LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Nguyễn Thị Hương ngân hàng SHB Hà Nội gửi tới cuộc thi viết về Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang do Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức.
———–
Tôi quyết định rẽ sang làm ngân hàng sau khi tốt nghiệp đại học gần một năm, lúc đó với tôi mọi thứ chỉ như tờ giấy trắng. Tôi nhìn bên ngoài những ánh hào quang lộng lẫy từ đôi giày cao gót đến chiếc áo sơ mi thẳng tắp và mơ ước một ngày nào đó mình cũng sẽ được như vậy. Đến khi bước vào bên trong, tôi mới biết đến những khó khăn mà chính tôi chưa bao giờ nghĩ đến.
Khi khó khăn gọi tên…
Làm tín dụng ngân hàng thực sự vất vả. Do đặc thù của công việc, khách hàng phát sinh nhu cầu thường xuyên trong ngày. Có những hôm mải làm, anh chị em không kịp uống một ngụm nước. Có những hôm hồ sơ gặp trục trặc, nguyên việc giải thích với khách hàng đã mất một buổi sáng, mọi công việc khác dồn hết sang buổi chiều. Có những hôm khách hàng báo ngày mai giải ngân hay bảo lãnh gấp, 8 giờ tối vẫn còn ngồi gõ bàn phím kì cạch, chuẩn bị sẵn sàng tờ trình kèm bộ hồ sơ để không nhỡ việc của khách.
Chưa kể làm tín dụng phải thường xuyên tìm khách hàng mới, chăm sóc khách hàng cũ để hoàn thành chỉ tiêu, nên việc thi thoảng phải uống bia rượu là không thể tránh khỏi. Thêm vào đó, quy trình, sản phẩm không theo kịp yêu cầu của khách hàng, cán bộ tín dụng phải giải quyết làm sao để không mất lòng khách nhưng nội bộ cũng không quá căng thẳng.
Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã đủ nói lên sự vất vả của nghề tín dụng. Vậy mà phụ nữ, đặc biệt phụ nữ đã có gia đình còn vất vả hơn nhiều lần.
Xem thêm tất cả các bài viết dự thi
NGHỀ TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG: THỬ THÁCH VÀ VINH QUANG
tại đây
Là khi bản lĩnh trả lời…
Chi nhánh tôi làm nằm ngay ở con phố trung tâm thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Giả sử nhà tôi cách cơ quan 10km, để có mặt đúng giờ ở cơ quan vào mỗi buổi sáng, tôi phải ra khỏi nhà trước một tiếng đồng hồ vì từ ngoại thành vào nội thành Hà Nội vài ki-lô-mét lại điểm tắc đường.
Ấy thế mà Phòng Khách hàng Doanh nghiệp của chúng tôi có 9 người, trong đó chỉ có 1 nam và 8 nữ; 3 người nhà gần dưới 5km, còn lại đều nhà xa từ 10km trở lên. Các chị đều là thế hệ 8x đời đầu, nên ai cũng đã lấy chồng và có hai con. Giờ nghỉ trưa của chúng tôi lúc nào cũng rôm rả những chuyện thường ngày: sáng nay gọi đứa lớn mãi không dậy, đứa nhỏ khóc không chịu đi học; chiều qua đi đón con thấy cả lớp chỉ còn mỗi con và cô giáo; tối về đến nhà thấy anh xã đang lúi húi dọn cơm, mồ hôi mồ kê nhễ nhại vì phải đánh vật với mớ rau và miếng thịt;…
Nếu phải ở lại cơ quan muộn để giải quyết nốt công việc, chị nào cũng cuống cuồng tìm người đón con hộ. Thôi thì ông bà nội ngoại, cô, dì, chú, bác, hàng xóm,… ai nhờ được đều nhờ hết, chỉ sợ con về không đến nơi đến chốn, quá giờ ăn mà chưa được ăn. Phải ở trong hoàn cảnh đó mới thấy, người phụ nữ nào cũng cố gắng vẹn toàn giữa công việc và gia đình.
Nếu phải đi công tác xa, chị em đều chuẩn bị sẵn đồ dùng cho bố con ở nhà, từ cái quần cái áo đến con cá, miếng thịt. Có chị còn cẩn thận ghi lịch học của con dán lên tủ lạnh kẻo bố quên. Có chị còn mở hẳn một “lớp đào tạo cấp tốc kỹ năng tắm cho con”, và học sinh tất nhiên là bố.
Nếu chẳng may tâm sinh lý không khoẻ, các chị em đều động viên nhau cố gắng, dù ai cũng quay cuồng với guồng công việc của mình nhưng mỗi người đều hỗ trợ một chút.
Vậy mà, hôm nào chị em cũng ăn bữa trưa do chính tay mình chuẩn bị, chỉ là rau xào, thịt kho nhưng sạch sẽ và đảm bảo. Vậy mà, chị em luôn có mặt đúng giờ sau khi cho con ăn sáng, đưa con đến lớp và vượt qua cả chục ki-lô-mét tắc đường. Vậy mà, chị em ai cũng cười tươi mỗi khi gặp khách hàng hay nói chuyện với sếp, dù đêm qua thức trắng đêm trông con ốm. Vậy mà, chị em đều luôn tự nhủ phải phấn đấu nỗ lực hơn nữa, khó khăn nào cũng có thể khắc phục được.
Và tiếp tục một thế hệ mới tiếp bước…
Tôi là một cô gái chưa lập gia đình và mới chỉ có gần tám tháng kinh nghiệm với nghề tín dụng. Tôi cảm thấy thật may mắn khi được là thành viên của Phòng Khách hàng Doanh nghiệp, Ngân hàng SHB Chi nhánh Hàn Thuyên. Bởi ở đây, tôi không chỉ nhận được sự chỉ bảo, định hướng trong công việc từ các anh chị mà còn nhận cả sự quan tâm, sẻ chia trong cuộc sống thường ngày. Tôi nhìn những tấm gương của các chị, các mẹ trong Phòng và cố gắng mỗi ngày để rèn dũa bản lĩnh, để “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.