“Không gặp may thì đành bó tay chịu trói”: Có một thế hệ trẻ không chịu tìm đường thoát, mà chỉ chăm chăm học cách “an phận” với sự đen đủi

(1)

“Bạn có nghĩ mình là một người may mắn không?”.

Đây là câu hỏi thường được Matsushita Konosuke – Người sáng lập tập đoàn Matsushita – sử dụng khi tuyển người.

May mắn là một thứ rất khó để sở hữu, chúng thường xuất hiện một cách ngẫu nhiên, vào thời điểm mà chúng ta không lường trước.

Nhưng nếu câu hỏi này dành cho tôi, tôi sẽ không chần chừ mà khẳng định: “Có. Tôi rất may mắn!”

Bởi khi nhìn lại, tôi thấy cuộc sống của chúng ta luôn tồn tại những điều tốt đẹp.

Tôi không hiểu tại sao đa số chúng ta tự thừa nhận rằng bản thân là người kém may mắn?

Cách đây ít lâu, tôi đọc được câu chuyện này:

Có một cậu bé trên đường đi học bị tai nạn phải nhập viện và mất đi chân phải. Bạn gái của cậu băn khoăn không biết có nên đi thăm cậu hay không, bởi cô không biết sẽ phải nói gì để an ủi cậu.

Nhiều năm sau, cô gái này mới tụ tập được vài người bạn để đến nhà thăm cậu. Cô rất bất ngờ, bởi cậu không hề buồn bã, thiếu sức sống như cô tưởng tượng. Trái lại, cậu tươi cười, vẫy vẫy chiếc nạng đón chào họ, niềm nở dắt họ đi xem những bức tranh mình mới vẽ ngày hôm nọ.

Cậu nói: “Lúc xảy ra tai nạn, tớ nghĩ đời mình thế là xong. Lúc vào bệnh viện, tớ đã nghĩ cả đời mình bây giờ sẽ phải gắn chặt với giường bệnh. Sau khi xuất viện, tớ cho rằng mình từ nay không thể làm nổi việc gì ra hồn… Nhưng các cậu thấy không, cho đến giờ tớ vẫn sống khoẻ. Tớ vẫn còn đứng vững được bằng chân trái của mình. Hơn nữa, việc mất đi một chân cũng không ảnh hưởng mấy đến ước mơ làm kiến trúc sư của tớ. So với những người khác, tớ vẫn còn may chán.”

Bạn gái trong câu chuyện đã chọn cách nghĩ “bất hạnh” để tiếp cận vấn đề. Cô cho rằng người nào phải trải qua tai nạn thảm khốc ấy sẽ không bao giờ có thể gượng dậy được. Ngược lại, cậu bạn trong câu chuyện tìm cách chứng minh mình “may mắn”, kết quả cậu thấy mình may mắn thật, không những vậy còn khiến người xung quanh cảm thấy vui vẻ, thoải mái.

Sau tất cả, may mắn hay đen đủi chỉ là một cách nghĩ, bạn nghĩ thế nào bạn sẽ được thế ấy.

Dưới góc nhìn của Matsushita, nếu một người tự nhận mình là một người đen đủi vào công ty của ông làm việc, người đó sẽ cố gắng chứng minh điều đó mỗi ngày, từ đó đem đến sự đen đủi cho công ty của ông. Ngược lại, nếu một người khẳng định mình là người may mắn, anh ta sẽ luôn biết cách để làm cho may mắn mỉm cười trong công việc của mình.

Không gặp may thì đành bó tay chịu trói: Có một thế hệ trẻ không chịu tìm đường thoát, mà chỉ chăm chăm học cách an phận với sự đen đủi - Ảnh 1.

(2)

May mắn trông thì có vẻ xuất hiện một cách ngẫu nhiên, nhưng kỳ thực chúng luôn để lại dấu vết cho chúng ta lần theo.

