Khối ngoại quay đầu bán ròng trong tháng 2, dứt chuỗi 3 tháng liên tục "gom" cổ phiếu Việt Nam

TIN MỚI

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa đi qua tháng 2 không mấy tích cực, chỉ số VN-Index lùi về sát ngưỡng 1.020 điểm tương ứng mất gần 7,8% giá trị. Vốn hóa HoSE cũng theo đó sụt giảm khoảng 350.000 tỷ đồng (~15 tỷ USD). Thị trường giảm song vẫn không kích hoạt dòng tiền bắt đáy, thanh khoản nhiều phiên rơi về mức thấp kỷ lục hơn 2 năm, dưới mức 6.000 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. Nhà đầu tư không mấy mặn mà với việc mua đuổi các cổ phiếu hồi phục trong khi áp lực bán cũng không lớn.

Một trong những nguyên nhân khiến thị trường thiếu đi động lực bứt phá tới từ sự giảm tốc của dòng vốn ngoại. Khối ngoại có tháng bán ròng, qua đó đứt chuỗi 3 tháng liên tiếp trước đó mua ròng liên tục trên thị trường Việt Nam.

Cụ thể, tổng giá trị bán ròng của khối ngoại trong tháng 2 đạt 263 tỷ đồng, trong đó bán ròng 140 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh và bán ròng 123 tỷ thoả thuận. Đà bán ròng diễn ra chủ yếu vào nửa cuối tháng, thiết lập chuỗi 10 phiên liên tiếp bán ròng trên HOSE.

Nếu xét theo từng sàn, khối ngoại bán ròng 639 tỷ đồng trên HoSE, mua ròng 351 tỷ đồng trên HNX và mua ròng 26 tỷ đồng trên UPCoM trong tháng 2.

Khối ngoại quay đầu bán ròng trong tháng 2, dứt chuỗi 3 tháng liên tục gom cổ phiếu Việt Nam - Ảnh 1.

Xét riêng theo từng mã cổ phiếu trong tháng 2, cổ phiếu bất động sản VHM ghi nhận mức bán ròng mạnh nhất của khối ngoại với giá trị vượt ngưỡng 800 tỷ đồng. Cổ phiếu giảm gần 14% trong tháng 2, xuống còn 41.500 đồng/cp (phiên 28/2), tương đương mức giá thấp nhất từ tháng 4/2020. Các mã cổ phiếu bất động sản khác như DXG, VIC, KDH cũng đứng vị trí cao trong danh sách rút ròng của khối ngoại trong tháng 2 với giá trị lần lượt đạt 474 tỷ đồng, 232 tỷ đồng và 217 tỷ đồng. Một số mã DGC, KDC, DC cũng bị bán ròng hàng trăm tỷ trong tháng 2 vừa qua.

Ngược lại, dòng tiền ngoại ghi nhận lực mua ròng mạnh nhất tại cổ phiếu ngân hàng STB, giá trị mua ròng đạt 665 tỷ đồng, nhưng thị giá STB đã giảm hơn 12% trong tháng 2. Đặc biệt, room ngoại của cổ phiếu STB đã tăng đột ngột lên 30% thay vì mức 23,63% sau khi niêm yết bổ sung 400 triệu cổ phiếu.

Lực mua ròng của khối ngoại còn tập trung mạnh tại cổ phiếu HPG và PVD, giá trị lần lượt đạt 556 tỷ và 205 tỷ đồng. Hai cổ phiếu này trong tháng 2 vận động trái ngược, trong khi thị giá HPG sụt 10%% thì PVD ngược dòng nhích nhẹ 1%. Giá trị mua ròng trên 100 tỷ cũng được ghi nhận tại cổ phiếu HDB (187 tỷ), HCM (162 tỷ) và IDC (129 tỷ).

Khối ngoại quay đầu bán ròng trong tháng 2, dứt chuỗi 3 tháng liên tục gom cổ phiếu Việt Nam - Ảnh 2.

Tính chung từ đầu năm, sau tháng đầu tiên vẫn giữ được đà mua ròng nghìn tỷ, việc bán ròng trong tháng 2 đã khiến giá trị giao dịch luỹ kế 2 tháng đầu năm 2022 của khối ngoại thu hẹp còn mua ròng 3.924 tỷ đồng.

Trong đó, top 3 cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất gọi tên HPG (1.964 tỷ đồng), STB (875 tỷ đồng) và FUEVFVND (565 tỷ đồng). Ở phía bên bán, EIB vẫn là cái tên chịu áp lực bán ròng mạnh nhất từ đầu năm, giá trị hiện đạt 3.460 tỷ đồng và chủ yếu là giao dịch thỏa thuận, VHM cũng bị bán ròng 564 tỷ đồng và DGC bị xả ròng 515 tỷ đồng….

Khối ngoại quay đầu bán ròng trong tháng 2, dứt chuỗi 3 tháng liên tục gom cổ phiếu Việt Nam - Ảnh 3.

Như vậy, sau khoảng thời gian mua ròng mạnh từ tháng 11/2022 đến tháng 1/2023 với đóng góp phần lớn từ các quỹ ETF Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), hiện dòng vốn ngoại có xu hướng rút khỏi thị trường. Xu hướng này khả năng cao vẫn sẽ tiếp diễn trong ngắn hạn, đặc biệt khi lãi suất dự kiến tiếp tục tăng khiến dòng tiền từ khối ngoại có thể chuyển dịch sang các lớp tài sản an toàn hơn như tiền gửi tiết kiệm.

Không chỉ vậy, hiện mức định giá của chứng khoán Việt Nam không còn thực sự quá hấp dẫn. Trước đây, nhịp giảm sâu giữa tháng 11/2022 tạo ra nền giá tương đối thấp, thu hút khối ngoại giải ngân gom ròng. Song, sau mùa báo cáo quý 4, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sụt giảm sâu đưa P/E của VN-Index lên mức 11,x – cao hơn đáng kể so với đáy. Với nền so sánh cao cùng kỳ, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết nhiều khả năng sẽ còn giảm sâu trong quý 1 và xa hơn có thể là cả năm 2023. Điều này sẽ khiến định giá thị trường đã không thật sự rẻ lại càng thêm đắt và trở thành rào cản đối với việc thu hút dòng vốn ngoại trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, vẫn xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực, như việc quỹ ngoại VanEck Vietnam ETF đã thông qua việc thay đổi chỉ số tham chiếu, dẫn tới tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam được tăng từ 70% lên 100% và sẽ tiến hành cơ cấu giữa tháng 3/2023. Ước tính sẽ có gần 100 triệu USD rót vào chứng khoán Việt.

Phương Linh

Nhịp Sống Thị Trường

Bài viết mới