Chính phủ vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử. Đề án được xây dựng với mục tiêu nghiên cứu, nhận diện đầy đủ, chính xác bản chất của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo theo kinh nghiệm nước ngoài và thực tiễn Việt Nam; mối quan hệ với tài sản thực, tiền thực; vai trò của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo và tác động của chúng tới pháp luật.
Dù không được công nhận tại Việt Nam nhưng bitcoin vẫn được nhiều người mua bán, sử dụng như một phương tiện thanh toán Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ngoài ra, đề án còn rà soát, đánh giá thực trạng khung pháp lý về tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo của Việt Nam, kinh nghiệm điều chỉnh của nước ngoài và tác động tới hệ thống pháp luật liên quan của nước ta nhằm nhận diện và xác định thái độ của cơ quan nhà nước đối với các vấn đề pháp lý liên quan. Bên cạnh đó, đề xuất các nhiệm vụ, công việc cụ thể và những định hướng xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo nhằm bảo đảm tương ứng và các rủi ro liên quan để kiểm soát, giảm thiểu các rủi ro này…
Ngay khi đề án được công bố, dư luận cũng như những người trước nay vẫn xem tiền ảo như phương tiện thanh toán, giao dịch, đầu tư kỳ vọng loại tiền này sẽ sớm được nhà nước công nhận. Anh Võ Minh Hoàng, một game thủ ở TP HCM, cho biết hiện nay, tiền ảo như bitcoin đang được sử dụng nhiều trong giới game thủ trên khắp thế giới. Có rất nhiều game cho game thủ chơi và nhận được bitcoin. Một số game khác thì cho người chơi dùng bitcoin để mua vật phẩm trong game hay mua từ người chơi khác.
“Theo tôi, nhà nước nên công nhận tiền ảo này để giúp người dùng trao đổi, mua bán thuận tiện hơn. Bởi lẽ, trong các trò chơi rất ít có hiện tượng đầu cơ hay thao túng bitcoin. Mọi người chỉ sử dụng để trao đổi nên tôi nghĩ việc quản lý hay công nhận tiền ảo không quá phức tạp cũng như bảo đảm không phát sinh các hiện tượng xấu” – anh Hoàng kỳ vọng.
Trong khi đó, ông Trần Mạnh Thắng, một người chuyên “đào” bitcoin, cho rằng việc sử dụng tiền ảo mang lại nhiều tiện ích như tiết kiệm chi phí, giao dịch thuận tiện, nhanh chóng, khó bị làm giả… nên thu hút nhiều người tham gia đầu tư, kinh doanh. “Nếu bạn chuyển tiền qua ngân hàng cho bạn bè hay người thân thì thường sẽ phải mất một khoản chi phí nhưng với bitcoin, nó hoàn toàn miễn phí hoặc chỉ mất khoản phí rất nhỏ. Tiền bitcoin được gửi và nhận gần như ngay lập tức dù bạn gửi đi bất cứ nơi đâu trên thế giới, bất cứ thời gian nào dù đêm hay ngày” – ông Thắng giải thích.
Các giao dịch với tiền ảo không chứa thông tin cá nhân, nó được ẩn đi trên hệ thống, cho phép bảo mật thông tin người dùng, tránh bị đánh cắp. Mọi thông tin về giao dịch đều có trong cơ sở dữ liệu của trang web giao dịch tiền ảo hay ví điện tử nên người dùng không phải quá lo sợ bị mất.
“Thực tế, tiền ảo giúp cho việc giao dịch, trao đổi hàng hóa được nhanh, thuận tiện hơn. Nhiều nước cũng đã chấp nhận và đang cố gắng hạn chế nạn đầu cơ, trục lợi từ tiền ảo. Tôi nghĩ tiền ảo hiện nay là xu thế, nên công nhận nó. Vấn đề quan trọng nhất là làm sao quản lý được nó một cách phù hợp mà thôi” – ông Thắng bày tỏ.
Trong khi đó, nột chuyên gia về thương mại điện tử tại TP HCM lại cho rằng tiền ảo hiện vẫn còn khá xa lạ với nhiều người Việt Nam, việc sử dụng nó không phải ai cũng biết. Chẳng hạn, với bitcoin, để sử dụng, người dùng phải tạo một ví lưu trữ, các thao tác phải thực hiện trên máy tính. Đối với những người “mù” về công nghệ mà không được ai chỉ dẫn sẽ khó có thể tự làm các thao tác này và có nguy cơ bị lừa đảo. Vì tính ẩn danh của bitcoin và tiền ảo nói chung, không bị ai kiểm soát, tội phạm có thể sử dụng đồng tiền này như một phương thức giao dịch. Hacker có thể tìm cách tấn công nhiều sàn tiền ảo để đánh cắp số lượng lớn và nạn rửa tiền có thể xảy ra một cách dễ dàng.
Ngoài ra, việc giao dịch bằng tiền ảo có thể làm nảy sinh nhiều loại tội phạm như rửa tiền, trốn thuế, buôn lậu. Trên thế giới, các nước như Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Nhật Bản, Canada… đều đã xây dựng khung pháp lý, chính sách để quản lý hoạt động kinh doanh, sử dụng tiền ảo. Trong đó, tập trung vào 4 vấn đề: xây dựng khung pháp lý quản lý, ban hành chính sách thuế đối với đầu tư, kinh doanh tiền ảo, có chính sách bảo vệ quyền lợi cho người sở hữu tiền ảo, cấm các giao dịch tiền ảo do tư nhân phát hành.
