Không còn đại diện vốn cho Standard Chartered, Phó Chủ tịch ACB rời nhiệm sở

HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (mã ACB-HNX) mới đây đã quyết định ông Andrew Colin Vallis không còn là thành viên Hội đồng Quản trị của ACB nhiệm kỳ 2013 – 2017 kể từ ngày 24/11. Lý do bởi ông đương nhiên mất tư cách theo Điều 35.1.d của Luật các TCTD và theo quy định tại điều lệ của ngân hàng.

Theo điều khoản này, ông Andrew Colin Vallis đã không còn là người đại diện phần vốn góp theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức. Hồi cuối tháng 5, ông cũng không còn là Chủ tịch của CTCK ACB do ngân hàng sở hữu 100% vốn.

Từ năm 2013, ông Andrew Colin Vallis gia nhập ACB với vai trò cố vấn kỹ thuật ngân hàng, sau đó là đại diện phần vốn góp của Standard Chartered Bank tại ACB và tham gia HĐQT từ 23/4/2013 sau khi ngân hàng tổ chức ĐHĐCĐ nhiệm kỳ mới.

Tại Ngân hàng Standard Chartered, ông gia nhập từ năm 2002 và nắm giữ các vị trí lãnh đạo cấp cao tại ngân hàng này như Đồng Chủ tịch Khối Tư vấn Đầu tư Toàn cầu, tại Singapore và lần lượt giữ các vị trí quan trọng khác là Đồng Chủ tịch Khối Ngân hàng Bán sỉ thị trường Châu Âu tại London và là Chủ tịch Toàn cầu Khối Phát triển Kinh doanh và Vốn, tại Hong Kong.

Trước đó, ông cũng là một chuyên gia về Thị trường Vốn, Tài chính Doanh nghiệp và Nợ Phái sinh gần 15 năm tại BZW và Barclays Capital tại các thị trường Hong Kong, Singapore và Malaysia.

Sau khi miễn nhiệm ông Andrew Colin Vallis, hiện Standard Chartered không có người đại diện vốn trong HĐQT. Chưa rõ thời điểm nào ngân hàng ngoại này sẽ bổ sung thay thế người đại diện phần vốn góp. Khi không có người liên quan trong HĐQT, Standard Chartered cũng sẽ không có nghĩa vụ phải thông báo trước khi thực hiện giao dịch.

Ông Andrew Colin Vallis

Standard Chartered bắt đầu đầu tư vào ACB từ năm 2008. Tính đến 30/6/2017, tỷ lệ sở hữu của Standard Chartered Bank Hong Kong Ltd là 6,25%. Ngoài ra, Standard Chartered APR Limited cũng sở hữu cổ phần của ngân hàng này. Sau khi bán hơn 626 nghìn cổ phiếu vào đầu tháng 8 vừa qua, tổ chức này đã giảm sở hữu cổ phần ACB xuống còn 89,86 triệu cổ phiếu, tương đương 9,11%.

Giá cổ phiếu ACB đã tăng mạnh từ đầu tháng 11 vừa qua. Từ thời điểm Standard Chartered, cổ phiếu ACB đã trải qua nhiều giai đoạn lên, xuống, trong đó có hai đợt giảm giá mạnh hồi cuối năm 2008 do bối cảnh giảm chung của chứng khoán Việt Nam và năm 2012 khi cựu Chủ tịch và lãnh đạo của nhà băng này vướng vòng lao lý.

Diễn biến cổ phiếu ACB từ khi lên sàn đến nay

Bài viết mới