Quan điểm của ông về vấn đề khách du lịch Trung Quốc ồ ạt sang Việt Nam trong thời gian qua như thế nào? Có ý kiến đã đề xuất rằng nên hạn chế…
Tôi cho rằng bất cứ một khách du lịch thuộc quốc gia nào cũng cần được trân trọng. Họ mang đến cho chúng ta ngoại tệ. Luật Du lịch mới nhất cũng dành hẳn một chương về khách du lịch – đảm bảo họ là chủ thể quan trọng nhất của ngành.
Cho nên, quan điểm của tôi là không nên đặt vấn đề là lựa chọn khách đó vào hay không, như vậy là phân biệt, nhưng nên định hướng là mời khách nào vào nhiều.
Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu năm 2020 Việt Nam phải có 20 triệu khách quốc tế, gấp đôi thời điểm 2016. Lượng khách đến tăng không chỉ ở số lượng mà còn ở chất lượng, cụ thể ở đây là khả năng chi trả. Nếu như năm 2016, giá trị xuất khẩu của ngành là 8,3 tỷ USD, tương đương một khách chi trả 830 USD thì năm 2020, các con số này lần lượt là 20 tỷ USD và trên 1.000 USD.
Khách Trung Quốc, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ở thị trường Việt Nam, họ chỉ chi tiêu 639 USD/người, thời gian lưu trú là 7,6 ngày, tương đương 90 USD/người/ngày, thấp hơn người Mỹ là 110 USD/người/ngày, châu Âu là trên 110 USD/người/ngày.
Cái hay hơn là khách đến từ thị trường Mỹ, châu Âu họ thường có thời gian lưu trú dài, có lợi hơn cho ngành du lịch.
Cho nên, để phù hợp với định hướng của Nghị quyết Bộ Chính trị, ngành du lịch khuyến khích xúc tiến, quảng bá ở những thị trường có mức chi trả cao.
Tuy nhiên, năm 2016 ghi nhận khách Trung Quốc chi tiêu mạnh tay nhất trên thế giới, 261 tỷ USD. Ông có suy nghĩ gì về con số này?
Gọi khách Trung Quốc là cách gọi chung, thực tế ngành du lịch Việt Nam thực tế rất muốn phát triển khách Trung Quốc đến từ những thành phố có thu nhập cao như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến,… đó là những khách có mức chi trả cao, tương ứng với mục tiêu của chúng ta. Thường những khách này đến Việt Nam thông qua đường hàng không. Đó là điều chúng ta mong muốn và tìm cách gia tăng.
Nhưng những khách đến từ phía Nam, vào Việt Nam bằng giấy thông hành, qua đường bộ, có lẽ không có lợi và không nên khuyến khích.
Các nước khác đang quản lý, ứng xử với câu chuyện khách Trung Quốc như thế nào, hiện cứ 10 người du lịch lại có 1 người Trung Quốc?
Dường như các nước đang có chung suy nghĩ về khách Trung Quốc. Ví dụ, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines,… đều không miễn thị thực cho khách Trung Quốc dù lượng khách đến các nước đó nhiều vô kể.
Việt Nam cũng phải như thế, chúng tôi mong muốn không miễn thị thực cho khách Trung Quốc nữa.
Ở Thái Lan, khách Trung Quốc là 8,7 triệu khách, chiếm 25% tổng khách quốc tế (năm 2016), tuy nhiên, họ không vì thế mà bỏ quên các thị trường khác. Thái Lan khai thác rất đồng đều, tránh bỏ trứng vào một giỏ. Ở các nước, họ có biện pháp để du khách người Hoa không chiếm quá một tỷ lệ phần trăm nào đó, tránh rủi ro phụ thuộc. Làm sao để có sự đồng đều, theo tôi mới làm thông minh nhất.
Còn ở châu Âu, vừa để “moi tiền” những khách người Hoa chịu chi, vừa để không ảnh hưởng đến quốc gia của họ, các nước này có chính sách bán tour riêng cho người Trung Quốc. Ở những tour này hướng dẫn viên nói tiếng Trung, giá tour có thể mềm hơn, mục đích dồn khách Trung Quốc vào một đoàn. Sau đó, khách được đưa tham quan theo đúng tuyến nhất định, hướng dẫn viên có nhiệm vụ quan sát, đảm bảo trật tự nhất định.
Trở lại câu chuyện tại Việt Nam, cứ cho là chúng ta sẽ thu hút được lượng khách Trung Quốc chi trả cao, vậy làm thế nào để buộc họ “rút hầu bao”?
Đây là bài toán con gà, quả trứng. Tôi rất tiếc phải nói rằng ngành du lịch chỉ mới đầu năm nay được coi là ngành kinh tế mũi nhọn. Do đó, ngành chưa được đầu tư đúng mức.
Ví dụ như ở các nước, để thu hút khách đến, trung bình họ đầu tư ít nhất 2 USD cho mỗi đầu khách, thậm chí là 4 – 5 USD/người, cá biệt, Philippines là gần 10 USD/người, còn ở Việt Nam, con số này chỉ là 0,2 USD/người.
Vì vây, tôi cho rằng không thể ngay lập tức đòi hỏi ngành du lịch Việt Nam làm được như các nước. Không có bột không gột nên hồ được đâu. Tuy nhiên, việc khai thác này tôi cho rằng sẽ có sự khởi sắc trong thời gian tới khi ngày càng nhiều các đại gia chi tiền vào lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng. Nhiều khu vui chơi giải trí nghỉ dưỡng của Việt Nam bước đầu làm được điều này.
Cảm ơn ông!