Trong khi nhiều người Việt hoang mang vì lượng khách Trung Quốc tăng đột biến và để lại nhiều hình ảnh không tốt thì cơ quan quản lý và các doanh nghiệp lại xem đó là cơ hội để ngành du lịch thu hút ngoại tệ.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch:
Bán cái gì và bán thế nào?
Khách du lịch Trung Quốc là thị trường rộng lớn. Mỗi du khách là một cơ hội, 1 tỉ du khách là 1 tỉ cơ hội. Xét về khía cạnh điểm đến, nhìn nhận một cách khách quan, tất cả tour du lịch đều tạo ra việc làm cho người dân và nguồn thu trực tiếp cho chính quyền, doanh nghiệp địa phương. Khi đặt chân đến Việt Nam, khách không thể không ở khách sạn, ăn uống tại nhà hàng, đi xe, tàu, máy bay, mua vé tham quan và chi trả phí visa (với những thị trường chưa miễn visa).
Ví dụ ở Hạ Long, ngay cả khi khách bình dân với giá thuê phòng 300.000 đồng/ngày đêm thì vẫn bảo đảm thu nhập khá ổn định cho các cơ sở lưu trú, đội ngũ phục vụ, dịch vụ cho thuê xe, thuyền và nhà hàng… Riêng tại cửa khẩu Móng Cái, năm 2016, với nửa triệu du khách Trung Quốc làm thủ tục nhập cảnh đã đem về nguồn thu 250 tỉ đồng từ phí làm visa (khoảng 25 USD/người/lượt), tiền bán vé tham quan Hạ Long đạt khoảng 85 tỉ đồng.
Thực ra, ngay cả tour giá rẻ nếu quản lý tốt từ khâu hướng dẫn viên đến điểm mua sắm thì gần như không có tác hại với điểm đến, sẽ kích thích sản xuất tiêu dùng tại chỗ. Vấn đề của chúng ta nằm ở chỗ bán cái gì và bán như thế nào?
Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Du ngoạn Việt:
Tập trung phục vụ khách cao cấp
Người Việt đang hiểu sai về du khách Trung Quốc nên loay hoay tự làm khổ mình khi thấy lượng khách này bùng phát. Theo tôi, do không gian tại các điểm đến của Việt Nam còn nhỏ, công suất hạn chế nên cần chọn lọc nguồn khách ở phân khúc cao cấp để phục vụ. Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc hút khách Trung Quốc như: gần, biển sạch, đồ ăn và văn hóa khác biệt mà khách nhà giàu Trung Quốc rất mê. Để phục vụ khách nhà giàu Trung Quốc, cần đào tạo lại đội ngũ hướng dẫn viên phải giỏi tiếng Trung và hiểu sâu sắc văn hóa Việt, bỏ ngay thói chưa phục vụ đã hỏi tiền.
Du khách Trung Quốc xếp hàng vào một nhà hàng tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.Ảnh: Kỳ Nam
Qua thực tế công ty đón 140.000 khách cao cấp Trung Quốc năm 2016, tôi nhận thấy họ là những người “bo” xịn nhất hiện nay, cao hơn hẳn khách Tây nhưng với điều kiện phải phục vụ tốt. Về đồ ăn, họ chỉ thích đồ ăn thuần Việt, mỗi bữa 9 món, bảo đảm sạch, ngon. Họ mê trái cây Việt từ thanh long, nhãn, sầu riêng, sapôchê… loại ngon và không quan tâm đến giá. Họ rất thích xem văn nghệ truyền thống Việt Nam, nhạc cụ Việt, múa rối nước… và thưởng thức với thái độ rất tôn trọng, có văn hóa.
Ngoài ra, để khách xài tiền, Việt Nam nên khuyến khích đầu tư xây dựng các trung tâm mua sắm những mặt hàng có thế mạnh như: trung tâm nữ trang chế tác những món đắt tiền như tượng Quan Âm, thần tài, thổ địa…; trung tâm ngọc trai, trầm hương, sản phẩm cao su thiên nhiên… Tại TP HCM, có thể phát triển khu ẩm thực hải sản ở Cần Giờ, rất có tiềm năng…
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch HĐTV Lửa Việt Tour:
Không nên chê bai khách nào
Trước thực trạng ngổn ngang của du lịch Việt Nam, có mấy việc cấp bách cần ưu tiên. Thứ nhất, cần cấp tốc đào tạo bổ sung lực lượng hướng dẫn, đặc biệt là tiếng Trung và tiếng Hàn. Tiếng Trung lấy nguồn từ người Hoa tại chỗ, chỉ cần hết lớp 12 (luật cũ phải có bằng đại học và luật mới chưa áp dụng, hạ xuống còn cao đẳng). Tương tự, tiếng Hàn lấy nguồn hợp tác lao động về, đào tạo nghiệp vụ 6 tháng (có thể vừa làm vừa học) rồi nâng cao dần.
Thứ hai, hoạch định và dự báo nguồn khách để chủ động đón tiếp và phục vụ theo từng phân khúc thị trường. Không phân biệt đối xử hay chê bai khách nào cả. Đào tạo nguồn nhân lực bám sát nhu cầu thực tế của từng thị trường.
Thứ ba, mình là chủ, phải gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng để khách noi theo. Khách nào đến nhà vi phạm, cứ xử nghiêm theo luật định. Chủ nhà có quyền từ chối, trục xuất hoặc bắt giam theo pháp luật. Đặc biệt là xử thật nghiêm các đầu nậu Trung Quốc và những người Việt tiếp tay. Có thể cấm nhập cảnh, rút giấy phép có thời hạn đến vĩnh viễn, cấm hành nghề, thậm chí truy tố theo luật định. Các nước đều làm như vậy cả.
Ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Công ty Golden T Travel:
Cần đặt các điều khoản chặt chẽ
Để thu hút khách Trung Quốc hiệu quả cần có một số lưu ý. Đó là với các chương trình truyền thống, giá cả phải thật cạnh tranh, chấp nhận cắt bớt dịch vụ để giảm giá vì cái đầu tiên họ nhìn vào là giá cả. Biện pháp tăng thêm thu nhập để bù vào việc lãi thấp hoặc lỗ do bán giá rẻ là liên kết các cơ sở mua sắm đặc trưng riêng có vì tâm lý khách Trung Quốc thích mua sắm theo đám đông.
Đối với các sản phẩm dịch vụ mới, lạ của một số công ty, nên tập trung vào nhóm khách có khả năng chi trả tốt hơn như khách nghỉ dưỡng, khách du lịch kết hợp công tác, hội nghị, hội thảo, thương nhân và khách đi bằng máy bay. Tuy nhiên, với thị trường khách Trung Quốc, các điều khoản càng chặt chẽ, nghiêm ngặt càng tốt như đối với lịch trình, dịch vụ. Cụ thể, phải công khai dịch vụ bao gồm gì và không bao gồm gì, tiền “tip” phải bắt buộc theo đầu khách, công khai các quy định của điểm đến du lịch và nhà cung cấp dịch vụ để nếu khách nào vi phạm điều khoản sẽ phải bồi thường. Nếu quy định không rõ ràng chẳng những đang bán tour giá rẻ mà công ty du lịch còn bị liên lụy hoặc đền bù do khách từ chối bồi thường vì lỗi của họ gây ra.
Chưa chi đã hoảng!
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 8 tháng năm 2017 đạt gần 8,5 triệu lượt, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, các thị trường tăng mạnh nhất là Trung Quốc 51,4%; Hàn Quốc 49,3%; Nga 44,8%… Lẽ thường trong du lịch, khách tăng, ai cũng mừng nhưng với khách Trung Quốc thì ngược lại. Nhiều người bảo “mừng ít lo nhiều” vì đủ thứ lý do. Nào là khách Trung Quốc xấu xí, ồn ào, quậy phá, thô lỗ, keo kiệt… Có thật vậy không? Cá biệt có nhà hàng còn treo bảng “Không tiếp khách Trung Quốc”. Nói chung, khách Trung Quốc tăng thì “lợi bất cập hại” với rất nhiều hệ lụy mà hậu quả nhãn tiền là tour 0 đồng, là những hành xử vi phạm pháp luật, văn hóa và cả chủ quyền Việt Nam.
Tôi không nghĩ vậy và biết chắc sẽ có không ít người phản đối, thậm chí “ném đá”. Đã làm kinh doanh thì khách nào tăng cũng mừng. Khách tăng thì doanh thu và lợi nhuận tăng, có thêm công ăn việc làm. Miễn là mọi việc không vi phạm pháp luật. Năm 2016, lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam là 2,7 triệu người; trong đó hơn một nửa là đi đường bộ mà chúng ta đã hoảng. Nào là không quản lý được; thiếu hướng dẫn viên tiếng Trung; rồi khách Trung Quốc tùy tiện, thô lỗ, thao túng thị trường, lũng đoạn kinh tế…
Thái Lan, không có biên giới chung với Trung Quốc, khách toàn đi đường bay nhưng năm 2016 đón hơn 8 triệu khách Trung Quốc. Việt Nam có 7 tỉnh giáp Trung Quốc, đường biên giới chung là 1.350 km với 6 cửa khẩu quốc tế, 17 cửa khẩu quốc gia, đáng lẽ phải đón được 15 triệu khách Trung Quốc mới tương xứng. Do đặc thù về văn hóa, xã hội, một số khách Trung Quốc hành xử thiếu lịch sự, xấu xí không riêng gì ở Việt Nam. Chẳng nước nào la làng, từ chối hay tẩy chay khách Trung Quốc. Họ phê phán mạnh mẽ, xử lý kiên quyết nhưng vẫn niềm nở chào mời khách Trung Quốc.
Xã hội nào cũng có mặt trái. Dân tộc nào cũng có người này, người khác. Tôi đã gặp khách Trung Quốc ở Moscow, Paris, New York, Tokyo… và thấy đa phần họ lịch sự, chịu khó nghe thuyết minh, tìm hiểu văn hóa bản địa hơn nhiều khách Việt. Phân biệt đối xử, tẩy chay đều là hạ sách. Chê khách Trung Quốc xấu xí. Thử nhìn lại khách Việt, chắc gì hơn họ. Mình là chủ mà chẳng biết giữ gìn vệ sinh, nền nếp, lễ giáo… thì nói chi đến khách lạ. Ra nước ngoài, khách Việt được cảnh báo nhiều hơn khách Trung Quốc. Thiên hạ bảo “Khách Trung Quốc dễ tính và rất chịu mua hàng”. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (The World Tourism Organization – UNWTO), từ năm 2015, du khách Trung Quốc dẫn đầu thế giới về khả năng chi tiêu. Nhưng khi qua Việt Nam, họ đâu biết mua gì vì toàn hàng Trung Quốc mà lại kém chất lượng.
Nguyễn Văn Mỹ
(Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch HĐTV Lửa Việt Tour)