Không dễ nâng cao giá trị gia tăng cho nông dân

Chiều 25/5, Quốc hội có phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội, báo cáo thực hành tiết kiệm chống lãng phí 2017 và quyết toán ngân sách năm 2016.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Hà Thị Minh Tâm (đoàn Hà Nam) cho biết, “tôi thấy rất ấn tượng là tốc độ tăng trưởng sản phẩm trong nước và tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trong nhiều năm chúng ta phải nhập siêu thì đến nay chúng ta đã xuất siêu 3,4 tỷ USD, tương đương 1,4% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu”.

Không dễ nâng cao giá trị gia tăng cho nông dân - Ảnh 1.

Đại biểu Hà Thị Minh Tâm (đoàn Hà Nam) phát biểu tại phiên thảo luận.

Một số quốc gia nước ta phải nhập siêu lớn thì nay đã giảm dần như Trung Quốc, ASEAN,…góp phần quan trọng trong cán cân thanh toán và giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế.

Ngành nông nghiệp cũng có giá trị tăng cao và ổn định so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu nông sản năm 2017 đạt hơn 36,5 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 7, 5 tỷ USD. Dự kiến năm 2018 xuất khẩu nông sản đạt trên 40 tỷ USD.

Tuy nhiên, Đại biểu cho biết ngành nông nghiệp Việt Nam gặp nhiều thách thức. Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng do đó nâng cao giá trị gia tăng của nông dân là vấn đề thách thức lớn.

“Chúng ta ngày càng phải đối diện với vấn đề như truy xuất nguồn gốc, chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu ngày càng đối diện với nhiều biện pháp phòng vệ kỹ thuật của các nước nhập khẩu”, Đại biểu chia sẻ.

Bên cạnh đó, về năng lực sản xuất trong nước còn hạn chế thể hiện rõ ở khâu tổ chức sản xuất còn vướng mắc về chính sách đất đai, chính sách thu hút đầu tư hạ tầng nông nghiệp. Việc áp dụng khoa học công nghệ còn hạn chế. Đặc biệt là khâu bảo quản và chế biến nông sản nên tính cạnh tranh của sản phẩm còn thấp.

Lực lượng lao động nông nghiệp còn cao trong khi thu nhập nông nghiệp tuy có tăng nhưng thấp hơn rất nhiều so với các ngành nghề lao động khác. Các chi phí kiểm tra chuyên ngành còn cao và vai trò quản lý nhà nước trong dự báo và tổ chức thị trường tiêu thụ nông sản còn mờ nhạt.

Đối với Việt Nam là nước nhiệt đới ven biển Thái Bình Dương do đó bên cạnh những thuận lợi là đa dạng nông sản thì Việt Nam cũng phải đối diện với những bất lợi của thời tiết, biến đổi khí hậu, thiên tai.

Trước vấn đề này, Đại biểu Tâm đưa ra kiến nghị cần đảm bảo đầu tư ngân sách nhà nước và huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội, đầu tư cho nông nghiệp đặc biệt là kết cấu hạ tầng nông nghiệp để đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hội nhập quốc tế.

Ngày ngày nông nghiệp nông thôn không chỉ là nơi cung cấp thực phẩm mà còn là nơi cung cấp dịch vụ du lịch sinh thái, bảo tồn văn hóa truyền thống.

Ngoài ra, chú trọng đầu tư cho khoa học công nghệ, tăng cường nghiên cứu chuyển giao ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh đảm bảo nâng cao giá trị của thực phẩm.

Vượt qua rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu hàng hóa, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn nông sản, đẩy mạnh đăng ký bảo hộ nông sản và chỉ dẫn địa lý.

Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp phù hợp với cơ chế thị trường, chú trọng khâu dự báo thị trường, điều tiết sản xuất theo chuỗi giá trị. Tổ chức tốt khâu kết nối giữa vùng sản xuất và kết nối thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Đẩy mạnh chính sách bảo hiểm nông nghiệp

Đổi mới phát triển hình thức sản xuất nông nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm, tháo gỡ khó khan cho doanh nghiệp về vốn hạ tầng, khoa học công nghệ, phát triển liên kết về phân phối tiêu thụ nông sản.

Nông nghiệp đang đứng trước “2 cái nhất”

Bài viết mới