Báo động khai thác dược liệu
Tại một hội thảo về thảo dược thiên nhiên ngày 20/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết từ xa xưa người dân Việt Nam đã sử dụng y học cổ truyền trong phòng và chống nhiều bệnh. Ví dụ như uống trà vối dễ tiêu, gừng, hành, tỏi không chỉ được người dân sử dụng làm gia vị mà còn là thứ dược liệu phòng bệnh.
Tuy nhiên, Việt Nam có nguồn dược liệu quý chưa được quy hoạch, khai thác còn bất cập, nhiều dược liệu quý có nguy cơ cạn kiệt, cây dược liệu có thể giúp người dân xoá đói giảm nghèo.
Bộ trưởng Tiến cho biết, ngành y đã có nhiều văn bản, phương châm là kết hợp Đông – Tây y và trực tiếp là đề án phát triển ngành dược 2030 phát triển bền vững, gắn dược liệu với công nghiệp, xã hội hoá để nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển, khai thác giá trị tiềm ẩn cây thuốc từ trồng trọt, thu hái, phân phối và chế biến dược liệu quý thành nguồn nguyên liệu làm thuốc tân dược, y học cổ truyền, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và các thực phẩm bổ dưỡng khác vừa giúp người dân bảo vệ sức khoẻ và cuộc sống ấm no.
Bộ trưởng Tiến cũng cho rằng Luật Dược mới khuyến khích các đơn vị trong nước và ngoài nước để phát triển dược liệu với ước mơ đưa dược liệu phát triển trong nước và đưa ra ngoài nước là nguyên liệu cung cấp cho ngành dược liệu thế giới.
Tuy nhiên, các chuyên gia tại hội thảo cũng cho rằng công tác trồng, thu hái dược liệu ở nước ta còn rất bất cập vì thế nhiều loại dược liệu có nguy cơ cạn kiệt. Đặc biệt, hiện tượng thương lái Trung Quốc sang Việt Nam thu gom dược liệu thô mang về Trung Quốc sử dụng công nghệ rồi lại bán lại cho chúng ta với giá rất cao.
Đó còn chưa kể nhiều loại thảo dược đã được “luộc” hết các tinh chất và bán sang Việt Nam khiến chất lượng dược liệu của chúng ta thấp, đôi khi còn là rác dược liệu.
Phát triển vùng dược liệu
Trong khi đó, trên thế giới xu hướng trở về thiên nhiên sử dụng các loại thảo dược tự nhiên phù hợp với cơ thể phòng chống bệnh tật là hướng đi mới vừa giúp người dân xoá đói giảm nghèo, tăng nguồn dược liệu cho cả nước.
Theo bà Trần Thị Hồng Phương – Phó Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền, Bộ Y tế dược liệu không chỉ được dùng trong ngành dược mà còn được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hương liệu, thực phẩm.
Mạng lưới bảo tồn dược liệu tại 7 vùng sinh thái Quảng Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Kon Tum, Gia Lai và hiện nay đang phát triển rộng trên toàn Việt Nam, theo đánh giá của các chuyên gia tại các viện nghiên cứu nguồn dược liệu khá phong phú.
Hiện nay, đinh lăng nguồn tập trung chính nuôi trồng ở Ninh Bình số lượng hàng năm 9 triệu đồng/ha, hoa ích mẫu, đương quy, trạch tả bình quân thu nhập theo đánh giá là gấp từ 3 đến 10 lần so với trồng lúa.
Tại Thái Bình, bà Phương cho hay, người dân tập trung trồng hoè, sản lượng khá cao cả nghìn tấn 1 năm, ngoài sử dụng trong nước, hoa hoè còn xuất khẩu. Bộ Y tế đã có văn bản hạn chế nhập khẩu hoè hoa mà sử dụng ngay nguồn dược liệu trong nước để sản xuất. Hoè hoa có tác dụng với người huyết áp cao.
Tỉnh Bắc Ninh nhiều vùng trồng nghệ, đã đưa được các sản phẩm từ nghệ có giá trị như curcumin, phục vụ chăm sóc sức khoẻ người dân đặc biệt là trong mục tiêu phòng chống ung thư, đây là thế mạnh của Việt Nam.
Vùng trồng trạch tả ở Ninh Bình, cho thu được hơn 2000 tấn 1 năm đáp ứng được nhu cầu trong nước không chỉ vậy còn xuất khẩu. Các nước xung quanh có nhu cầu nhập khẩu dược liệu từ nước ta.