Nhiều nước trên thế giới đã thành công
Xu hướng kêu gọi đầu tư tư nhân vào các dự án xây dựng hạ tầng theo hình thức BOT, PPP, BT vốn rất thịnh hành tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Nhật Bản là một trong những quốc gia phát triển mạnh nhất mô hình PPP ở khu vực châu Á. Theo kinh nghiệm của nước này, có ít nhất hai lĩnh vực mà khu vực tư nhân tham gia hiệu quả, đó là các dự án không thể hoặc khó cổ phần hóa và các dự án mà nhà nước không thể tham gia trực tiếp. Cụ thể như các dự án về đường cao tốc, giao thông đô thị, dịch vụ cảng và các dịch vụ công cộng. Hiệu quả mà mô hình này đem lại là giảm chi phí, giảm thiểu rủi ro và tạo ra môi trường cạnh tranh cao.
Tại Malaysia, các dự án sử dụng hình thức vốn tư nhân đóng góp rất đáng kể vào sự phát triển cơ sở hạ tầng. Bằng chứng là rất nhiều dự án như đường cao tốc thu phí, cầu, đường sắt đã được hoàn thành, tạo thuận lợi cho các hoạt động đi lại, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển.
Mới đây, Chính phủ Ấn Độ cũng đã “mở toang” cánh cửa để thu hút vốn tư nhân vào phát triển hạ tâng. Ấn Độ xác định cần 1 nghìn tỉ USD để phát triển toàn bộ hạ tầng bao gồm đường bộ trong 10 năm tới. Để hấp dẫn các nhà đầu tư, Chính phủ Ấn Độ đã mở cửa chính sách, tạo thuận lợi và sự an tâm cho các nhà đầu tư như cho phép thời hạn miễn thuế 10 năm đối với các dự án cao tốc; hỗ trợ tài chính một lần đối với các dự án đường bộ bị trì hoãn (nếu đủ điều kiện); cho phép các nhà phát triển bán 100% cổ phần các dự án đường cao tốc hai năm sau khi hoàn thành.
Việt Nam, những điển hình thành công nhờ bí quyết đầu tư mạnh cho hạ tầng giao thông
Theo ông Trần Hùng, chuyên gia tư vấn của Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á – Thái Bình Dương Liên Hiệp Quốc (UNESCAP), giai đoạn 2016-2020, nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng hàng năm tại Việt Nam sẽ vào khoảng 23,4 tỷ USD, cao gấp đôi so với đầu tư 5 năm trước đó. Trong khi đó vốn ngân sách mới chỉ đáp ứng được khoảng 20-25% nhu cầu tối thiểu để thực hiện các dự án này. Chính vì thếviệc kêu gọi vốn tư nhân vào hạ tầng giao thông đang được Chính phủ và nhiều địa phương ưu tiên hàng đầu.
Trong các địa phương thành công trên cả nước, Quảng Ninh được xem là điểm sáng thu hút nguồn vốn tư nhân xây dựng hạ tầng giao thông. Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã liên tục triển khai những dự án hạ tầng giao thông với tổng mức đầu tư lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng như dự án nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long – Uông Bí, Hạ Long – Mông Dương – Móng Cái. Nhiều dự án trọng điểm để chuẩn bị sớm cho việc hình thành đặc khu kinh tế Vân Đồn như sân bay quốc tế Vân Đồn, cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, Dự án đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả …cũng được cấp tập đầu tư.
Năm 2018, những “trái ngọt” hạ tầng hợp tác công tư đã thành hình như Cầu Bạch Đằng được thống nhất khai thông vào ngày 31/5, rút ngắn quãng đường từ Hà Nội về Hạ Long và các khu du lịch. Cảng hàng không Quảng Ninh – sân bay đầu tiên trong cả nước do tư nhân đầu tư dự kiến vận hành cuối quý 2/2018. Ngoài ra tuyến cao tốc kết nối Quảng Ninh với cao tốc Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai sẽ trở thành cao tốc dài nhất Việt Nam, đồng thời là hành lang đường bộ đầu tiên kết nối các tỉnh phía Bắc Việt Nam với Trung Quốc…
Để có được những thành công như ngày hôm nay, Quảng Ninh đã phải trải qua một quá trình thu hút vốn đầu tư lâu dài. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long từng nói, nếu chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước thì Quảng Ninh phải chờ đến 10 năm, thậm chí lâu hơn nữa để thay đổi… Đặc biệt, Quảng Ninh đã đề xuất Chính phủ cho phép tự huy động các nguồn vốn hợp pháp như tiết kiệm chi mỗi năm 1.000 tỷ đồng, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương… để triển khai cao tốc Hạ Long – Hải Phòng.
Đánh giá về những thành công trong việc thu hút nguồn vốn từ tư nhân vào đầu tư hạ tầng, PGS-TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm bộ môn đường bộ, ĐH Giao thông vận tải Hà Nội đã từng khẳng định Quảng Ninh đang đi đúng hướng với phương thức PPP, BOT linh hoạt trong thu hút các dự án hạ tầng giao thông. “Đây là hướng đi phù hợp khi sử dụng một phần ngân sách, trái phiếu… tham gia dự án BOT theo hình thức đối tác công tư, thành công trong lập dự án và kêu gọi đầu tư”, ông Toản đánh giá.
Cũng đề cao công tác xã hội hóa đầu tư hạ tầng của tỉnh Quảng Ninh, mới đây Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng đã có lời khen ngợi Quảng Ninh: “Trong 1 thời gian rất ngắn khoảng 3-4 năm trở lại đây, Quảng Ninh đã huy động xã hội hóa để làm giao thông với hơn 48.000 tỷ đồng, trong đó địa phương bỏ ra 12.000 tỷ còn lại vốn của nhà đầu tư. Tức là Nhà nước chỉ cần bỏ ra khoảng 25% vốn, còn nhà đầu tư bỏ ra 75% là có thể hình thành nhiều công trình vĩnh cửu, để đời cho con cháu…. Cách làm này là một sự đột phá”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng, hạ tầng giao thông là mạch máu nền kinh tế, đường lớn, giàu lớn, không có đường là không phát triển được gì, nên nếu chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước thì phải rất lâu nữa Quảng Ninh mới có đường cao tốc, mới có sân bay… “Những kinh nghiệm trong giải phóng mặt bằng và thu hút, huy động nguồn lực đầu tư sẽ là bài học quý để các địa phương trong cả nước phải học tập”, Bộ trưởng khẳng định.
Có thể nói, từ việc xác định đúng hướng đi cùng với những cách làm riêng sáng tạo, Quảng Ninh đã đạt được thành công vượt trội trong huy động nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, giảm bớt gánh nặng ngân sách, đồng thời tạo được hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại. Chính vì thế, Quảng Ninh đã trở thành “hiện tượng” nhờ bí quyết đầu tư mạnh cho hạ tầng giao thông.