KFC, Lotteria, Burger King đã đánh chiếm thị trường Hà Nội từ 10-20 năm, tại sao đến giờ McDonald’s mới dè dặt tham chiến?

Tại địa điểm số 2 Hàng Bài, Hà Nội, những ngày này biển hiệu của McDonald’s đã được dựng lên. Đây được coi là vị trí “kim cương” của thủ đô, với 2 mặt tiền trên hai con phố trung tâm Hàng Khay và Hàng Bài, nhìn ra bờ hồ Hoàn Kiếm, hứa hẹn trở thành điểm kinh doanh hấp dẫn khi số lượng khách Việt Nam và quốc tế đổ về khá đông.

Chia sẻ với chúng tôi, đại diện McDonald’s tại Việt Nam xác nhận, thương hiệu này sẽ mở cửa hàng tại địa chỉ nói trên. Người này cho biết công ty vẫn đang lên kế hoạch khai trương nhưng cố gắng hoàn thành trong năm nay, còn “thời gian chính thức sẽ thông báo sau”.

Bước chân vào Việt Nam từ tháng 2/2014, đến nay, toàn hệ thống McDonald’s Việt Nam có 17 nhà hàng nhưng mới chỉ tập trung tại TP Hồ Chí Minh. So với các ông lớn khác trong ngành, McDonald’s vào Việt Nam chậm hơn, và kế hoạch mở rộng ra thị trường miền Bắc cũng dè dặt hơn.

Đối thủ đến từ Hàn Quốc của McDonald’s, Lotteria, đã có mặt tại Việt Nam khá sớm từ năm 1998, và đang là chuỗi dẫn đầu ngành công nghiệp đồ ăn nhanh trong nước với hơn 200 nhà hàng. Trong đó chỉ riêng khu vực Hà Nội, thương hiệu này đã có 35 nhà hàng.

Ông lớn thứ 2 là KFC, thương hiệu nổi tiếng thế giới nhờ món gà rán cũng gia nhập thị trường Việt Nam cuối năm 1997. Thương hiệu đồ ăn nhanh của Mỹ hiện sở hữu hơn 140 cửa hàng, với số lượng tại Hà Nội cũng là 35.

Hay như Buger King, dù gia nhập thị trường Việt Nam chỉ sớm hơn 2 năm so với McDonald’s nhưng đã nhanh chân tiến ra Hà Nội với 7 cửa hàng, còn ở TPHCM có 8 cửa hàng.

Vậy lý do gì khiến McDonald’s vẫn chưa chính thức mở rộng ra Hà Nội?

Theo nhiều chuyên gia đánh giá, tìm kiếm mặt bằng phù hợp tại thủ đô là một trong những trở ngại khó khăn cho McDonald’s nói riêng và các thương hiệu kinh doanh bán lẻ nhà hàng nói chung.

Số liệu từ Savills cho thấy trong quý 3/2017, công suất thuê mặt bằng khối đế bán lẻ đạt tới 98% và trung tâm mua sắm thì gần như 2 quý trở lại đã không còn diện tích trống. Đặc biệt, khu vực quận trung tâm Hoàn Kiếm có tỷ lệ cho thuê kín 100%.

Ngoài ra, để tăng số lượng chuỗi với một sản phẩm vốn không phải món ăn quen thuộc với người Việt thì các thương hiệu ngoại cũng cần sự cẩn trọng. Hãy nhìn trường hợp của Burger King, thương hiệu chọn bánh burger là sản phẩm lõi giống McDonald’s, để thấy rõ hơn điều này.

Burger King đã từng tham vọng đầu tư 40 triệu USD để phát triển chuỗi cửa hàng mang thương hiệu ở các vị trí đắc địa và trải rộng khắp các tỉnh, thành, qua đó muốn người tiêu dùng dễ nhận diện và tiếp cận. Tuy nhiên giữa năm 2014, họ đã phải đóng cửa cửa hàng Burger King tại Đà Nẵng.

Đến năm 2015, hai cửa hàng Burger King ở số 26-28 đường Phạm Hồng Thái (TPHCM) và 125 phố Lò Đúc (Hà Nội) phải ngừng hoạt động. Sang 2016, thêm hai cửa hàng nữa tại số 1B-1B1 đường Cộng Hòa (Tân Bình, TP.HCM) và ngã tư đường Điện Biên Phủ – Cao Thắng, quận 3 (TP.HCM) cũng đóng cửa.

Từ thực tế này có thể thấy, với một sản phẩm không quá xa lạ nhưng chưa chinh phục được khách hàng Việt như bánh burger, các thương hiệu cần những bước đi “chậm mà chắc” để người tiêu dùng Việt làm quen với sản phẩm trước khi tính đến chuyện mở rộng ồ ạt.

Kết quả kinh doanh tương lai sẽ là đáp án rõ ràng nhất cho câu hỏi có phải McDonald’s đã quá chậm chân, hay họ đang cân nhắc những bước đi tuy “chậm mà chắc”.

McDonald’s Việt Nam chấp nhận thanh toán bằng ứng dụng di động Moca

Bài viết mới