Khách hàng bị chiếm đoạt 245 tỉ: Eximbank nên sớm bồi thường

Trước đó, ngày 3-3, bà Chu Thị Bình có đến làm việc với Ngân hàng (NH) Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Phía Eximbank đã đề nghị hoàn trả tạm ứng 14,8 tỉ đồng nhưng bà Bình không đồng ý. Do hai bên chưa thống nhất phương án xử lý vụ việc nên tiếp tục có buổi làm việc nói trên.

Quan sát vụ việc khiến dư luận quan tâm rất lớn này, các chuyên gia pháp lý và NH cùng quan điểm: NH phải có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi khách hàng; nếu gây thiệt hại – như trường hợp bà Chu Thị Bình – thì NH (ở đây là Eximbank) phải sớm bồi thường cho bà.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM:

Tránh phát sinh thêm thiệt hại

Khoản 1 điều 10 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định: NH có trách nhiệm tổ chức bảo toàn tiền gửi nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Theo đó, mọi sự xâm phạm quyền lợi của khách hàng mà không do khách hàng gây ra và trong phạm vi trách nhiệm của mình, NH phải giải quyết.

Khi chủ tài khoản không ký giấy tờ rút tiền, không thực hiện giao dịch, cũng như không có bằng chứng nào cho thấy việc rút tiền được thực hiện theo ý chí của khách hàng mà NH để mất tiền thì NH cũng phải có trách nhiệm hoàn trả cho khách hàng. Ngay cả khi việc mất tiền phát xuất từ sai sót của nhân viên, NH cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi của nhân viên, không thể đổ trách nhiệm cho nhân viên. Bởi lẽ, khi gửi tiền tại NH, chủ thể của giao dịch là khách hàng và NH. Khách hàng không thực hiện giao dịch với bất kỳ nhân viên nào, đồng thời giao dịch được thực hiện dựa trên sự tín nhiệm của khách hàng đối với NH.

Khách hàng bị chiếm đoạt 245 tỉ: Eximbank nên sớm bồi thường - Ảnh 1.

Nếu để vụ việc kéo dài thì không có lợi cho hoạt động của Eximbank Ảnh: Thy Thơ

Bên cạnh đó, quy trình, thủ tục chuyển tiền, rút tiền đã được pháp luật cũng như chính NH quy định cụ thể và cam kết thực hiện. Vì thế, nếu có bất kỳ tổn thất nào đối với khách hàng thì NH phải có trách nhiệm, bởi đây là sai sót của NH trong công tác quản lý, lơ là trong việc thực hiện quy định của pháp luật về rút tiền, chuyển tiền, bảo toàn tiền gửi khách hàng.

Vì những cơ sở trên, căn cứ theo khoản 1, điều 585, Bộ Luật Dân sự 2015, Eximbank có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho bà Chu Thị Bình và việc bồi thường phải được thực thi ngay lập tức, để tránh phát sinh thêm thiệt hại cũng như bảo đảm quyền lợi chính đáng của khách hàng

Luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn Luật sư TP HCM:

Tiền bị mất là của ngân hàng

Mấu chốt của vụ việc này là bà Chu Thị Bình có ủy quyền cho ông Lê Nguyễn Hưng, Phó Giám đốc Eximbank Chi nhánh TP HCM (đang bỏ trốn) hoặc người khác rút tiền hay không? Giả sử bà Bình có ủy quyền cho ông Hưng rút tiền có công chứng thì rõ ràng bà Bình đã có lỗi trong vụ bị mất tiền. Trường hợp bà Bình ký giấy ủy quyền cho người khác rút tiền, lãnh đạo Eximbank xác nhận để bên được ủy quyền thực hiện giao dịch rút tiền thì giấy ủy quyền này không có giá trị pháp lý, vì bà Bình không phải nhân viên của Eximbank.

Trường hợp bà Bình không ký giấy ủy quyền cho người khác, đồng thời đang giữ sổ tiết kiệm thì khi bà Bình yêu cầu rút tiền, Eximbank phải chi trả ngay lập tức. Trường hợp ông Lê Nguyễn Hưng lợi dụng kẽ hở của NH để rút tiền là do quản trị nội bộ của Eximbank lỏng lẻo, dẫn đến ngân khố bị “bốc hơi”.

Mặt khác, số tiền mà ông Hưng rút là tiền của Eximbank. Bởi lẽ, khi khách hàng gửi tiền vào Eximbank thì số tiền đó được xem là tài sản của NH.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng:

Nếu chần chừ thì khởi kiện

Về nguyên tắc, nếu việc mất tiền gửi NH liên quan đến tội phạm thì phải chờ đợi phán quyết của tòa án. Thế nhưng, tại các quốc gia phát triển, các NH thường trả lại tiền cho khách hàng ngay lập tức để giữ uy tín của mình. Sau đó họ mới nhờ đến các cơ quan chức năng làm rõ và phân xử đúng sai.

Ở đây, việc Eximbank nói sẽ khởi kiện ông Hưng và sau khi tòa có phán quyết mới có quyết định hoàn trả tiền cho bà Bình hay không là cách thức kéo dài thời gian trả lại tiền. Cụ thể hơn, số tiền mà ông Hưng rút không phải tiền của bà Bình mà là tiền của Eximbank, do đó việc Eximbank kiện ông Hưng ra tòa không liên quan đến nghĩa vụ của Eximbank là phải trả lại 245 tỉ đồng cho bà Bình. Thực chất, đây là số tiền bà Bình đã gửi vào NH này. Nếu Eximbank chần chừ thì bà Bình có quyền khởi kiện Eximbank ra tòa án để đòi lại tiền.

Lâu nay, một số NH khác cũng có tình trạng mất tiền tương tự Eximbank dẫn đến niềm tin của người dân vào hệ thống NH có phần suy giảm. Vì thế, nếu Eximbank không nhanh chóng giải quyết vụ việc, NH Nhà nước không có chỉ đạo kịp thời thì niềm tin của người dân đối với NH có thể bị lung lay, ảnh hưởng không tốt đến an ninh tiền tệ..

Những góc nhìn khác về vụ mất 245 tỷ gửi tại Eximbank

Bài viết mới