Khám phá công nghệ nạm đá quý cho những chiếc đồng hồ đáng giá cả gia tài

Nghệ thuật chế tác đá quỹ đã trải qua hàng trăm năm lịch sử, với những bước tiến vượt trội giúp cho những viên đá ngày càng hoàn hảo. Song hành cùng sự phát triển của đá quý, công nghệ nạm đá vào đồ vật cũng được chú trọng nhằm đảm bảo những viên đá quý đáng giá cả gia tài không chỉ nằm cố định mà còn điểm tô thêm sự sang trọng và long lanh của sản phẩm. Vốn được coi là đồ trang sức mang lại đẳng cấp, các nhà sản xuất đồng hồ không để lỡ xu thế này.

Sau hàng trăm năm phát triển, các nghệ nhân hàng đầu thế giới đã nắm gọn trong tay những tuyệt kỹ của công nghệ này. Claude Sanz, nghệ nhân từng đảm trách công việc đính đá cho nhiều chiếc đồng hồ sang trọng của thương hiệu Hublot, cho biết, dù khá phức tạp và tỷ mỉ nhưng công việc nạm đá cho sản phẩm có thể gói gọn trong 3 bước là chọn đá, cắt đá và cuối cùng mới là nạm đá.

Ban đầu, các nhà thiết kế sẽ phải tính chính xác kích thước của các viên đá tới từng micromet. Họ cũng sẽ hình dung ra kiểu dáng của chiếc đồng hồ trước khi nghĩ tới việc sử dụng loại đá nào để phù hợp với mẫu thiết kế. Sau khi ra được bản thiết kế cuối cùng, các nghệ nhân sẽ cân nhắc việc lựa chọn sử dụng kỹ thuật nạm nào để có được sản phẩm hoàn hảo nhất.

Khám phá công nghệ nạm đá quý cho những chiếc đồng hồ đáng giá cả gia tài - Ảnh 1.

Chiếc Haute Joaillerie của Hublot đạt kỉ lục Guinness là chiếc đồng hồ đắt nhất thế giới tại Basel World 2012 với 1,200 viên kim cương, trị giá 5 triệu USD.

Để đảm bảo sự toàn mỹ cho một sản phẩm, khâu chọn đá được đánh giá rất cao. Đá quý không chỉ đạt được các yêu cầu về kích thước, hình dáng mà độ tinh khiến cũng như màu sắc đều phải hoàn hảo tới tuyệt đối. Bất cứ sự chênh lệch nào đều có thể dẫn tới một sản phẩm không hoàn hảo.

“Lựa chọn Kim cương và đá quý màu là hai quy trình hoàn toàn khác nhau với độ khó khác nhau. Với kim cương, việc đa dạng các nhà cung cấp giúp việc mua nguyên liệu dễ dàng hơn còn đá quý màu thì ngược lại. Chính vì thế, những sản phẩm nạm đá quý màu sẽ tốn nhiều công sức và thời gian hơn trong công đoạn chọn đá”, nghệ nhân Sanz chia sẻ.

Sau bước chọn đá, cắt đá cũng đòi hỏi những kỹ năng phức tạp. Kim cương vốn nổi tiếng khó cắt vì quá cứng trong khi đá quý màu thì gây khó khăn vì giòn, dễ vỡ. Trong khi đó, chúng đều là chất liệu đắt tiền nên mọi sai lầm đều ngay lập tức phải trả giá. Khi tạo ra được những viên đá hoàn hảo và phù hợp, bước nạm đá được tiến hành với độ chính xác tuyệt đối và đảm bảo chúng không bị rơi khỏi đồng hồ dù bị va đập mạnh trong quá trình sử dụng.

Nạm đá thường có 3 kiểu phổ biến là Channel – sử dụng những đường ray để cố định các viên đá xếp khít cạnh nhau, Prong – sử dụng những gọng kìm kim loại ôm lấy đá hay Pave – tạo các ổ siêu nhỏ vừa đúng với kích thước viên đá cần nạm. Tuy nhiên, ở cấp độ cao hơn, người ta có thể khéo léo giấu các chân đỡ phía dưới viên đá để nổi bật lên trên là một bề mặt lấp lánh và hoàn hảo của đá quý.

Công nghệ nạm đá hiện nay cho phép phủ đá quý lên toàn bộ chiếc đồng hồ, từ vỏ tới kim. Thậm chí, có những mẫu đồng hồ được nạm bằng hàng trăm viên kim cương, khiến chúng trở nên lấp lánh và có giá trị nhiều triệu USD. Bên cạnh việc chạy đua về mẫu mã và hình thức, nạm đá quý cũng là cách các thương hiệu hàng đầu thế giới cạnh tranh lẫn nhau nhằm hút hồn giới thượng lưu, những người sẵn sàng bỏ ra hàng triệu USD để đổi lấy sự hoàn hảo, đẳng cấp và sự độc nhất vô nhị.

Nghệ thuật nạm đá quý trên những chiếc đồng hồ siêu sang.

Apple bán được nhiều đồng hồ hơn Rolex, Swatch và toàn bộ ngành công nghiệp đồng hồ Thuỵ Sỹ gộp lại

Bài viết mới