Khởi nghiệp ở bất kỳ độ tuổi nào đều là một thành tựu đáng nể nhưng giúp 3 ứng viên tổng thống đắc cử có lẽ trên thế giới chỉ mới có Adebola Williams, 31 tuổi, người Nigeria.
Hướng đến cử tri trẻ
“Đây là người có bàn tay vàng. Bất cứ thứ gì anh đụng chạm vào đều biến thành vàng” – Tổng thống Ghana Nana Addo Dankwa Akufo-Addo xúc động khi nói về Adebola Williams, người có vai trò lớn trong việc giúp nhân vật 3 lần khao khát trở thành tổng thống Ghana này giành chiến thắng. Tổng thống Ghana quả thật không hề cường điệu chút nào.
Là nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Công ty Truyền thông chính trị StateCraft, Williams đã tham gia cuộc vận động giúp ông Goodluck Jonathan đắc cử tổng thống Nigeria năm 2011. Bốn năm sau, anh đóng góp công sức cho chiến dịch tranh cử thành công của đối thủ ông Jonathan, đương kim Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari. Sau đó, anh hoàn tất “cú hat-trick” khi phác thảo chiến lược truyền thông giúp ông Nana Akufo-Addo đắc cử tổng thống Ghana năm 2016.
Adebola Williams (trái) và Tổng thống Ghana Nana Addo Dankwa Akufo-Addo Ảnh: STATECRAFT
Sau những thành tựu nói trên, Williams tham gia viết cuốn sách “How to win elections in Africa” (tạm dịch “Làm thế nào thắng cử ở châu Phi”), mô tả chi tiết các kỹ chiến thuật của anh. Lời khuyên của tác giả dành cho những ai muốn thắng cử tại châu Phi là gì? Theo đài CNN, chiến lược của anh nghe khá đơn giản: Đánh bóng hình ảnh của ứng viên tổng thống và điều quan trọng là làm cho giới trẻ yêu mến người này. Bản thân Williams đánh giá thành công của anh cùng với StateCraft là do biết rõ về giới trẻ. “Chúng tôi có lợi thế là người trẻ, làm việc với giới trẻ ở châu Phi trong 12 năm, hiểu rõ họ nghĩ gì và những vấn đề quan trọng” – Williams giải thích với đài CNN.
Những kiến thức trên có được từ quá trình xây dựng một đế chế truyền thông vượt ra bên ngoài StateCraft. Năm 2006, Williams cùng đối tác kinh doanh Chude Jideonwo bắt tay thành lập Tập đoàn Truyền thông RED, trụ sở ở Nigeria. RED gồm 4 công ty truyền thông tập trung vào giới trẻ: Red Media Africa, một công ty PR hoạt động tại Tây Phi, làm việc với những tên tuổi như Facebook, Uber, Intel…; Generation Y!, một đài truyền hình và sản xuất nội dung trực tuyến; The Future Project, một doanh nghiệp xã hội tôn vinh những người châu Phi trẻ tuổi thông qua giải thưởng thường niên Future Adwards và cuối cùng là StateCraft.
Bước tiến tự nhiên
“Chúng tôi nỗ lực làm việc để thay đổi cách tuyên truyền, định hình ý kiến, thúc đẩy điều tốt đẹp và khích lệ hành động. Vì thế, đó là cả một cuộc hành trình – sử dụng truyền thông để dẫn đến thay đổi và sử dụng truyền thông cho bầu cử” – Williams nhấn mạnh. Ngay từ khi còn trẻ, người đàn ông này đã khao khát xuất hiện trên truyền hình. Ở tuổi 17, anh đã xuất hiện trong chương trình truyền hình “Youth Talk” (Trò chuyện giới trẻ) trên đài truyền hình quốc gia Nigeria NTA. Năm 19 tuổi, anh sản xuất chương trình truyền hình riêng của mình “Nigeria International” (tạm dịch “Nigeria quốc tế”). “Tôi chỉ muốn hoạt động trong lĩnh vực truyền thông… bởi đây là công cụ tốt nhất để tiếp cận mọi người” – Williams tâm sự.
Việc giúp các ứng viên tổng thống trở nên sành sỏi về truyền thông xã hội là một bước tiến tự nhiên. Williams thành lập StateCraft sau khi đội ngũ của ứng viên tổng thống Jonathan tìm gặp anh vào năm 2011 để nhờ giúp phát triển chiến lược truyền thông cho họ. Khi đó, Williams lạc quan: “Ông Jonathan trông như một nhà lãnh đạo biết đánh giá cao tầm quan trọng của việc giới trẻ tham gia phát triển đất nước. Chúng tôi hy vọng ông ấy sẽ mang đến luồng gió mới cho Nigeria”.
Thế nhưng, sau khi góp phần giúp ông Jonathan “đăng quang”, Williams chuyển sang ủng hộ phe đối lập khi cảm thấy chính quyền nhà lãnh đạo này phạm nhiều sai sót trong quá trình lãnh đạo đất nước. “Khi đội ngũ vận động tranh cử của ông Buhari tiếp cận vào cuối năm 2014, chúng tôi tin rằng đây là điều đúng đắn phải làm” – Williams nhớ lại và cho biết StateCraft đã giúp “nhân tính hóa” thông điệp thay đổi của ông Buhari để kết nối với giới trẻ.
Thông qua hình ảnh và chiến dịch vận động trên truyền thông xã hội, đội ngũ của ông Buhari đã “làm mềm” hình ảnh ứng viên này khi cần và phát đi thông điệp cứng rắn về vấn đề an ninh, chống tham nhũng. Dưới bàn tay của Williams, hình ảnh của Buhari dần thay đổi và mọi người bắt đầu nhìn ông theo một cách khác hẳn trước đây. Trên thực tế, hình ảnh của vị cựu lãnh đạo quân sự đã được đánh bóng và giới thiệu với công chúng theo cách không chỉ làm cho mọi người quý mến mà còn làm cho con người ông thêm nhiều màu sắc.
Sau khi ông Buhari thắng cử năm 2015, không có gì lạ khi 2 đảng chính ở Ghana tìm đến “phép mầu” của Williams. Sau khi gặp mặt 2 ứng viên tổng thống, phân tích tình hình quốc gia này, cũng như tìm hiểu người dân muốn gì, Williams chọn đại diện cho ông Akufo-Addo.
“Những gì chúng tôi làm ở Ghana là giới thiệu một ứng viên theo cách thức kết nối giới trẻ, với nền văn hóa đại chúng, sự giận dữ rồi hướng dẫn người dân hành động. Hành động ở đây là bỏ phiếu cho ứng viên của chúng tôi” – Williams giải thích về những gì mình làm để giúp ông Akufo-Addo “lên ngôi”.