Ngành thép đang ở trong giai đoạn suy thoái buộc các nhà sản xuất phải linh động trong hoạt động mua và tích trữ nguyên liệu. Chứng khoán Rồng Việt cho rằng việc nắm bắt giá vốn cũng như dự báo lợi nhuận sẽ trở nên khó khăn hơn cho các nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu thép.
Giá nguyên liệu làm khó doanh nghiệp
Năm 2022, kinh tế toàn cầu tiếp tục khó khăn khi lạm phát tăng cao, các ngành công nghiệp sử dụng thép ghi nhận tăng trưởng chậm lại. Trong khi đó, giá nguyên liệu sản xuất thép lại tăng cao, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cùng với nhu cầu ở mức thấp đã gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp thép.
Biến động giá nguyên liệu có thể khiến việc dự báo lợi nhuận ngành thép khó khăn hơn trong ngắn hạn
Theo các chuyên gia, tiêu thụ thép trong nước năm 2023 có thể được hỗ trợ bởi đầu tư công, dự án giao thông. Tuy nhiên, lạm phát tăng nhanh và làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu làm giảm nhu cầu đầu tư và tiêu dùng, kéo theo tiêu thụ thép yếu dần từ quý 3.2022 và chỉ có thể phục hồi trở lại trong nửa cuối năm 2023.
Các công ty chứng khoán cũng nhận định các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước vẫn sẽ đối diện với loạt khó khăn khi nhu cầu xây dựng giảm, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng.
Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành thép vừa công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng biến động giá nguyên liệu có thể khiến việc dự báo lợi nhuận ngành thép khó khăn hơn trong ngắn hạn.
Theo VDSC, các nhà máy thép thượng nguồn vẫn đang chịu sức ép từ sự bất ổn của giá quặng và tình trạng khan hiếm than luyện cốc. Cụ thể, giá quặng sắt biến động mạnh hơn thép thành phẩm và phụ thuộc tình hình cung cầu cục bộ, đặc biệt là lực cầu từ Trung Quốc và nguồn cung từ Úc, Brazil.
Tương tự, giá than luyện cốc đã trải qua năm 2022 biến động dữ dội, có thời điểm tăng gấp đôi so với đầu năm. Việc giá nguyên liệu này tăng cao đã khiến các nhà tiêu thụ than bao gồm các nhà máy nhiệt điện than, các nhà sản xuất công nghiệp trong đó có nhóm sản xuất thép thô vẫn sẽ gặp rủi ro lạm phát đẩy do nguồn cung bị siết chặt.
Bên cạnh các doanh nghiệp thượng nguồn, VDSC cũng nhận định nhà máy thép hạ nguồn sẽ bị ảnh hưởng đáng kể từ biến động giá nguyên liệu. Cụ thể, các doanh nghiệp thép sử dụng nguyên liệu đầu vào là phôi thép hay thép cuộn cán nóng, cuộn cán nguội đứng trước nguy cơ lỗ ròng, lỗ gộp cao hơn khi bản thân các nhà máy gia công có đặc trưng biên lợi nhuận mỏng.
Trên thực tế, mức biến động giá thép cuộn cán nóng HRC đã mạnh hơn trong 2 năm gần đây so với giai đoạn 2018-2020 và có những thời điểm lên, xuống rất mạnh. Việc này khiến các doanh nghiệp gia công gặp khó trong hoạt động mua và tích trữ nguyên liệu sản xuất.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp nhà máy thép hạ nguồn có thể mua nguyên liệu sản xuất trong nước để giảm bớt một phần thiệt hại do độ trễ. VDSC cho rằng đây là lợi thế mà ngành sản xuất trong nước nhờ việc tự chủ nguồn cung thép thô và các loại bán thành phẩm chính.
Còn theo Hiệp hội Thép Việt Nam, các dây chuyền sản xuất mới của Formosa và Hòa Phát có thể giúp tăng tỷ lệ tự chủ HRC nội địa. Xu hướng này giúp ổn định giá tôn mạ và ống thép trong nước, giảm phụ thuộc vào biến động giá HRC thế giới, tăng lợi thế xuất khẩu khi khép kín quy trình sản xuất tôn mạ.
