Khánh Hòa ra nghị quyết tán thành đề án lập đặc khu Bắc Vân Phong

Toàn bộ diện tích huyện Vạn Ninh khoảng 111.000ha, bao gồm 56.000ha mặt đất và 55.000ha mặt nước; tổng dân số trên 128.000 người (tính đến năm 2011); về đơn vị hành chính, toàn huyện có 12 xã và 1 thị trấn.

Đây là bước thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về các đề án xây dựng đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, gồm Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) tại Thông báo số 21-TB/TW ngày 22/3/2017; Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 2/10/2017 của Tỉnh ủy Khánh Hòa về Đề án thành lập đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Về lý do, sự cần thiết thành lập đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong, Đề án nêu rõ vịnh Vân Phong nói chung và khu vực Bắc Vân Phong nói riêng có vị trí địa kinh tế, chiến lược quan trọng đối với trong nước và khu vực; hội tụ đầy đủ những điều kiện thuận lợi để xây dựng thành khu vực cửa ngõ phát triển hướng ra biển Đông của quốc gia và cả bán đảo Đông Dương; có vị trí chiến lược quan trọng để phát triển kinh tế theo hành lang kinh tế Đông-Tây; Bắc-Nam và phát triển giao thương thuận lợi với các quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương; tạo thể mạnh phát triển các ngành kinh tế biển của cả nước, khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và tỉnh Khánh Hòa nói riêng; góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của quốc gia.

Về định hướng phát triển ngành nghề trọng tâm, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong tập trung vào 4 ngành nghề gồm: Dịch vụ vận tải biển; dịch vụ thương mại-tài chính; dịch vụ du lịch, y tế, giáo dục; phát triển công nghiệp công nghệ cao.

Trước đó, tháng 10/2017, tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành lấy ý kiến của cử tri huyện Vạn Ninh, theo đó trên 96 nghìn cử tri trong huyện (chiếm tỷ lệ hơn 97%) đã đồng ý với Đề án này. Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa giao Ủy ban Nhân dân tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ, trình các cấp có thẩm quyền theo quy định./.

Nhấp chuột vào ảnh để xem ảnh ở kích thước chuẩn.

Bài viết mới