Tại phiên trả lời chất vấn sáng ngày 17/11 tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Thống đốc NHNN cho biết tính đến cuối tháng 9/2017, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống là 2,34%, giảm so với tỷ lệ 2,46% tại thời điểm cuối năm 2016.
“Nếu đánh giá một cách thận trọng, tổng số nợ tiềm ẩn có thể thành nợ xấu, nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được thì tính đến cuối tháng 9/2017 là 566 nghìn tỷ đồng giảm so với mức 600 nghìn tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2016, tỷ lệ nợ xấu là 8,61% giảm so với mức 10,08% tại thời điểm cuối năm trước”, Thống đốc Lê Minh Hưng báo cáo trước Quốc hội.
Theo CTCK HSC, có hai lý do khiến tỷ lệ nợ xấu trong thời gian qua giảm. Thứ nhất là do cơ sở so sánh lớn hơn, khi tổng tín dụng tăng với tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm đạt 12,16%, từ 5.861 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2016 lên 6.573 nghìn tỷ đồng.
Thứ hai, giá trị nợ xấu cũng giảm 34 nghìn tỷ đồng nhờ đẩy mạnh thanh lý và xử lý nhờ lợi nhuận toàn ngành trong năm nay đã được cải thiện cộng với áp lực từ Chính phủ yêu cầu xử lý vấn đề nợ xấu triệt để và toàn diện.
Đánh giá của HSC cho biết số liệu của NHNN có vẻ là thống kê toàn bộ nợ xấu hiện tại trên cả hệ thống thay vì chỉ bao gồm nợ xấu đã báo cáo và trái phiếu VAMC chưa được trích lập dự phòng. Con số báo cáo này có lẽ cũng bao gồm cả các khoản nợ xấu tiềm ẩn.
“Nhìn chung nợ xấu hiện tập trung phần lớn ở 7 hoặc 8 ngân hàng, trong đó ngoài Agribank và Sacombank, phần lớn là các tổ chức tín dụng nhỏ hơn. Và do phần lớn nợ xấu còn lại đều được đảm bảo bởi các tài sản BĐS, tỷ lệ thu hồi nợ được kỳ vọng sẽ đạt mức cao khi các tài sản đảm bảo được thanh lý. Do đó, nhìn chung đây là thông tin tích cực liên quan tới việc cập nhật tiến độ xử lý nợ xấu. Trước hết, thông tin minh bạch hơn và thứ hai là có vẻ như quá trình xử lý nợ xấu đang dần tiến triển tốt, với dự kiến vấn đề nợ xấu ở rất nhiều ngân hàng sẽ được xử lý phần lớn trong năm 2018-2019. Nhờ vậy sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ trong lợi nhuận của các ngân hàng như Vietcombank và ACB, là những ngân hàng đã trích lập dự phòng phần lớn nợ xấu của mình đồng thời cũng ghi nhận lợi nhuận không thường xuyên từ bán nợ xấu.”, HSC nhận định.
Về cơ cấu nợ xấu, HSC cho biết, tỷ lệ nợ xấu được các ngân hàng báo cáo là 2,34%, tương đương 153,82 nghìn tỷ đồng theo thông báo chính thức của NHNN vào cuối tháng 9 năm 2017.
Trong khi đó, mệnh giá trái phiếu VAMC hiện tại tương đương 4,05% tổng tín dụng. Theo thông tin truyền thông về cuộc gặp gần đây nhất với VAMC, mệnh giá trái phiếu VAMC tính hết tháng 8/2017 là 266,33 nghìn tỷ đồng.
Do đó, 2,22% giá trị nợ xấu còn lại có thể là nợ xấu tiềm ẩm hay nợ tái cấu trúc (tương đương 137 nghìn tỷ đồng nợ xấu).
Theo ước tính của HSC, hiện vẫn còn khoảng 400 nghìn tỷ đồng nợ xấu chưa xử lý, tương đương 6,1% tổng dư nợ tại thời điểm cuối quý III/2017.
Ước tính này dựa trên so sánh nợ xấu theo báo cáo của ngân hàng thương mại (NHTM) với hệ số trích lập dự phòng rủi ro LLR bình quân toàn ngành ngân hàng (không tính 3 ngân hàng 0 đồng) tại thời điểm cuối năm 2016 là 70,7%.
“Nếu cho rằng tỷ lệ này trong 9 tháng đầu năm 2017 vẫn như trên thì còn 30% nợ xấu chưa được trích lập dự phòng, tương đương 46 nghìn tỷ đồng nợ xấu”, HSC giả định.
Nếu nhìn vào số dư trái phiếu VAMC, ước tính dự phòng lũy kế trích lập cho trái phiếu VAMC tại thời điểm cuối năm 2016 là 37 nghìn tỷ đồng; đến cuối tháng 9/2017 là 50 nghìn tỷ đồng. Theo đó phần trái phiếu VAMC còn chưa trích lập dự phòng là 216 nghìn tỷ đồng.
Nếu trừ 2 phần trên ra khỏi số tổng, thì phần nợ xấu còn lại là 137 nghìn tỷ đồng. HSC cho rằng đây có lẽ là nợ xấu tiềm ẩn chưa được thể hiện trong nợ xấu cho vay khách hàng và trái phiếu VAMC được NHTM công bố.
“Có lẽ đây là số nợ tái cấu trúc ước tính được hạch toán một cách đặc biệt hoặc liên quan đến cho vay doanh nghiệp Nhà nước. Có thể là giả định dự phòng lũy kế cho các khoản nợ xấu tiềm ẩn cho đến nay là chưa nhiều”, HSC cho biết.