Chúng ta không bao giờ nhìn sự việc một cách khách quan, mà luôn trộn lẫn chúng với những suy nghĩ, góc nhìn, cảm xúc. Nói một cách đơn giản, tâm thế nào thì nhìn đời thế ấy.

Hãy lọc những cảm xúc tiêu cực ra khỏi cuộc sống của chúng ta, thử tiếp cận vấn đề dưới một góc nhìn khác. Sao cứ phải bon chen mệt mỏi, ta nhìn đời yêu thương thì đời sẽ dành cho ta sự thương yêu.

Mỗi người chúng ta đều nhìn đời qua một lăng kính sắc màu. Lắp mắt kính hồng thay vì mắt kính đen, bạn sẽ thấy an nhiên hơn.

May mắn hay đen đủi do chúng ta tự mình quyết định.

Hai người bị lạc trong sa mạc, mỗi người có một bình nước.

Người thứ nhất than thở: “Khổ quá. Có mỗi một bình nước. Uống hết rồi thì phải làm sao.”

Người kia hớn hở: “May mà vẫn còn một bình.”

Kết quả, người thứ nhất ngã gục khi cách nguồn nước chỉ vài trăm mét. Người thứ hai thoát khỏi sa mạc với nửa bình nước.

Khi bạn thừa nhận mình là người may mắn, một cách vô thức bạn sẽ tìm tới những sự kiện liên quan đến may mắn, đồng thời tự động bỏ qua những điều thường khiến con người trở nên chán nản, phiền muộn và bi quan.

Cuộc sống vốn không công bằng, vị thần may mắn sẽ chỉ ban phát vận may cho những người tin rằng mình sở hữu nó.

Không gặp may thì đành bó tay chịu trói: Có một thế hệ trẻ không chịu tìm đường thoát, mà chỉ chăm chăm học cách an phận với sự đen đủi - Ảnh 2.

(3)

Phải chăng chỉ cần tin mình là người may mắn, may mắn tự khắc sẽ đến với ta?

Đương nhiên là không phải vậy.

Chân lý cuộc sống: “Càng cố gắng càng may mắn” đưa ra không phải để động viên, an ủi chúng ta. Thực chất đây là một sự thật hiển nhiên, hoàn toàn có thể chứng minh bằng logic.

Chúng ta ai cũng có một người bạn mỗi ngày dành nhiều thời gian hơn chúng ta một chút để học ngoại ngữ, đọc sách, tập thể dục thể thao,…Một chút này với chúng ta không đáng kể, chúng ta không hề bận tâm về điều đó. Thậm chí chúng ta còn cảm thấy năng lực của họ chẳng hơn gì chúng ta.

Đến một ngày, chúng ta tự nhiên thấy người đó giỏi hơn chúng ta rất nhiều, được nhận vào làm ở một công ty lớn, tất tần tật từ lương, chế độ đãi ngộ,…đều tốt hơn chúng ta. Lúc này, chúng ta mới ý thức được khoảng cách giữa ta và người ấy là bao xa. Nhưng sự đã lỡ, chúng ta đành tự an ủi bản thân: “Không ngờ nó hên thế!”

Sau tất cả, sự may mắn làm người khác ngạc nhiên, trầm trồ, là thành quả của quá trình tích luỹ những nỗ lực bỏ ra từng ngày. Có thể nói, nỗ lực là gốc rễ của sự may mắn.

Phần tiếp theo sẽ chứng minh cho mệnh đề trên dưới góc nhìn của khoa học.

Giả sử giá trị ban đầu của một người là 1.

Nếu mỗi ngày giá trị của anh ta tăng thêm 1%, sau 1 năm, giá trị của anh ta sẽ là: (1+0.01)x365 = 37.8

Nếu mỗi ngày giá trị của anh ta giảm đi 1%, sau 1 năm, giá trị của anh ta sẽ là: (1–0,01)x365 = 0.03

Từ ví dụ đơn giản trên, chúng ta có thể thấy sự khác biệt giữa người cần cù chăm chỉ và người lười biếng lớn đến thế nào. Mặt khác, giá trị tỉ lệ thuận với vận may. Giá trị của bạn càng lớn, may mắn bạn có được càng nhiều. Đây là lí do tại sao người lười biếng luôn đố kị với người cần cù về sự may mắn của họ.

