Khi văn hóa khởi nghiệp “trong mơ” bị áp lực đầu tư bóp nát, vì lợi nhuận mà sa thải nhân viên bị bệnh và cả những “bà bầu”

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu series “Văn hóa công ty”. Series là tập hợp những câu chuyện, bài học và chia sẻ của các doanh nhân về văn hóa công ty của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Công ty thiếu văn hóa, người tài sẽ bỏ đi, chỉ còn toàn thành phần nổi loạn!

Nasty Gal có một câu chuyện khởi nghiệp như bước ra từ tiểu thuyết, bắt đầu chỉ với một cửa hàng bán quần áo trên eBay, Nasty Gal dần dần nắm được thị trường và phát triển thành một “biểu tượng” của các tín đồ thời trang thành thị, đem về cho cô chủ của mình hơn 250 triệu USD với một văn phòng ngay tại trung tâm Los Angeles, một chiếc Porsche màu trắng được mua bằng tiền mặt và hàng triệu USD tiền đầu tư.

Và với câu chuyện thành công đó, thông điệp của Nasty Gal gửi đến mọi nhân viên là rất rõ ràng: Cống hiến và làm việc hết mình! Đây có lẽ là bí quyết thành công của nhà sáng lập Sophia Amoruso, nhưng hàng loạt cựu nhân viên của công ty đã thừa nhận rằng môi trường “cống hiến” này không thật sự hào nhoáng như vẻ bề ngoài. Lợi nhuận và sự thành công của Nasty Gal đã đến cùng với muôn vàn mồ hôi và nước mắt của các nhân viên.

Khi giấc mơ trở thành ác mộng

Khi Nasty Gal đang trên đà phát triển vũ bão nhờ vào dòng tiền đầu tư mới, nhà sáng lập Sophia Amoruso đã giao phó công ty cho CEO mới là Sheree Waterson, người chỉ mới được thuê vài năm trước với vai trò Trưởng phòng phát triển sản phẩm. Với áp lực phải đem về lợi nhuận cho các chủ đầu tư, vị CEO mới này đã thẳng tay sa thải và tái cấu trúc mạnh mẽ công ty, kỷ lục có đến gần 30 nhân viên bị sa thải chỉ trong vòng 2 tháng.

“Nasty Gal mang tiếng xấu đến mức công ty không thể tìm được các nhân viên cấp cao để thay thế”, một cựu nhân viên chia sẻ. “Rất nhiều vị trí cần kinh nghiệm bị buộc phải sử dụng các nhân viên “trẻ măng” từ các công ty khác.”

Vào một cuộc phỏng vấn gần đây với những cựu nhân viên của Nasty Gal. Họ cho rằng áp lực sinh ra lợi nhuận và các áp đặt của nhà đầu tư còn khiến công ty đánh mất “bản chất” văn hóa của mình, điển hình là các quyền lợi của nhân viên như: ăn trưa miễn phí, đồ ăn vặt, các buổi ăn tối cùng công ty hoặc các buổi đi chơi tại Disneyland đều bị xóa sổ. Các nhân viên này cho rằng môi trường làm việc của công ty bị ảnh hưởng nặng nề khi các “quản lý cấp cao” từ các tập đoàn lớn như JC Penney, Urban Outfitters và Barney’s bắt đầu xuất hiện trong các ghế tư vấn và điều hành tại đây.

Trong cùng lúc đó, nhà sáng lập Sophia Amoruso lại chỉ chú tâm vào xây dựng hình ảnh #GIRLBOSS của mình, các nhà báo thi nhau tung hô và vẽ lên một câu chuyện “thần thoại” về công ty. Business Insider còn đầu tư hẳn một bài viết chi tiết về: “Một hình mẫu đích thực của thế hệ phụ nữ trẻ ngày nay.”

