HoREA kiến nghị chi 1.000 tỉ đồng cho vay mua nhà ở xã hội

Theo HoREA, sau gần 3 năm kể từ lúc Chính phủ có Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển nhà ở xã hội, cho đến nay hầu như chưa có cá nhân hay doanh nghiệp nào được vay vốn từ chương trình này do ngân sách chưa bố trí được nguồn hỗ trợ lãi suất.

Ngân sách chưa bố trí được nguồn để hỗ trợ lãi suất nên chương trình cho vay phát triển nhà ở xã hội hầu như chưa triển khai được rộng rãi ngoại trừ tại Ngân hàng chính sách.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 117/QĐ-TTg về mức lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để thực hiện chính sách, áp dụng trong năm 2018 là 5%/năm.

Đây là những khoản vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên, các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội gần như chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi tín dụng này trong gần 3 năm qua do ngân sách chưa bố trí đủ nguồn vốn hỗ trợ lãi suất.

Về vướng mắc này, HoREA cho rằng trong 21 chương trình mục tiêu được phân bổ vốn đầu tư phát triển quy định tại Điều 7 của Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội “Ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020” đã không có “Chương trình mục tiêu thực hiện chính sách nhà ở xã hội”.

Đến ngày 26/4/2017, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản gửi Chính phủ về phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Theo đó, đồng ý bổ sung 2.000 tỉ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Trong đó dành một phần bổ sung để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Do đó, HoREA đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung Chương trình mục tiêu thực hiện chính sách nhà ở xã hội vào Điều 7 Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 để Chính phủ có căn cứ pháp luật bố trí khoản chi ngân sách thực hiện chính sách nhà ở xã hội hàng năm.

Trước mắt, đối với khoản chi ngân sách trên, HoREA kiến nghị phân bổ khoảng 1.000 tỉ đồng cho 4 tổ chức tín dụng giàu kinh nghiệm là Vietcombank, Vietinbank, Agribank và BIDV để sớm triển khai.

Về lâu dài, HoREA cho rằng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần phân bổ ngân sách hàng năm khoảng từ 1.000 – 2.000 tỉ đồng trong giai đoạn từ năm 2018-2020 để cho vay các đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội với lãi suất khoảng 5%/năm.

Chính sách tín dụng này cũng cần ưu đãi cho cả chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở, trước hết là các dự án nhà ở xã hội cho thuê để kéo giảm giá thành xây dựng, qua đó gián tiếp hỗ trợ các đối tượng chính sách đi thuê nhà ở xã hội.

Bài viết mới