Cuộc sống thực chất rất đơn giản. Chỉ cần bạn nỗ lực từng ngày, giá trị của bạn tăng lên, bạn tự nhiên sẽ gặp được nhiều may mắn. Ngược lại, nếu bạn chây ì, giá trị của bạn giảm đi, bạn tự nhiên sẽ thấy sao mình thật bất hạnh.

Không gặp may thì đành bó tay chịu trói: Có một thế hệ trẻ không chịu tìm đường thoát, mà chỉ chăm chăm học cách an phận với sự đen đủi - Ảnh 3.

(4)

Richard Wiseman – Giáo sư tâm lý xã hội tại Đại học Hertfordshire ở Anh – đã dành hơn một thập kỷ để nghiên cứu mối liên hệ giữa may mắn và hành vi của con người.

Trong cuốn “The Luck Factor”, ông thừa nhận: “May mắn không phải là một phép màu, cũng không phải là một món quà của Chúa. May mắn được thiết lập bởi những suy nghĩ và hành động của bạn”. Ông tin rằng, chỉ có 10% may mắn xuất phát từ sự ngẫu nhiên. 90% còn lại phụ thuộc vào những quyết định của chủ thể.

Theo nghiên cứu của Richard Wiseman, những người may mắn thường có 3 đặc điểm sau:

Hướng ngoại: Những người này thường có xu hướng thư giãn, thoải mái hơn trong cuộc sống. Trong giao tiếp họ thường hay cười, dễ dàng bắt chuyện, có tiếp xúc ánh mắt mạnh mẽ với người đối diện. Điều này làm tăng nhiều cơ hội may mắn của họ, đồng thời giúp họ có thêm nhiều cơ hội hơn.

Có tư tưởng thoáng: Những người này sẵn sàng trải nghiệm những điều mới mẻ, sẵn sàng lắng nghe những góc nhìn, quan điểm mới, vì vậy họ có góc nhìn đa chiều hơn. Những người này có giá trị không ngừng tăng lên, vì vậy vận may cũng thường mỉm cười với họ hơn.

Ôn hoà: Dĩ hoà vi quý. Những người này có được sự bình an, những mối quan hệ hoà thuận, vì vậy mọi việc đều vô cùng thuận lợi, có khó khăn mấy cũng dễ dàng vượt qua.

Tổng kết lại, muốn thành một người may mắn, bạn chỉ cần nhớ những điều sau:

Đầu tiên, phải nghĩ mình là một người may mắn.

Tiếp theo, phải hiểu rõ bản chất của câu nói: “Càng cố gắng càng may mắn”.

Và cuối cùng, cố gắng bồi dưỡng bản thân để có thể trở thành một người hướng ngoại ôn hoà, có tư tưởng thoáng.

Tôi chợt nhớ một câu thoại trong bộ phim kinh điển Forest Gump, xin được chia sẻ với các bạn:

“Life is like a box of chocolates, you never know what you’re going to get.”

(Cuộc sống giống như một hộp kẹo Socola, bạn không thể biết trước bạn sẽ nhận được những gì).

Bản thân tôi tin rằng, may mắn cũng nằm trong hộp kẹo Socola ấy.

Vào một ngày nào đó, cầm một thỏi Socola, cho vào miệng nhai nhồm nhoàm, bạn sẽ mỉm cười: “Ơn giời vận may của tôi đến rồi.”

(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)

Khi ung thư không còn là chuyện người già mà là mối lo của cả thế hệ trẻ: Nguyên nhân từ đâu?

Bài viết mới