HSBC: Thúc đẩy tín dụng để đạt mục tiêu tăng 6,7% GDP là chiến lược hợp lý nhưng…

“Tín dụng nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng” sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro

Ngân hàng HSBC công bố báo cáo Triển vọng Thị trường Việt Nam tháng 9.2017 “Tín dụng nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng”. Theo HSBC, phát biểu mới đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng với động thái cắt giảm lãi suất trong tháng 7 của NHNN đã thể hiện rõ Chính phủ có kế hoạch đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cho cả năm 2017 thông qua kênh tín dụng.

“Chúng tôi tin rằng Việt Nam có thể dễ dàng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% vào cuối năm, tuy nhiên điều này có thể gây ra nhiều thách thức trong bối cảnh tình hình giải quyết nợ xấu vẫn còn chậm và chất lượng tín dụng có thể được tạo ra trong việc đạt được mục tiêu mới. Hơn nữa, việc phân bổ tín dụng là rất quan trọng vì các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam phải cạnh tranh về vốn với các DNNN và các doanh nghiệp tư nhân lớn khác” – bản báo cáo viết.

HSBC lưu ý rằng tăng trưởng tín dụng nhanh có thể tạo ra những rủi ro mới cho ngành ngân hàng, đặc biệt nếu tín dụng mới được phân bổ cho các ngành công nghiệp kém hiệu quả. Bên cạnh đó, những nghiên cứu gần đây của Quỹ Tiền tệ (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều ghi nhận rằng các DNNN hiện đang hấp thụ một lượng tín dụng không cân xứng trong nền kinh tế Việt Nam so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Do đó, việc tăng trưởng tín dụng cao không đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Việc phân bổ tín dụng sai lệch và giảm bớt đầu tư tư nhân nếu không được kiểm soát có thể sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP và tăng nguy cơ nợ xấu trong tương lai. Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ giảm trong những năm gần đây phần nào gây hiểu lầm về mức nợ thật sự của các khoản vay có vấn đề trong nền kinh tế.

Thực tế, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã liên tục tăng trong những năm gần đây. Chỉ 6 tháng đầu năm 2017, tín dụng đã đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong vòng sáu năm qua. HSBC kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ còn tiếp tục tăng trong quý IV/2017 và dễ dàng vượt mức 18,3% của năm 2016. Việc cắt giảm lãi suất của NHNN trong tháng 7 cũng sẽ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng tín dụng và giúp cho Chính phủ dễ dàng đạt được mục tiêu 21%.

… nhưng là chiến lược hợp lý

Dù tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng HSBC cho rằng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua kênh tín dụng là một chiến lược hợp lý. Đồng thời, HSBC cũng nhìn thấy Chính phủ đã nhận thức được tầm quan trọng của việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng trong các ngành công nghiệp kém hiệu quả. Chính phủ cũng đã ban hành các biện pháp mới giúp các ngân hàng và Công ty VAMC dễ dàng hơn trong việc chiếm hữu tài sản thế chấp trong trường hợp khách hàng mất khả năng trả nợ, tăng khả năng thu hồi tài sản từ nợ xấu.

“Nhìn chung, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua kênh tín dụng là một chiến lược hợp lý khi vai trò của tiêu dùng tư nhân và đầu tư ngoài quốc doanh ngày càng tăng. Hơn nữa, trong tương lai nợ công đang tăng có thể là một trở ngại đối với chi tiêu của Chính phủ đã gia tăng. Tuy nhiên, chất lượng và việc phân bổ tín dụng bên cạnh việc giải quyết các vấn đề nợ xấu đang hiện hữu đóng vai trò rất quan trọng để đảm bảo rằng tăng mục tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ được chuyển thể vào tăng trưởng kinh tế cao hơn và bền vững hơn trong tương lai” – HSBC đánh giá.

HSBC cũng có những nhận xét về các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tháng 8. Theo đó, CPI tháng 8 tăng nhanh hơn dự đoán (ở mức 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái) do chi phí chăm sóc sức khoẻ tiếp tục tăng và giá vận tải cao hơn kỳ vọng. Xuất khẩu vẫn tăng mạnh, từ đầu năm đến tháng 8 đã tăng 17,9% so với năm ngoái (tháng trước là 18,7%) hoặc 13% so với riêng tháng Tám năm ngoái.

Chỉ số PMI tháng 8 đã đã tăng nhẹ so với tháng 7, đạt 51,8 điểm (tháng trước đạt 51,7 điểm). Cả đơn đặt hàng mới trong nước lẫn từ nước ngoài đều là những động lực chính cho sự gia tăng chỉ số PMI trong tháng 8. Thêm vào đó, chỉ số giá đầu vào của Việt Nam đã tăng lên mức 56,1 điểm vào tháng 8 (tháng 7 là 52,1 điểm), đây là mức cao nhất kể từ tháng 3 và phản ánh lạm phát cao hơn kỳ vọng trong tháng 8.

Ngân hàng Nhà nước lên tiếng sau khi Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt vi phạm

Bài viết mới