Mới đây CEO ngân hàng JPMorgan Chase – Jamie Dimon – đã đưa ra nhận định đồng tiền số bitcoin chỉ là “một trò lừa đảo” và thẳng thừng tuyên bố sẽ sa thải bất kỳ nhân viên nào giao dịch bitcoin vì đó là “một kẻ ngốc”. Phát ngôn này ngay lập tức khiến giá bitcoin giảm mạnh.
Những “fan” hâm mộ bitcoin đã rất phẫn nộ trước điều này. Họ dồn dập chỉ trích Dimon, cho rằng “không thể dạy những ông già chơi trò mới” và chính bản thân ông cũng đã chẳng thể cứu JPMorgan ra khỏi khủng hoảng tài chính 2008.
Thậm chí cộng đồng bitcoin còn “vạch mặt” Dimon khi dẫn chứng bản thân JPMorgan cũng đã mua vào một lượng lớn các ETN theo dõi giá bitcoin. Exchange-traded-notes (ETN) là 1 loại chứng khoán nợ được 1 ngân hàng phát hành và hứa hẹn sẽ mang về cho nhà đầu tư khoản lợi suất gắn với diễn biến giá của tài sản mà nó theo dõi. ETN giống với 1 sản phẩm phổ biến hơn là các quỹ ETF, nhưng khác ở chỗ ETF sẽ sở hữu 1 phần các tài sản mà nó theo dõi (ví dụ S&P 500 ETF sẽ sở hữu các cổ phiếu có mặt trong chỉ số này để mô phỏng chỉ số), còn ETN không sở hữu tài sản mà chỉ đơn giản là phát hành nợ cho nhà đầu tư.
Các ETN theo dõi giá bitcoin đã trở thành công cụ đầu tư được các nhà đầu tư định chế muốn đầu tư vào bitcoin ưa chuộng. Có một số ngân hàng phát hành sản phẩm này mà một trong số đó là Saxo Bank, ngân hàng Đan Mạch bán trái phiếu có tên “Bitcoin Tracker” theo dõi diễn biến giá bitcoin so với đồng euro và USD. Kể từ đầu năm đến nay, nhờ đà tăng giá mấy trăm % của bitcoin mà các ETN này cũng mang về lợi suất cao.
Theo các dữ liệu giao dịch lịch sử trong hệ thống Nordnet, công ty chứng khoán JPMorgan và Morgan Stanley đã mua vào gần 3 triệu euro chứng khoán nợ XBT bitcoin. Điều thú vị là giao dịch xảy ra ngay sau khi Chính phủ Trung Quốc có động thái cứng rắn với bitcoin và ông Dimon chê bai đồng tiền số. Trong danh sách các nhà đầu tư tổ chức mua vào có cả Goldman Sachs và Barclays, nhưng công ty chứng khoán JPMorgan mua nhiều nhất.
Vì trong danh sách nói trên chỉ xuất hiện công ty chứng khoán JPMorgan chứ không phải ngân hàng JPMorgan, khó có thể khẳng định chắc chắn ngân hàng đầu tư vào bitcoin mà có thể là mua cho khách hàng. Tuy nhiên bên cạnh đó các fan hâm mộ bitcoin đã đưa ra những lập luận chính xác hơn, ví dụ như JPMorgan cũng đã tham gia vào “cơn sốt blockchain” đang lan tỏa trong hệ thống ngân hàng toàn cầu. Theo 1 bài viết trên tờ ZeroHedge từ năm 2013, JPMorgan từng nộp đơn xin cấp bằng sáng chế đối với “1 sản phẩm thay thế bitcoin” nhưng đã bị từ chối 175 lần.
Cũng trong năm 2013, JPMorgan làm việc với Zerocoin Electric Coin Company (công ty đứng sau đồng tiền số Zcash) để áp dụng công nghệ của Zcash vào Quorum, 1 nền tảng blockchain mà JPMorgan xây dựng dựa trên Ethereum với tính năng cơ bản là các hợp đồng thông minh.
Ngoài ra còn phải nhắc đến chuyện một số cựu lãnh đạo của JPMorgan rất hào hứng với công nghệ blockchain và bitcoin. Năm 2014, Daniel Masters, người từng phụ trách mảng giao dịch hàng hóa của ngân hàng này, từng thông báo ông đang bắt đầu thành lập 1 quỹ đầu cơ tập trung vào bitcoin. Một cựu binh khác là Blythe Masters cũng có 1 startup ăn theo công nghệ blockchain có tên Hyperledger.