Thất bại không ít lần, nhiều đêm thức trắng trăn trở để cho ra chuỗi cà phê đặc sản Shin Coffee thứ thiệt, đến nay Nguyễn Hữu Long được nhắc đến với tư cách là chuyên gia cà phê Việt, theo đuổi đam mê đào tạo, truyền cảm hứng phong cách cà phê mới cho hàng trăm ông chủ, giới trẻ khởi nghiệp…và biến cà phê truyền thống lâu nay thành cà phê hội nhập, mang hương vị hoàn toàn khác biệt.
Gặp ông chủ Shin Coffee tại Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Shin Coffee nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1. Bước vào một không gian tràn ngập hương vi cà phê rang, chỉ ngửi mùi thôi đã mê hoặc. Chúng tôi hơi bất ngờ khi ông chủ Shin ăn vận khá giản dị, đang tự tay pha chế cà phê mời đối tác…
Mở xưởng rang xay thua lỗ 100 triệu, chàng trai nghèo Nhật tiến kiếm tiền trả nợ và học cách tạo sản phẩm cà phê khác biệt ở Việt Nam
ô
Ông chủ Shin Coffee Nguyễn Hữu Long
Từ một cậu bé nhà nghèo bươn chải kiếm sống với việc thu hái cà phê thuê trên rẫy, dường như chữ “duyên” đã gắn cuộc đời Nguyễn Hữu Long với cà phê từ đó.
Năm 18 tuổi chàng trai này chính thức “dấn thân” với đam mê của mình. Khởi đầu bằng việc góp vốn với người bạn mở một xưởng rang xay ở Q.Bình Tân (Tp.HCM). Sau 3 năm, xưởng đóng cửa vì thị hiếu của khách hàng không phù hợp với cà phê rang.
Sau khi mất gần 100 triệu đồng đầu tư vào xưởng thất bại, Nguyễn Hữu Long quyết định sang Nhật để kiếm tiền trả nợ và tiếp tục ấp ủ ước mơ với cà phê.
Nói về lý do chọn Nhật, anh Long chia sẻ: Nhật là một thị trường cà phê lớn và làm cà phê chuyên sâu. 8 năm ở Nhật, thông qua các lớp học của các hiệp hội cà phê Nhật, anh Long đã học cách làm cà phê theo quy trình hiện đại. Trong ngần ấy năm ở Nhật, Nguyễn Hữu Long luôn ấp ủ ước mơ thành công với cà phê, làm sao để tạo ra một sản phẩm khác biệt ở thị trường Việt Nam.
Về nước, đem những gì học hỏi được từ Nhật, Nguyễn Hữu Long chọn trung tâm Q.1 để mở Shin Coffee. Tháng 9/2015, cửa hàng đầu tiên Shin coffee chính thức ra đời. Theo cách kể của ông chủ Shin đó là chuỗi ngày thử thách.
Dòng cà phê Specialty (cà phê đặc sản) có giá cao và nhiều khách Việt ban đầu không mặn mà. Họ đã quen dùng cà phê trộn. Thời điểm đầu, một ngày chỉ có khoảng 10 khách hàng ghé quán uống cà phê.
Hương vị của ly cà phê thay đổi khi chúng ta thay đổi quy trình trồng hái
Những ngày đầu, doanh thu của Shin chỉ đạt 1-2 triệu đồng/ngày, trong khi hàng tháng mất khoảng 70 triệu đồng tiền thuê mặt bằng, chưa tính tiền nhân viên, điện nước… Áp lực đè lên vai ông chủ trẻ Shin khi liên tục bù lỗ hàng tháng.
Không nản lòng, ông chủ trẻ bắt đầu với một số chương trình thu hút khách hàng như: Mua một tặng một; tổ chức các buổi chia sẻ về cà phê Shin, nêu ra sự khác biệt giữa cà phê truyền thống với cà phê mang phong cách mới.
