, người đó được quyền kiện ra tòa…” – ông Nghĩa nói. Ông cũng cho rằng nếu đưa ra mức 45%, cán bộ, công chức có thể đồng ý nhưng nhân dân chắc chắn sẽ không đồng ý. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình hỏi ông Nghĩa: “Sau khi phạt hành chính có đánh thuế thu nhập không? Vì phần còn lại vẫn rất cao”. “Như ý của tôi, 75% thì không đánh thuế nữa” – ông Nghĩa nói.

Giải thích thêm về nội dung này, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho hay trong điều kiện Việt Nam chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của toàn xã hội thì thiết kế như dự luật là hợp lý. Đối với những tài sản như cho, biếu, tặng hay cán bộ, công chức đi làm thêm… “thì không khẳng định là tài sản bất hợp pháp” nhưng vẫn phải có chế tài xử lý phù hợp nếu không kê khai hoặc không giải trình được. “Còn đối với tài sản bất hợp pháp thì phải xử lý tịch thu chứ cần gì phải thu thuế” – ông Khái nhấn mạnh.

Ông cũng khẳng định tài sản của công dân là quyền hiến định, muốn xử hình sự thì cơ quan nhà nước phải chứng minh được là bất hợp pháp; hay muốn kiện ra tòa theo trình tự tố tụng dân sự thì cũng phải chứng minh được tài sản đó là của Nhà nước. “Vấn đề là chúng ta có chứng minh được không?” – ông Lê Minh Khái nêu và cho rằng “không chứng minh được là tài sản bất hợp pháp thì coi như là hợp pháp”.

Theo ông, giữa hai phương án thu thuế và xử phạt vi phạm hành chính, Chính phủ đã cân nhắc chọn phương án đầu. Phương án này không loại trừ trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai nếu như các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự khác chứng minh được tài sản, thu nhập này là do phạm tội mà có. Đồng thời, người phải nộp thuế cũng có quyền khiếu nại đến cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập hoặc khởi kiện kết luận xác minh tài sản, thu nhập ra tòa án có thẩm quyền theo quy định pháp luật.

Đề nghị thu thuế 45 với tài sản kê khai không trung thực

Bài viết mới