“Tiền ảo có nhiều lợi ích nhưng cũng có nhiều nguy cơ, vấn đề quan trọng là chúng ta nên tìm cách hạn chế nguy cơ. Do đó, tôi nghĩ chúng ta cũng nên nhìn nhận rõ ràng hơn về tiền ảo và sớm có biện pháp quản lý chứ hoàn toàn không nên bỏ lơ nó được” – chuyên gia này nêu ý kiến.
Ngân hàng Nhà nước không công nhận
Trao đổi với báo chí, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử được Chính phủ giao Bộ Tư pháp nghiên cứu. Khi nào Bộ Tư pháp xây dựng xong thì ngành ngân hàng sẽ có ý kiến. Tuy nhiên, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên là không công nhận các loại tiền ảo như bitcoin.
Từ năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động nghiên cứu về loại tiền ảo bitcoin. Theo quy định pháp luật hiện hành, Ngân hàng Nhà nước khẳng định bitcoin cũng như các loại tiền ảo tương tự không phải là tiền tệ, phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Từ đầu năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã nêu quan điểm không công nhận bitcoin là một loại tiền tệ. Do đó, việc sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo khác làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng tiền ảo như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.
Ý KIẾN
Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM:
Không vi phạm nhưng rất rủi ro
Tới nay, Ngân hàng Nhà nước cũng chưa có bất kỳ văn bản nào quy định cấm giao dịch mua bán tiền ảo hay trao đổi hàng hóa thông qua tiền ảo… Do đó, việc các cá nhân, tổ chức sử dụng đồng tiền ảo tại Việt Nam hiện nay chưa bị coi là vi phạm pháp luật.
Bitcoin là loại tiền ảo, được vận hành bởi một hệ thống máy tính và không chịu sự chi phối của bất cứ cơ quan nhà nước nào. Pháp luật hiện nay tại nước ta cũng chưa điều chỉnh vấn đề này, do đó người dùng sẽ không được bảo hộ về mặt pháp luật. Khi có vi phạm, tranh chấp xảy ra sẽ không có luật điều chỉnh, cũng không thể kiện đòi các website giao dịch bitcoin bởi một số trang web này tới nay vẫn chưa được các quốc gia trên thế giới công nhận. Điều này dẫn tới việc sử dụng, giao dịch bằng bitcoin và tiền ảo nói chung sẽ rất rủi ro.
TS BÙI QUANG TÍN, Trường Đại học Ngân hàng TP HCM:
Nên xem tiền ảo là một công cụ giao dịch
Việc Chính phủ nghiên cứu để đưa ra khung pháp lý cho tiền ảo là phù hợp bởi xã hội đang cần các phương tiện giao dịch gắn liền với thời đại công nghiệp 4.0. Hiện tại, không ít quốc gia đã sử dụng ứng dụng bitcoin như một công cụ để cải tiến cách thức quản lý, giao dịch trong hệ thống ngân hàng một cách hiệu quả. Tuy nhiên, Chính phủ cần phải đưa ra cách thức giao dịch sao cho người dân nhận thấy tiền ảo không phải là một đồng tiền mà chỉ là một phương tiện giao dịch. Ngoài ra, nếu không muốn tiền ảo lấn át VNĐ, làm lệch lạc chính sách quản lý ngoại hối… thì Chính phủ cần có phương thức quản lý theo hướng không cho phép sử dụng chúng mua bán hàng hóa hay chuyển ra nước ngoài…
PGS-TS NGUYỄN KHẮC QUỐC BẢO, Trưởng Khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM:
Chưa nên thừa nhận
Hiện nay, các quốc gia phát triển trên thế giới còn tranh cãi tính pháp lý của tiền ảo. Vì thế, một quốc gia còn thiếu kinh nghiệm như Việt Nam thừa nhận tiền ảo như một đồng tiền đích thực là chưa phù hợp.
Nhiều năm trước, Việt Nam đã loại vàng ra khỏi tiền tệ, xem vàng như một loại hàng hóa, từ đó việc điều hành chính sách tiền tệ trở nên đơn giản và hiệu quả. Do đó, nếu chúng ta thừa nhận tiền ảo như một đồng tiền sẽ làm cho việc điều hành chính sách tiền tệ hết sức phức tạp.
Giả sử Chính phủ trang bị đầy đủ tính pháp lý, công nhận tiền kỹ thuật số bitcoin thì nền kinh tế và người nắm giữ bitcoin luôn đối mặt với rủi ro. Bởi lẽ, thị trường đã từng chứng kiến bitcoin có những lần rớt giá từ trên 1.000 USD rớt xuống vài chục USD/bitcoin. Nếu các đợt giảm giá này tái diễn, ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác thì chắc chắn Ngân hàng Nhà nước sẽ không can thiệp nổi vì không thể điều tiết cung cầu bitcoin như VNĐ.
C.TRUNG – TH.THƠ ghi