Sáng ngày 12/09/2017, CTCP FPT công bố đã tiến hành ký thỏa thuận hợp tác đầu tư với nhà đầu tư chiến lược Synnex Technology International Corporation (Synnex) – Tập đoàn đứng đầu Châu Á và thứ 3 thế giới về phân phối sản phẩm công nghệ, viễn thông và linh kiện điện tử với doanh số đạt mức 33 tỷ USD trong năm 2016.
Theo kế hoạch, Synnex sẽ đầu tư sở hữu 47% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Thương mại FPT (FPT Trading) trong đợt thoái vốn của xuống dưới 50% của FPT trong năm nay. FPT Trading được định giá trên 80 triệu USD. CTCP FPT sẽ nhận được 932 tỷ đồng bao gồm tiền nhận được từ Synnex và lợi nhuận giữ lại của FPT Trading.
Với thương vụ này, đại diện Synnex cho rằng, bằng năng lực và kinh nghiệm của Synnex trong việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm, phát triển kênh bán hàng, logistic cũng như vận hành kinh doanh, Synnex sẽ thúc đẩy hơn nữa chất lượng và kết quả kinh doanh của FPT Trading. Bên cạnh đó, FPT Trading còn có thể tận dụng các mối quan hệ hợp tác của Synnex với các nhà phân phối lớn, và FPT Trading trở thành một phần của tập đoàn phân phối công nghệ thông tin viễn thông toàn cầu.
Tuy nhiên, với việc từ một công ty con do FPT nắm 100% vốn và là công ty đóng góp chính vào tổng doanh thu của Tập đoàn, khi chuyển thành công ty cổ phần và FPT hạ sở hữu xuống còn dưới 50% sẽ làm thay đổi kết quả kinh doanh hợp nhất cho năm tài chính tiếp theo.
Bên cạnh đó, mới đây FPT cũng đã bán 30% cổ phần tại FPT Retail cho Dragon Capital và VinaCapital và dự kiến sẽ tiếp tục bán thêm 10% cổ phần nữa tại FPT Retail trong quý IV năm nay để giảm tỷ lệ sở hữu xuống 45%. Với việc giảm sở hữu tại 2 công ty này, con số doanh thu năm 2018 dự kiến sẽ có những thay đổi lớn.
Trong 6 tháng đầu năm, FPT đạt doanh thu hợp nhất 20.136 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2016; và LNTT đạt 1.427 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Trong đó, FPT Trading tạo doanh thu 5.338 tỷ đồng và 150 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; FPT Retail đạt 6.193 tỷ đồng và 141 tỷ đồng LNTT.
Nhóm phân tích CTCK HSC mới đây dự báo, FPT sẽ đạt doanh thu cả năm là 45,4 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 14,4%), LNTT là 3.475 tỷ đồng (tăng trưởng 15,3%), LNST của cổ đông công ty mẹ là 2.347 tỷ đồng (tăng trưởng 17,9%). Trong đó, FPT Trading sẽ tạo doanh thu 11.900 tỷ đồng (giảm 3,7% so với năm 2016) và LNST đạt 236 tỷ đồng (tăng trưởng 10,7%); FPT Retail sẽ cho doanh thu 13.500 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 27,5%) và LNTT đạt 272 tỷ đồng (tăng trưởng 40%) so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả kinh doanh năm 2018 của FPT sẽ như thế nào?
Cho năm 2018, HSC dự báo FPT sẽ đạt doanh thu cả năm khoảng 22.100 tỷ đồng, giảm 51% so với năm nay do trong năm 2018 trong không còn hợp nhất FPT Trading và FPT retail. Trong khi đó, LNTT được dự báo khoảng 3.486 tỷ đồng, tăng trưởng chỉ 0,3% so với năm 2017.
HSC lý giải rằng, doanh thu giảm mạnh và lợi nhuận không tăng trưởng nhiều trong năm 2018 do FPT đã thoái bớt vốn khỏi FPT Trading (chỉ còn nắm 48%) và FPT retail (chỉ còn nắm 45%). Theo đó, doanh thu từ 2 công ty con này không còn hợp nhất vào kết quả kinh doanh của FPT trong năm 2018, còn đóng góp lợi nhuận từ 2 công ty này được hạch toán vào lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết tương ứng với phần ở hữu của FPT.
Dự báo trong năm 2018, FPT retail sẽ đạt doanh thu là 15.470 tỷ đồng (tăng trưởng 15%) và LNTT là 396 tỷ đồng (tăng trưởng 15,5%). Theo đó, FPT có thể hạch toán 133 tỷ đồng vào lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết tương ứng với số cổ phần sở hữu tại FPT retail là 45%.
Với FPT Trading, HSC, cho rằng FPT Trading sẽ đạt doanh thu là 12.800 tỷ đồng (tăng trưởng 6,7%) và LNTT là 336 tỷ đồng (tăng trưởng 7%). FPT có thể hạch toán 121 tỷ đồng vào lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết tương ứng với số cổ phần sở hữu tại FPT Trading là 48%.
Bên cạnh đó, HSC cũng dự báo doanh thu của mảng gia công phần mềm sẽ tăng trưởng 21,0% và LNTT tăng trưởng 21%; Doanh thu mảng dịch vụ dựa trên dự án bao gồm tích hợp hệ thống, giải pháp phần mềm và dịch vụ CNTT dự báo tăng trưởng 3,1% với LNTT tăng trưởng 8,6%; Lợi nhuận của mảng dịch vụ viễn thông dự báo tăng trưởng 20% với doanh thu tăng trưởng 14%.