CEO của Alibaba Jack Ma tin rằng, nếu sự thay đổi nhất định xảy ra, tốt nhất là bạn phải chuẩn bị từ sớm. Triết lý đó đã giúp Jack Ma điều hành Alibaba – tập đoàn thương mại điện tử lớn của Trung Quốc vượt qua giai đoạn đầu đầy khó khăn khi phải cạnh tranh với eBya, Amazon.
Jack Ma trả lời CNBC: “Khi chúng ta nhìn thấy những điều thay đổi sắp đến, chúng ta cần chuẩn bị mọi thứ ngay lập tức. Tôi tin rằng, bạn nên sửa sang lại mái nhà ngay khi trời vẫn còn nắng”.
Khi thương mại điện tử ở Trung Quốc vấn trong giai đoạn mới mẻ, eBay đã trở thành một trong những công ty gia nhập thị trường này sớm nhất. Nó vận hành dựa trên một nền tảng trực tuyến dành cho người tiêu dùng gọi là EachNet và tính phí cho người dùng sau mỗi giao dịch. Vào thời điểm đó, Alibaba vẫn tập trung vào việc giúp đỡ các công ty nhỏ và vừa ở Trung Quốc làm ăn trực tuyến. Ông nhận ra rằng, “sớm hay muộn eBay cũng trở nên lớn mạnh tại Trung Quốc và sẽ thu hút các khách hàng của Alibaba”. Để chống lại mối họa tiềm ẩn từ eBay, Jack Ma đã tập hợp một nhóm nhỏ các nhân viên của Alibaba và gửi họ đến làm việc trong một dự án bí mật: xây dựng một thị trườn trực tuyến đủ sức cạnh tranh với những gì eBay cung cấp, Đó là cách Alibaba xây dựng Taobao nổi tiếng hiện nay.
Erisman, phó chủ tịch của Alibaba cho biết, Taobao hoạt động miến phí trong 3 năm đầu tiên và nó gây áp lực với mô hình trả phí cho mỗi giao dịch của eBay. Phản ứng của eBay đưa ra một thông cáo báo chí rằng: “Miễn phí không phải một mô hình kinh doanh”. Nhưng rất nhiều người mua và bán bắt đầu chuyển sang Taobao. Sau 3 năm hoạt động miễn phí, Alibaba đã có thể kiếm được bộn tiền từ Taobao. Trong hơn 2 thập kỷ, từ một công ty nhỏ tại Hàng Châu, giờ đây Alibaba đã trở thành một trong những trụ cột của thế giới công nghệ cao với số vốn hóa thị trường lên tới 473 tỉ USD.
Trong sự nghiệp của mình, Jack Ma phải đối mặt với hàng loạt sự từ chối. “Là một doanh nhân, một trong những phẩm chất tôi rèn luyện được khi thường xuyên bị từ chối là làm quen với những lời khước từ”, Jack Ma nói.
Sự phát triển từ một công ty non trẻ trở thành một trong những doanh nghiệp có giá trị nhất Trung Quốc tất nhiên đi kèm với những thăng trầm. Alibaba phải đối mặt với rất nhiều vấn đề và bị nhiều nhà đầu tư từ chối vì họ không thấy mô hình kinh doanh này của công ty đủ thuyết phục. Jack Ma từng tiết lộ, Alibaba đã từng bị 30 nhà đầu tư từ chối trước khi nhận được sự chấp thuận từ CEO Masayoshi Son của SoftBank.
Sau đó bong bóng dotcom xảy ra, và Ma đã buộc phải sa thải nhân viên khắp thế giới. “Alibaba đã đi từ lạc quan đến thất vọng não nề khi phải thu hẹp hoạt động”, Erisman nói. “Đó là lần duy nhất tôi nhìn thấy Jack Ma nghi ngờ chính mình, khi anh ấy sa thải nhân viên, và tôi nghĩ anh ấy có lúc còn tự hỏi liệu công ty có thể tồn tại hay không”.
Cùng với những thất bại bước đầu, Jack Ma đã học được rằng, làm CEO rất khác so với việc làm giáo viên tiếng Anh. “Trở thành CEO có nghĩa là đưa ra những quyết định khó khăn và đôi khi phải thu hẹp hoạt động để công ty có thể tồn tại”, Erisman nhắc lại lời Jack Ma.
Jack Ma đã dành nhiều thời gian để suy tính về tương lai của Alibaba, nhất là trong bối cảnh thế giới công nghệ và kinh doanh thay đổi nhanh chóng. “Trong 30 năm tới, công nghệ có thể lấy đi nhiều cơ hội việc làm. Nhiều người đã bất bình vì họ có thể mất việc bởi robot và trí tuệ nhân tạo”.
Theo Jack Ma, đó là sự đánh đổi cần phải có cho việc cải thiện cuộc sống của con người thông qua công nghệ mới. Alibaba muốn làm trong 10, 20 năm tới là đổi mới phương pháp kinh doanh truyền thống. Để chuẩn bị cho sự thay đổi không thể tránh được khi công nghệ và trí tuệ nhân tạo phát triển, Alibaba sẽ đầu từ hơn 150 tỉ USD trong 3 năm tới để phát triển công nghệ.