IMF: Khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc vẫn chưa kết thúc

Quỹ Tiền tệ Quốc Tế (IMF) cho biết Trung Quốc cần phải làm nhiều việc hơn để khắc phục các vấn đề hiện nay của thị trường bất động sản.

Thị trường bất động sản đóng góp khoảng 1/4 GDP của Trung Quốc và là lực cản đối với tăng trưởng, đặc biệt kể từ khi Bắc Kinh hạn chế các nhà phát triển phụ thuộc nhiều vào đòn bẩy kể từ năm 2020.

Chính quyền nước này mới chỉ bắt đầu nới lỏng các hạn chế về tài chính cho lĩnh vực bất động sản trong vài tháng qua.

“Các biện pháp chính sách gần đây của các nhà chức trách được hoan nghênh, nhưng theo quan điểm của chúng tôi, cần có thêm hành động để chấm dứt cuộc khủng hoảng bất động sản”, Thomas Helbling, Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương của IMF, cho biết trong một cuộc họp báo vào ngày 03/02/2023.

“Nhiều biện pháp đã giải quyết dòng vốn cho các nhà phát triển vẫn đang hoạt động tốt, điều này rất hữu ích. Nhưng những vấn đề của các nhà phát triển mắc nợ nghiêm trọng vẫn chưa được giải quyết. Đặc biệt, việc số lượng lớn các căn hộ chưa thể hoàn thiện vẫn còn đó”.

Căn hộ ở Trung Quốc thường được bán cho người mua nhà trước khi hoàn thành. Covid-19 và những khó khăn tài chính làm chậm quá trình xây dựng đến mức một số người mua nhà đã tạm dừng thanh toán thế chấp vào mùa hè năm ngoái để phản đối các nhà phát triển.

Chính quyền Trung Quốc sau đó đã nhấn mạnh rằng cần phải giúp các nhà phát triển hoàn thành việc xây dựng những căn hộ đã bán trước đó. Tuy nhiên, theo số liệu chính thức, diện tích sàn nhà ở được bán ở Trung Quốc đã giảm gần 27% trong năm 2021, trong khi đầu tư bất động sản giảm 10%.

“Tôi nghĩ việc định hướng giải quyết rất cần thiết, như cách thức thực hiện tái cấu trúc [ngành bất động sản] và xác định đối tượng sẽ chịu thiệt hại trong trường hợp có tổn thất”, Helbling nói. Ông cũng kêu gọi chính phủ Trung Quốc đưa ra các biện pháp bổ sung để giải quyết lượng lớn căn hộ chưa hoàn thành.

Ông nói: “Nếu không, lĩnh vực này sẽ tiếp tục sụt giảm và vẫn là một rủi ro. Đồng thời, các hộ gia đình sẽ bị hạn chế về quyền sở hữu nhà, gây ra thiệt hại về tiền mặt và tiền tiết kiệ. Từ đó, gây trở ngại cho sự phục hồi kinh tế rộng lớn hơn”.

Helbling từ chối đưa ra khung thời gian cụ thể mà các nhà chức trách cần hành động trước khi tình hình trở nên tồi tệ hơn nhiều.

“Bạn giải quyết các rủi ro giảm giá càng sớm thì càng tốt”, ông nói.

Báo cáo của IMF cũng chỉ ra rằng một phần đáng kể các nhà đầu tư vào trái phiếu của các nhà phát triển Trung Quốc đã bị ảnh hưởng. Theo đó, tính đến tháng 11 năm 2022, các nhà phát triển đã vỡ nợ hoặc có khả năng vỡ nợ – với giá trái phiếu trung bình thấp hơn 40% mệnh giá – chiếm 38% thị phần trong năm 2020 của các công ty phát hành trái phiếu.

“Sự thu hẹp của ngành cũng dẫn đến căng thẳng đối với chính quyền địa phương. Doanh thu bán đất giảm đã làm giảm khả năng tài chính của địa phương”, IMF cho biết.

Phân tích của IMF là một phần trong báo cáo mới nhất của tổ chức này về Trung Quốc, sau các cuộc thảo luận hàng năm với các quan chức Trung Quốc kết thúc vào tháng 11/2022.

Các quan chức Trung Quốc đã bác bỏ đánh giá của IMF, cho rằng thị trường bất động sản tại đây nhìn chung hoạt động trơn tru và “không ở trong tình trạng ‘khủng hoảng’. Họ cũng cho rằng tình hình hiện tại là “sự phát triển tự nhiên của quá trình ‘giảm đòn bẩy và cắt giảm hàng tồn kho’ trong vài năm qua”.

Đại diện Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết: “Các rủi ro liên quan là cục bộ và chỉ liên quan đến các công ty riêng lẻ, và tác động của chúng đối với phần còn lại là tương đối nhỏ”.

Sắp tới, phía Trung Quốc cho biết sẽ làm việc để đảm bảo bàn giao các căn hộ đã hoàn thiện và sáp nhập các nhà phát triển.

Bài viết mới