Nếu phương Đông có nhân tướng học để chỉ ra một người giàu hay nghèo thì phương Tây ưa chuộng những nghiên cứu khoa học chính xác về tính cách và tâm lý con người hơn. Mới đây nhất, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí về Tính cách và Tâm lý xã hội đã chứng minh: Bạn có thể biết một người giàu hay nghèo chỉ bằng cách nhìn gương mặt của họ.
R. Thora Bjornsdottir, một sinh viên cao học tại Đại học Toronto và là đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Mối quan hệ giữa hạnh phúc và tầng lớp xã hội của một người đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu trước đây. Nói chung, những người có tiền có xu hướng sống hạnh phúc hơn, ít lo lắng hơn so với những người luôn phải đấu tranh cực khổ cho cuộc sống”. Cô và nhóm của mình đã chứng minh rằng “những sự khác biệt này thực sự được phản ánh một cách rõ ràng trên gương mặt mỗi người”.
Bjornsdottir và đồng tác giả, giáo sư tâm lý học Nicholas O. Rule đã tiến hành một khảo sát với nhóm người ngẫu nhiên, yêu cầu xem ảnh chân dung và chỉ ra ai thuộc tầng lớp thượng lưu và những ai thì không. Có 160 bức ảnh đen trắng, trong đó có 80 mẫu nam và 80 mẫu nữ và họ đều để mặt mộc, không xăm hình hay xỏ khuyên. Một nửa trong số đó là những người kiếm được trên 150.000 USD/năm (tầng lớp thượng lưu) và còn lại là những người chỉ kiếm được dưới 35.000 USD/năm (giai cấp công nhân).
Kết quả thu được rất bất ngờ khi 68% người đã chỉ ra đúng vị thế xã hội của người trong ảnh. Giáo sư Rule đã trả lời tờ The Cut: “Tôi đã không nghĩ rằng các hiệu ứng lại mạnh mẽ như vậy, nhất là những sự khác biệt tinh tế trên khuôn mặt. Khảo sát đã khiến tôi vô cùng bất ngờ”.
Trong khi đó, Bjornsdottir phát biểu tại Đại học Toronto rằng: “Nếu bạn hỏi tại sao họ chọn đúng, họ không biết đâu. Họ không biết dấu hiệu gì khiến họ đưa ra phán đoán đó. Chỉ là họ nhìn vào những bức ảnh và quyết định theo cảm nhận thôi”.
Nhưng các nhà nghiên cứu thì không thể để cảm tính dẫn đường. Họ quyết định phóng to bức ảnh và chỉ zoom vào một số bộ phận như mắt hay miệng. Đáng ngạc nhiên là vẫn có người đoán đúng dù chỉ nhìn vào một chi tiết trên gương mặt, trong khi số khác thì không.
Điều này có thể rút ra do: Theo thời gian, các tác động của tình cảm sẽ in khắc trên gương mặt. Sự co lại mãn tính của một số cơ bắp thực sự có thể dẫn đến những thay đổi trong cấu trúc khuôn mặt của bạn mà những người khác có thể cảm nhận được, ngay cả khi họ không nhận thức được nó. Khuôn mặt thực sự tiết lộ những trải nghiệm cuộc đời của bạn, và như thế dù bạn có muốn che dấu thì những dấu vết của cảm xúc vẫn còn đó mà thôi.
Cuối cùng, để cho thấy những ấn tượng đầu tiên này có thể đóng vai trò thế nào trong thế giới thực, họ đã yêu cầu các sinh viên quyết định ai trong những bức ảnh có nhiều khả năng sẽ tiếp nhận công việc làm kế toán viên. Không bất ngờ khi họ chọn những người thuộc tầng lớp thượng lưu, cho thấy những phán đoán nhanh này có thể tạo ra và củng cố những thành kiến xã hội.
“Nhận thức về tầng lớp xã hội của một người dựa trên khuôn mặt có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt đối với những người thuộc tầng lớp trung lưu và hạ lưu. Ví dụ như tiếp tục chu kỳ nghèo đói chẳng hạn”, giáo sư Nicholas O. Rule phát biểu.