Bộ Công Thương ngày 12-12 cho biết đã ban hành kết luận kiểm tra đối với Công ty TNHH Khải Đức (Khaisilk) về các nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất/gia công, xuất nhập khẩu, mua bán các sản phẩm thời trang của doanh nghiệp này. Bộ cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chuyển hồ sơ, vật chứng cho Cơ quan CSĐT xử lý theo quy định đối với các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự của công ty này.
QLTT TP HCM kiểm tra cửa hàng Khaisilk tại TP HCM hồi tháng 11 Ảnh: NGỌC ÁNH
Dẫn thống kê của Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương cho biết trong giai đoạn 2006 – 2009, Khaisilk nhập khẩu các sản phẩm thời trang từ Trung Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, giai đoạn từ năm 2009 đến ngày 15-10-2017, công ty không còn thực hiện những hoạt động nhập khẩu các mặt hàng thời trang.
Từ năm 2012 đến nay, Khaisilk không tiến hành hoạt động sản xuất, gia công hoặc đặt gia công các sản phẩm thời trang của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước. Chủ yếu Khaisilk mua các thành phẩm từ những cửa hàng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp khác trên thị trường về gắn một trong 3 nhãn hàng hóa “Khaisilk®”, “Khaisilk cách điệu” và “Khaisilk Made in Vietnam” để kinh doanh trên thị trường.
Đặc biệt, giám định chất lượng sản phẩm dệt may đối với một số mẫu sản phẩm của Khaisilk cho thấy kết quả kiểm tra khác (không có thành phần silk) so với các thông tin công bố (trên nhãn hàng hóa) về thành phần nguyên liệu trong sản phẩm (“100% silk”).
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một đại diện Bộ Công Thương nêu rõ: 7/10 mẫu sản phẩm của Khaisilk có kết quả kiểm tra khác với các thông tin công bố về thành phần. Theo đó, có 6 sản phẩm được công bố là “100% silk” nhưng thực tế là “100% polyester” hoặc có “vải nền là polyamide” và “hoa văn là polyester/rayon”. Ngoài ra, có 1 sản phẩm được công bố là “100 pashmina” nhưng thực tế là “49,9% rayon, 35,3% acrylic và 14,8% là wool”.
Kết luận của Bộ Công Thương cũng chỉ ra Công ty Khải Đức còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý thuế và quản lý hóa đơn như: xuất trình không hợp lệ, kê khai không đúng tên hàng hóa, chênh lệch giữa số liệu chứng từ kế toán và số liệu kiểm tra thực tế… và không giải trình được nguyên nhân.
Một số sản phẩm của Khaisilk được phát hiện không gắn nhãn hàng hóa theo quy định; có gắn nhãn hàng hóa nhưng ghi không đầy đủ các nội dung bắt buộc. Đồng thời, có dấu hiệu che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng.
Phạt cao nhất tới 15 năm tù
Luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng những kết luận của Bộ Công Thương đối chiếu với quy định pháp luật hình sự cho thấy có đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự “Buôn bán hàng giả” đối với Công ty Khải Đức theo điều 156 Bộ Luật Hình sự (tương ứng điều 192 Bộ Luật Hình sự 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018).
“Theo định nghĩa “hàng giả” tại khoản 8 điều 3 Nghị định 185/2013-NĐ-CP, có 3 loại giả: Hàng giả về nội dung là hàng giả về chất lượng hoặc công dụng; hàng giả về hình thức là hàng giả về nhãn hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, nguồn gốc xuất xứ; hàng giả về nội dung và hình thức là loại hàng hóa vừa mang nhãn hiệu, kiểu dáng của cơ sở sản xuất khác. Như vậy, với kết luận của Bộ Công Thương, hành vi của Khaisilk có dấu hiệu vi phạm Nghị định 185/2013 và điều 156 Bộ Luật Hình sự” – luật sư Đức phân tích.
Theo luật sư Đức, hình phạt cho tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” thấp nhất là 6 tháng và cao nhất là 15 năm tù. Ngoài ra, bên vi phạm còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền hoặc tịch thu một phần hay toàn bộ tài sản.
TH.NHÂN ghi