Trong đó, ông chủ Shin mua những mẫu cà phê khác nhau từ thị trường về pha chế để cho khách hàng thưởng thức, phân biệt. Song song đó là các hoạt động quảng cáo trên các kênh facebook, zalo, fanpage… được đẩy mạnh nhằm giúp khách hàng có cái nhìn khác về cà phê Shin.
S
Shin Coffee là nơi chia sẻ đam mê của những tín đồ cà phê
Khoảng 7-8 tháng sau, khi sức ảnh hưởng lan rộng từ những cố gắng ban đầu, Shin Coffee được nhiều người biết đến, nhất là đối tượng khách nước ngoài sống ở khu trung tâm. Thời điểm đó, hàng ngày Shin đón nhận từ 70-80 khách/ngày. Hiện tại, đều đặn mỗi ngày có khoảng 100 khách ghé Shin Coffee.
“Nếu không có đam mê, nhụt chí và hời hợt, chắc rằng tôi đã không thể đi hết chặng đường với cà phê. Mỗi lần thất bại trong kinh doanh, tôi lại tự an ủi mình bằng cách học thêm một cái mới về cà phê để tìm ra một hướng đi mới”, ông chủ Shin Coffee giãi bày.
Đặt sứ mệnh làm cà phê Việt mang phong cách hoàn toàn mới, 90% nguyên liệu hiện nay của Shin Coffee là từ người Việt trồng. Hiện tại, ông chủ Shin Coffee sở hữu gần 1000 ha đất trồng cà phê tại Sơn La, Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum…được sản xuất và chế biến theo một quy trình hoàn toàn mới.
Câu chuyện truyền cảm hứng về cà phê cho những ông chủ, người khởi nghiệp…
Nguyễn Hữu Long cho rằng, chiến lược kinh doanh của mình đặt ra không phải lúc nào cũng tương xứng với xu hướng của thị trường. Văn hóa cà phê truyền thống dường như đã ăn sâu vào nếp nghĩ của những người tiêu dùng Việt. Do đó, không thể trong “ngày một ngày hai” mình có thể thay đổi hoàn toàn thị hiếu của thị trường. Đó là một câu chuyện đường dài…
Còn là nơi truyền cảm hứng về con đường cà phê cho những ông chủ, người trẻ khởi nghiệp
Bên cạnh kinh doanh 2 cửa hàng Shin Coffee – nơi chia sẻ niềm đam mê của các tín đồ cà phê, Nguyễn Hữu Long còn được biết đến là chuyên gia đào tạo, giảng dạy các lớp về cà phê.
Lấy cảm hứng từ niềm đam mê, cả những khó khăn, thất bại đã từng trải qua, Nguyễn Hữu Long đã và đang truyền cảm hứng về con đường cà phê Việt cho những ông chủ quán, những người trẻ bắt đầu khởi nghiệp với cà phê.
Tại góc đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, hàng ngày vẫn diễn ra những buổi chia sẻ kinh nghiệm, hội thảo về cà phê. Ở đó, văn hóa cà phê Việt mới được lan tỏa đến những con người sẽ tiếp tục niềm đam mê với con đường cà phê.
Ông chủ Shin Coffee tiết lộ, trước bối cảnh cạnh tranh không ngừng của ngành F&B, cửa hàng này cũng đang tạo ra một dòng sản phẩm “lai” giữa trà sữa và cà phê – một thức uống mang hương vị đặc biệt theo một quy trình hoàn toàn mới. Những người theo đuổi ngành nghề này sẽ được truyền cảm hứng tại Shin Coffee.
Anh Long cũng nhắn nhủ: “Những bạn trẻ khởi nghiệp với cà phê hãy đủ đam mê và lòng quyết tâm. Trà sữa có thể kinh doanh theo khuynh hướng thị trường còn riêng với cà phê nếu không đủ niềm đam mê, yêu thích sẽ rất khó thành công”.