Khởi công 3 gói thầu cuối dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành

Đến dự và phát lệnh khởi công có Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái.

Gói thầu A5 đi qua huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) có chiều dài 3,45 km với kinh phí xây lắp gần 436 tỷ đồng. Gói thầu A6 dài 16,5 km, kinh phí xây lắp hơn 940 tỷ đồng. Gói thầu A7 dài 5,3 km, kinh phí đầu tư hơn 1.046 tỷ đồng. Thời gian thi công cả ba gói thầu là từ 35 – 35,5 tháng.

Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Trần Văn Tám, đường cao tốc Bến Lức – Long Thành là 1 trong 5 dự án trọng điểm của quốc gia. Ba gói thầu A5, A6, A7 là những gói thầu xây lắp cuối cùng của dự án.

Cao tốc có một đoạn nằm trên đường vành đai 3 của TPHCM, kết nối giao thông liên vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Đến nay, khối lượng bàn giao mặt bằng toàn tuyến đã đạt 78%.

Dự án có chiều dài 57,7 km đi qua các tỉnh: Long An (5,49 km gồm huyện Bến Lức, huyện Cần Giuộc), TPHCM (hơn 24 km, gồm 3 huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ) và tỉnh Đồng Nai (hơn 27 km, gồm 2 huyện Nhơn Trạch, Long Thành).

Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc loại A với 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100 km/h. Do dự án đi qua vùng địa chất, thuỷ văn phức tạp, nhiều sông ngoài, vùng sình lầy và khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ nên phải xây dựng trên 20 km cầu và cầu cạn.

Toàn tuyến có 2 cầu dây văng lớn gồm cầu Bình Khánh (vượt sông Soài Rạp) dài 2,76 km nối hai huyện Cần Giờ và Nhà Bè có khẩu độ nhịp chính dài 375m. Cầu Phước Khánh (vượt sông Lòng Tàu) dài 3186 km nối huyện Cần Giờ (TPHCM) và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) có khẩu độ nhịp chính dài 300 m. cả hai cầu có độ tĩnh không thông thuyền 55 m là độ tĩnh không lớn nhất cả nước đến thời điểm này.

Dự án có 6 nút giao, hàng trăm hầm chui dân sinh, cống thoát nước, trung tâm điều hành giao thông thông minh… với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 31.320 tỷ đồng (tương đương 1.607 triệu USD), trong đó vốn vay của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) là 635,7 triệu USD, vốn vay của Chính phủ Nhật là 634,8 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái đánh giá cao tốc Bến Lức – Long Thành là tuyến đường chiến lược, nối Đông Nam Bộ – Tây Nam Bộ gần nhất, sau này sẽ tạo thuận lợi cho người dân đến sân bay quốc tế Long Thành. Để thực hiện dự án này, đã có hơn 1.100 hộ dân trong tỉnh phải giải toả, di dời.

Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, giao thông là mạch máu của nền kinh tế. Việt Nam sẽ phấn đấu để đến năm 2020 có 2.000 km đường cao tốc.

Đối với cao tốc Bến Lức – Long Thành, ông Thể đánh giá có vai trò đặc biệt quan trọng, không chỉ là một mắt xích của cao tốc Bắc – Nam, công trình này là tuyến đường nối Đông Nai Bộ – Tây Nam Bộ mà không đi qua trung tâm TPHCM.

Bộ trưởng GTVT trân trọng cám ơn ADB và JICA đã giúp đỡ Việt Nam phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường cao tốc, cải thiện và nâng cao đời sống người dân, đồng thời đề nghị tỉnh Đồng Nai thực hiện bồi thường giải toả, tái định cư đúng quy định, có chính sách phù hợp hài hoà lợi ích giữa nhà nước, người dân và nhà đầu tư.

“Tôi xin cám ơn bà con vì lợi ích chung mà hy sinh quyền lợi riêng, bàn giao nhà đất để triển khai dự án. Tôi biết có nhiều bà con đã sinh sống và gắn bó với mảnh đất này từ nhiều đời. Địa phương cần có chính sách thoả đáng để ổn định và đảm bảo đời sống cho những bà con bị ảnh hưởng”, ông Thể bày tỏ.

Người đứng đầu ngành giao thông quốc gia cũng gửi thông điệp đến các nhà thầu. Theo đó, nếu thi công đảm bảo an toàn, chất lượng, tiến độ thì sẽ được tiếp tục tạo điều kiện, ngược lại nếu thi công bê bối, không đảm bảo thì sẽ không được chào đón tại các dự án khác.

Chiều nay Quốc hội sẽ thảo luận về dự án cao tốc 118 nghìn tỷ

Bài viết mới