IMF bất ngờ “quay xe”, nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu nhưng vẫn cảnh báo: Ít tệ hơn không có nghĩa là tốt

TIN MỚI

Trong bản cập nhật mới nhất được công bố ngày 30/1, IMF cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,9% trong năm nay, cải thiện 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó, được đưa ra hồi tháng 10. Tuy nhiên, con số này vẫn được coi là giảm so với mức tăng trưởng 3,4% vào năm 2022. IMF cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 xuống còn 3,1%.

Pierre-Olivier Gourinchas, giám đốc bộ phận nghiên cứu của IMF, cho biết: “Tăng trưởng vẫn sẽ yếu so với các tiêu chuẩn lịch sử, khi cuộc chiến chống lạm phát của các ngân hàng trung ương tiếp tục leo thang còn xung đột giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc”.

Tuy nhiên, IMF trở nên lạc quan hơn với kinh tế toàn cầu do các yếu tố trong nước của các quốc gia “tốt hơn mong đợi”, chẳng hạn như lạm phát có dấu hiệu được kiềm chế tại Mỹ….

“Tăng trưởng kinh tế đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên trong quý 3 năm ngoái, với thị trường lao động mạnh, tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư kinh doanh tăng cũng như sự thích ứng tốt hơn kỳ vọng với cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu”, Gourinchas nói và cho biết áp lực lạm phát đã giảm xuống.

Ngoài ra, Trung Quốc đã tuyên bố mở cửa trở lại nền kinh tế sau nhiều năm phong tỏa vì Covid-19. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu cao hơn. Đồng USD yếu hơn cũng đã làm “tươi sáng” triển vọng của các nền kinh tế mới nổi, vốn đang có nhiều nợ bằng ngoại tệ.

Tuy nhiên, bức tranh không hoàn toàn tích cực. Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva đã cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu “không tệ” như một số người lo ngại. Tuy nhiên, “ít tệ hơn” không có nghĩa là tốt.

“Chúng ta phải thận trọng”, bà Georgieva nói trong một hội thảo mà CNBC tổ chức bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ.

Trong báo cáo ngày 30/1, IMF đã cảnh báo về một số yếu tố có thể làm xấu đi triển vọng trong những tháng tới. Chúng bao gồm thực tế là việc mở cửa trở lại ở Trung Quốc có thể sẽ không mang nhiều tác động như kỳ vọng, lạm phát có khả năng vẫn ở mức cao còn giá năng lượng và thực phẩm sẽ chưa tìm thấy điểm dừng. Thị trường tài chính có thể sẽ trở nên tệ hơn nếu như các báo cáo lạm phát cao hơn dự báo.

Tính toán của IMF cho biết khoảng 84% quốc gia sẽ phải đối mặt với lạm phát thấp hơn so với năm 2022. Tuy nhiên, cơ quan này dự báo lạm phát trung bình của năm nay là 6,6% trong khi của năm 2024 là 4,3%. Chính bởi thế, một trong những ưu tiên của các ngân hàng trung ương chính là tiếp tục ngăn ngừa đà tăng giá của các loạt hàng hóa.

“Thông điệp rõ ràng của các ngân hàng trung ương và phản ứng thích hợp đối với những thay đổi trong dữ liệu sẽ giúp giữ cho kỳ vọng lạm phát ổn định và giảm bớt áp lực về tiền lương và giá cả”, IMF cho biết và nói thêm: “Bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương sẽ cần được cân bằng một cách cẩn thận, nhất là trong bối cảnh rủi ro thanh toán của thị trường hiện nay”.

Tham khảo: CNBC

Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2023: Mỹ-Trung cần ‘dè chừng’, quốc gia châu Á này đang trở thành ‘điểm sáng’ mới của thế giới

Linh Anh

Nhịp sống Thị trường

Bài viết mới