HSC cho rằng cổ phiếu DGW của Digiworld là mã có vốn hóa thấp thú vị

Chứng khoán HSC vừa cập nhật báo cáo phân tích cổ phiếu DGW của Công ty cổ phần Thế giới số Digiworld. Theo đánh giá của HSC, đầu tư vào DGW là khoản đầu tư khả quan.

HSC cho rằng triển vọng tương lai của DGW được cải thiện với đóng góp từ mảng kinh doanh và dịch vụ mới. Năm 2017, DGW đạt doanh thu 3.820 tỷ đồng (tăng trưởng 0,5%) trong khi đó LNST đạt 78,3 tỷ đồng (tăng trưởng 17,4%). Doanh thu thực tế sát với dự báo của HSC trước đó trong khi đó LNST cao hơn 6,1% so với dự báo của chúng tôi là 73,8 tỷ đồng (tăng trưởng 10,6%). Động lực tăng trưởng chính là mảng thiết bị văn phòng với doanh thu tăng trưởng 34,2%.

Cùng với việc tiếp tục đánh giá Khả quan đối với cổ phiếu DGW, HSC ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu là 27.100đ, tương đương P/E dự phóng 2018 là 12 lần. HSC dự báo LNST năm 2018 tăng trưởng 30,8%.

HSC dự báo tỷ suất lợi nhuận sẽ tăng nhờ (1) đóng góp từ dịch vụ phát triển thị trường (MES) cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất điện thoại; và (2) đóng góp từ các dòng điện sản phẩm mới như thực phẩm chức năng và hàng tiêu dùng. Công ty đã có bước khởi đầu thành công trong chuyển đổi mô hình kinh doanh để bổ sung thêm các sản phẩm và dịch vụ mới.

Theo HSC, giá cổ phiếu tăng chậm, tuy nhiên sự cải thiện của KQKD đã bắt đầu thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư và, cổ phiếu DGW là mã có vốn hóa thấp thú vị.

Theo HSC, trong năm 2017, mảng phân phối máy tính xách tay và máy tính bảng cho kết quả tốt với Doanh thu đạt 2.266 tỷ đồng tăng trưởng 4,4% mặc dù thị phần trong nước không đổi. DGW hiện cung cấp nhiều loại máy tính xách tay và máy tính bảng với thị phần là 25%. Thị phần tăng nhờ công ty độc quyền phân phối máy tính xách tay của LG và Fujitsu.

Doanh thu phân phối ĐTDĐ giảm so với năm 2016 tuy nhiên kể từ quý 2 doanh thu của mảng này vẫn liên tục được cải thiện nhờ đóng góp từ dịch vụ phát triển thị trường cung cấp cho các dòng điện thoại kém phổ biến hơn. Doanh thu phân phối ĐTDĐ là 752 tỷ đồng, giảm khoảng 29,9% so với năm 2016 do những thương hiệu điện thoại mới không thể cạnh tranh với những thương hiệu lớn như Samsung hoặc IPhone. Tuy vậy doanh thu của mảng này vẫn cho thấy xu hướng tăng trong cả năm – Doanh thu Q2 tăng 20,2% so với quý liền tước, tăng 32,2% so với quý liền trước trong Q3; và tiếp tục tăng 59,8% so với quý liền trước trong Q4. Nhờ hiệu quả từ mảng cung cấp dịch vụ phát triển thị trường cho các dòng điện thoại ít phổ biến hơn, cụ thể là nỗ lực tiếp cận nhóm khách hàng nhỏ bị thu hút bởi các thương hiệu điện thoại giá rẻ với đầy đủ tính năng cần thiết.

Kể từ đầu năm 2017, DGW đã thay đổi chiến lược phân phối ĐTDĐ bằng cách tập trung vào những thương hiệu sử dụng dịch vụ phát triển thị trường (MES) để tăng tỷ suất lợi nhuận gộp. Bởi sự thay đổi lớn trong phân phối ĐTDĐ, doanh thu từ phân phối sản phẩm này giảm. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng này đã được cải thiện đáng kể. Công ty cũng bắt đầu ghi nhận doanh thu từ dịch vụ phát triển thị trường cho Xiaomi cũng như từ dịch vụ chăm sóc khách hàng cho Samsung.

HSC tin rằng tỷ suất lợi nhuận của mảng này sẽ duy trì ở mức cao, là khoảng 7% trong thời gian tới.

Trong năm 2017, mảng phân phối thiết bị văn phòng đạt hoàn toàn đánh bật thị trường, đạt 752 tỷ đồng, tăng trưởng 34,2% nhờ các hợp đồng phân phối mối mà DGW đã ký với LG bất chấp thị trường chung giảm khoảng 30% so với năm 2016 theo thống kê của TEMAX Vietnam GfK.

DGW bắt đầu phân phối thực phẩm chức năng từ tháng 8/2017 và bắt đầu cho kết quả tốt, đạt doanh thu 50 tỷ đồng trong Q3. DGW bắt đầu phân phối các sản phẩm thực phẩm chức năng dưới thương hiệu Kingsmen vào cuối tháng 8/2017. Công ty cũng mua lại hơn 60% cổ phần tại một công ty hàng tiêu dùng nhanh chuyên cung cấp các sản phẩm tiêu dùng nhanh của Nhật Bản tại Việt Nam. Sau đó công ty bắt đầu phân phối hàng tiêu dùng nhanh từ tháng 9/2017.

