Hưng Thịnh bác thông tin trả lương bằng voucher

Trên mạng lan truyền một văn bản chính sách trả lương bằng voucher ghi là của Tập đoàn Hưng Thịnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp khẳng định không ban hành văn bản với nội dung trên.

Cụ thể, trên các diễn đàn, mạng xã hội đang lan truyền chóng mặt một văn bản thông báo có nội dung thay đổi chính sách trả lương đối với cán bộ nhân viên của Tập đoàn Hưng Thịnh và các công ty thành viên bằng voucher.

Theo văn bản này, kể từ kỳ lương tháng 1/2023, thu nhập hằng tháng của cán bộ nhân viên được tập đoàn/công ty thanh toán bằng tiền hoặc bằng voucher.

Trong đó, nếu cán bộ nhân viên muốn lãnh lương bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản, công ty sẽ căn cứ kế hoạch dòng tiền để cân đối và chi theo từng đợt từ 30 – 50% mức tiền lương thực lãnh và có thể trễ hơn quy định 2 – 5 tuần làm việc.

Văn bản lan truyền trên mạng về chính sách trả lương bằng voucher ghi là của Tập đoàn Hưng Thịnh.

Còn cán bộ nhân nếu muốn nhận lương đúng ngày ghi trên hợp đồng lao động, đăng ký với trưởng đơn vị và gửi danh sách về khối nguồn nhân lực, về phòng nhân sự công ty thành viên để nhận lương bằng voucher 110% nhân với tiền lương thực lãnh sau thuế và các khoản trích…

Voucher được sử dụng để thanh toán công nợ, thuế VAT cho tất các sản phẩm bất động sản của Tập đoàn, không giới hạn đối tượng (CBNV, khách hàng…) và dự án mà CBNV/khách hàng đã mua; thanh toán khi nghỉ dưỡng và sử dụng dịch vụ tại một khu nghỉ dưỡng.

Voucher được tự do chuyển nhượng theo thỏa thuận cá nhân giữa người chuyển nhượng và người nhận chuyển nhượng, không phân biệt nội bộ Tập đoàn hay bên ngoài. Tập đoàn được miễn trừ các tranh chấp giữa các bên theo giao dịch này.

Liên quan đến văn bản này, phía Tập đoàn Hưng Thịnh khẳng định, tới thời điểm này, phía doanh nghiệp chưa có thông báo, tin nhắn, kể cả các trao đổi trong các nhóm nội bộ của tập đoàn như văn bản đang lan truyền trên mạng.

Không chỉ Hưng Thịnh, trong bối cảnh thị thị trường bất động sản đang gặp hàng loạt khó khăn, việc bất cứ thông tin “nhạy cảm “ nào liên quan đến các doanh nghiệp bất động sản lan truyền trên mạng đều thu hút sự chú ý của nhiều người.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang rơi vào tình thế vô cùng khó khăn, một số nơi phải cắt giảm nhân sự, tiến hành tái cấu trúc.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, các doanh nghiệp bất động sản tuy có tổng tài sản có giá trị lớn và đã thực hiện nhiều biện pháp giảm sâu giá bán, tăng chiết khấu đến 45-50% nhưng vẫn rất khó bán được hàng vì hầu như không có người mua dẫn đến thiếu tiền mặt, âm dòng tiền, bị thiếu thanh khoản nghiêm trọng.

Dự kiến ngày 17/2 tới sẽ diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.

Ngoài ra còn có các Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Tư pháp; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; các ủy ban: Kinh tế của Quốc hội, Pháp luật của Quốc hội.

Cùng sự tham dự của nhiều doanh nghiệp bất động sản như: Vingroup, Novaland, Hưng Thịnh Land, GP.Invest, IMG, Becamex IDC Bình Dương, cùng các chuyên gia kinh tế, tài chính.

Hội nghị lần này của Chính phủ được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được những vướng mắc về pháp lý, nguồn vốn, thủ tục hành chính để thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Bài viết mới