“Cô ấy luôn cho mình là một nguồn cảm hứng đối với phụ nữ hiện đại,” một cựu nhân viên cho hay. “Cho dù sự thành công của Sophia Amoruso là đáng ngưỡng mộ, nhưng nếu bạn phân tích kỹ các bài báo viết về cô ta, không một bài báo nào đề cập đến những người đã chung tay xây dựng nên Nasty Gal cùng Sophia, các nhà báo chỉ chú tâm vào việc Sophia xây dựng nên gia tài của mình nhờ làm việc ngày đêm và luôn giữ vững đam mê công việc … Tôi không nói rằng những điều đó là sai, nhưng các nhà quản lý nên nhìn nhận lại sự đóng góp của nhân viên mình hơn là giành hết công trạng như thế.”

Và khi lợi nhuận đồng nghĩa với không chấp nhận bà bầu hay người bệnh

Nối tiếp thêm những “biến tướng” của môi trường khởi nghiệp đáng mơ ước ngày nào, Nasty Gal hiện còn đang phải chịu hai cáo buộc về sa thải các nhân viên có thai ngay trong thời kỳ nghỉ thai sản và thậm chí là sa thải một nhân viên đang lâm trọng bệnh.

Aimee Concepcion là một trong những “bà bầu” đã đâm đơn kiện công ty cũ của mình, cô cùng với một số nhân viên nữ khác đều bị sa thải trước và trong thời gian nghỉ sinh, trong nhóm này còn một nhân viên nam bị sa thải trong lúc chuẩn bị nghỉ để chăm sóc đứa con mới chào đời của mình.

Và với một trường hợp đau lòng hơn, cựu kế toán của Nasty Gal là cô Farah Saberi đã bị công ty sa thải khi đang nằm cấp cứu vì bị suy thận. Saberi cho hay, cô được chuẩn đoán suy thận giai đoạn cuối vào năm 2013 và được bác sĩ cho vào danh sách nhận hiến tạng. Trong lúc đang chữa trị, vào tháng 8/2014, cô Saberi nhận được quyết định sa thải với lý do “không hoàn thành công việc”. Kèm theo quyết định sa thải là hàng hoạt biên bản yêu cầu Saberi không được công khai thông tin này với báo giới, nếu đồng ý cô sẽ được công ty “nhân nhượng” kéo dài thêm 6 tháng bảo hiểm, kèm theo 2 tuần lương nghỉ việc.

Saberi sau đó cáo buộc rằng, dù đã thống nhất nhưng Nasty Gal vẫn hủy ngang bảo hiểm của cô. Không nhận được điều trị, Saberi thậm chí đã lên cơn động kinh trong lúc tham gia giao thông chỉ vài tháng sau đó. Việc nhận hiến thận của cô cũng bị dừng lại vì bảo hiểm không còn hiệu lực.

Vào tháng 4 năm 2015, vì quá mệt mỏi với những sự việc xảy ra, Saberi quyết định kiện công ty cũ của mình trong lúc vẫn còn điều trị với danh sách viện phí ngày một dài hơn. Luật sư của cô cho hay sẽ kiện Nasty Gal ra tòa với những vi phạm phân biệt với người bệnh, ngoài ra thì Saberi còn kiện Nasty Gal về những tổn thất tâm lý, về sự thiếu quan tâm đến sức khỏe của nhân viên cũng như vi phạm hợp đồng.

Và chuyện gì đến cũng đến, với nội bộ bất ổn dẫn dắt bởi một văn hóa “độc hại”, vào tháng 11 năm ngoái, Nasty Gal buộc phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản và được tập đoàn Boohoo mua lại không lâu sau đó. Nasty Gal hiện vẫn là một thương hiệu nổi bật khiến mọi người ao ước, nhưng đối với các nhà phân tích kinh tế và thị trường lao động thì mọi chuyện không hẳn vậy.

Nếu không lo xây văn hóa nội bộ, người tài sẽ bất mãn bỏ đi, công ty sẽ chỉ còn toàn thành phần “nổi loạn”!

Bài viết mới