Rất khó để dự báo lợi nhuận ngành thép năm 2023
Đến thời điểm hiện tại, mùa công bố báo cáo tài chính quý 4 và cả năm 2022 đã sắp bước vào hồi kết. Với riêng nhóm thép, sau đà lao dốc lợi nhuận từ đỉnh kể từ đầu năm 2021, hầu hết doanh nghiệp ngành này đã trải qua ít nhất một kỳ kinh doanh thua lỗ.
Từ nhóm doanh nghiệp đầu ngành như Hòa Phát, Hoa Sen… đến những doanh nghiệp nhỏ hơn, năm 2022 có thể được coi là năm kinh doanh “thất bát”. Theo đó, tất cả các doanh nghiệp ngành thép đều không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Bên cạnh doanh nghiệp thượng nguồn, các nhà máy thép hạ nguồn sẽ bị ảnh hưởng đáng kể từ biến động giá nguyên liệu
Bước sang năm 2023, VDSC cho rằng lợi nhuận trong ngắn hạn, cụ thể là lợi nhuận hàng quý của các doanh nghiệp thép sẽ thất thường và có thể phân hóa mạnh, phụ thuộc vào độ linh động trong chính sách tồn kho của từng doanh nghiệp.
Theo VDSC, Hòa Phát là trường hợp tiêu biểu khi biên lợi nhuận giảm rất mạnh và về mức thấp nhất kể từ khi niêm yết, một phần rất lớn do biến động giá nguyên liệu mạnh hơn dự báo của doanh nghiệp. Khoản lỗ của doanh nghiệp này thậm chí còn nằm ngoài dự báo của một số công ty chứng khoán.
Thực tế, việc giá nguyên vật liệu biến động thất thường và mạnh mẽ hơn đã khiến không chỉ Hòa Phát mà các nhà máy thép lớn trên toàn cầu cũng rơi vào tình trạng thua lỗ. Tình trạng biến động giá nguyên liệu trong thời gian gần đây đã thách thức chính sách tồn kho và chính sách phòng hộ giá nguyên liệu của gần như tất cả các nhà sản xuất thép. Khó khăn này sẽ còn kéo dài khi các ngành có tính chu kỳ đang ở trong giai đoạn suy thoái.
VDSC cho rằng việc nắm bắt giá vốn cũng như dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp thép trong năm nay sẽ trở nên khó khăn hơn cho các nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu nhóm ngành này.
Đã đến lúc tích lũy cổ phiếu thép?
Thép cũng như các vật liệu xây dựng khác đều có tính chu kỳ rõ rệt, được mua nhiều khi kinh tế tăng trưởng nhưng lại ít được tiêu thụ nếu kinh tế suy thoái; đồng thời bị ảnh hưởng bởi các tố khách quan như chiến tranh, dịch bệnh…
Sau một thời gian khá dài đi ngang, giá thép ngay đầu năm 2023 đã có sự “đổi chiều”, bật tăng mạnh. Tuy nhiên, theo lý giải của giới chuyên gia trong ngành, việc giá thép tăng không phải do cầu thị trường tăng mà là do tác động của giá nguyên liệu đầu vào.
Với diễn biến giá thép tăng mạnh có thể giúp biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp ngành thép tăng dần trở lại.
Theo đánh giá của VNDirect, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước vẫn sẽ đối diện với loạt khó khăn khi nhu cầu xây dựng vẫn chưa tăng, còn nguyên vật liệu đầu vào vẫn đang bị ảnh hưởng của tình hình thế giới. Tuy nhiên, điểm sáng kỳ vọng cho ngành thép năm nay chính là câu chuyện về việc thực thi giải ngân đầu tư công với dự kiến tăng 20-25% so với 2022.
Về phía xuất khẩu, trợ lực của ngành là giá thép có thể ít biến động hơn do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc ổn định, khi quốc gia này mở cửa trở lại và đưa ra nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, phục hồi thị trường bất động sản. Nhìn chung, ngành thép vẫn khó khăn ở nửa đầu năm và có thể chỉ thực sự khởi sắc vào nửa cuối năm 2023.