DGW phát triển toàn diện đối với mảng hàng tiêu dùng nhanh và thực phẩm chức năng gồm phân tích thị trường, dịch vụ phát triển thị trường, logistic, phân phối và bán hàng, dịch vụ sau bán hàng. Do đó, mảng này cho tỷ suất lợi nhuận gộp khoảng 40%, cao hơn nhiều so với những mảng khác.

HSC dự báo LNST của cổ đông công ty mẹ năm 2018 tăng trưởng 30,8%; doanh thu là 4.655 tỷ đồng (tăng trưởng 21,9%). Dự báo này dựa trên các giả định chính sau:

-HSC dự báo doanh thu phân phối laptop và máy tính đạt 2.312 tỷ đồng (tăng trưởng 2%). HSC cho rằng tăng trưởng của DGW sẽ bằng với mức tăng trưởng của thị trường.

-HSC dự báo doanh thu phân phối điện thoại di động đạt 1.166 tỷ đồng (tăng trưởng 55%) từ mức thấp của năm 2017. DGW giới thiệu hệ sinh thái toàn diện cho dòng điện thoại Xiaomi tại Việt Nam thông qua cửa hàng Xiaomi đầu tiên tại TPHCM vào tháng 1/2018 và nhận được phản hồi tích cực từ các khách hàng trẻ. Do đó chúng tôi dự báo mảng phân phối điện thoại di động sẽ tăng trưởng mạnh với động lực chính từ dòng sản phẩm của Xiaomi.

-HSC dự báo doanh thu phân phối thiết bị văn phòng đạt 977 tỷ đồng (tăng trưởng 30%). Đây là mảng ít cạnh tranh hơn và có thêm thương hiệu sản phẩm mới.

-HSC dự báo doanh thu phân phối thực phẩm 200 tỷ đồng (tăng trưởng 300%).

HSC cũng giả định tỷ suất lợi nhuận gộp chung sẽ tăng từ 7,2% lên 7,8% nhờ doanh thu phân phối thực phẩm chức năng với tỷ suất lợi nhuận cao tăng trong khi việc phân phối và cung cấp dịch vụ phát triển thị trường cho điện thoại di động cũng đem lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn.

Theo đó, EPS dự phóng năm 2018 là 2.263đ; P/E dự phóng là 9,7 lần, là mức hấp dẫn theo quan điểm của chúng tôi.

DGW chuyển từ phân phối thuần túy sang các dịch vụ giá trị gia tăng và phân phối sản phẩm của chính công ty – DGW đã chuyển mô hình hoạt động từ phân phối sản phẩm điện tử phổ thông sang cung cấp sản phẩm mới và dịch vụ giá trị gia tăng. Trước đây DGW là nhà phân phối bán buôn thuần túy các mặt hàng kỹ thuật: thiết bị văn phòng, laptop, máy tính bảng và ĐTDĐ. DGW mua xỉ với số lượng lớn từ nhà sản xuất và bán cho các cửa hàng. Hoạt động này có biên lợi nhuận mỏng. Và với nhiều chuỗi bán lẻ hiện đại liên tục phát triển như MWG và FPT retail, mô hình trên ngày càng khó tồn tại do quyền quyết định giá đã thuộc về các chuỗi bán lẻ. Đồng thời các chuỗi bán lẻ này cũng mua trực tiếp từ nhà sản xuất hoặc ép biên lợi nhuận của nhà phân phối bán buôn xuống mức cực thấp.

Hiện DGW đã thay đổi chiến lược theo 2 con đường. Cụ thể là:

(1) Tăng thêm dịch vụ giá trị gia tăng vào mảng phân phối thông qua Cung cấp dịch vụ marketing cho các thương hiệu điện thoại chưa phổ biến hay Cung cấp dịch vụ sau bán hàng như bảo dưỡng cho các nhà sản xuất.

(2) Mở rộng mảng phân phối sang các lĩnh vực hấp dẫn hơn như các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là thực phẩm chức năng.

Như vậy, công ty đang chuyển từ phân phối thuần túy sang phân phối sản phẩm của chính công ty. DGW có cổ phần lớn tại một hãng dược phẩm sản xuất thực phẩm chức năng và cũng nắm cổ phần lớn tại một công ty hàng tiêu dùng nhanh, là nhà phân phối độc quyền của Lion Corporation tại thị trường Việt Nam. Lion Corporation là một công ty Nhật Bản chuyên sản xuất chất tẩy rửa, xà phòng, thuốc, các sản phẩm vệ sinh răng miệng và đồ vệ sinh cá nhân khác. Tuy nhiên không thể nói chắc 100% rằng những ý tưởng mới này sẽ thành công nhưng công ty đã cho thấy được tầm nhìn và thay đổi mô hình trong vài năm tới.

Chính bởi các đánh giá trên nên HSC duy trì đánh giá Khả quan đối với cổ phiếu DGW. HSC ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu là 27.100đ, tương đương PE dự phóng 2018 là 12 lần.

Ở thị giá hiện tại, cổ phiếu có định giá PE dự phóng 2018 hấp dẫn. DGW là công ty chuyên về phân phối các sản phẩm công nghệ hiện đang nỗ lực củng cố mô hình kinh doanh thông qua bổ sung các dịch vụ tạo giá trị gia tăng cho mảng phân phối cơ bản đồng thời mở rộng thị phần ở các phân khúc ít cạnh tranh hơn như các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và hàng tiêu dùng khác.

Chiến lược kép này có thể giúp phục hồi tăng trưởng doanh thu và tăng tỷ suất lợi nhuận gộp sau giai đoạn khó khăn đối với công ty.

Bài viết mới