Hơn 30 tỷ USD vốn FDI đã ‘đổ’ vào Bà Rịa – Vũng Tàu

Tính đến cuối năm 2022, Bà Rịa – Vũng Tàu đã có 446 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 30 tỷ USD.

Thu hút đầu tư gặp thách thức

Báo cáo của Sở KH&ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu cho thấy, tính đến cuối tháng 10/2022, tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 38 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là hơn 705 triệu USD và 13 lượt góp vốn mua cổ phần/mua phần vốn góp với tổng giá trị vốn góp khoảng 30,84 triệu USD; cấp mới và điều chỉnh vốn đầu tư 52 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký tăng thêm là hơn 21.765 tỷ đồng.

Dự kiến năm 2022, địa phương này thu hút được hơn 726 triệu USD. Đến cuối năm, sẽ thu hút 17 dự án đầu tư, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2021 (22 dự án); điều chỉnh tăng vốn đầu tư 25 dự án, tăng 19% so với cùng kỳ, (29 dự án).

Tổng vốn đầu tư các dự án FDI thu hút trong năm 2022 dự kiến đạt khoảng 725 triệu USD, tăng 12,9 % so với cùng kỳ (642,1 triệu USD) và đạt 84,4% kế hoạch năm 2022 (860 triệu USD). Trong đó, vốn đầu tư cấp mới là 285 triệu USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ (347,1 triệu USD) và vốn đầu tư tăng thêm 440 triệu USD, tăng 49% so với cùng kỳ (295 triệu USD). Cuối năm nay, dự kiến, Bà Rịa – Vũng Tàu có 446 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 30 tỷ USD.

KCN Chuyên sâu Phú Mỹ 3 là KCN được lựa chọn phát triển theo mô hình KCN sinh thái. Ảnh: Vũ Phạm

Về vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI đạt 840 triệu USD, đạt 66,14% so với kế hoạch năm 2022 (1.270 triệu USD).

Lý giải về tình hình thu hút đầu tư và vốn đầu tư thực hiện các dự án FDI trong năm 2022 dự kiến không đạt được kế hoạch, Sở KH&ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết có nhiều nguyên nhân như: Các xung đột về địa chính trị, lạm phát gia tăng gây các ảnh hưởng, tác động đến nền kinh tế. Tình trạng khan hiếm vật liêu xây dựng ảnh hưởng đến việc triển khai xây dựng một số dự án;

Các nhà đầu tư vừa phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian dài, vừa phải cố gắng duy trì sản xuất kinh doanh trong và ngoài nước, hoạt động xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, phát sinh nhiều chi phí tài chính, doanh thu sụt giảm, do đó nguồn vốn đầu tư bị hạn hẹp;

Một số doanh nghiệp cần phải làm các thủ tục đầu tư hoặc tới giai đoạn ký kết hợp đồng chính thức nhưng không thể sang Việt Nam để có thể xúc tiến các thủ tục dẫn đến chậm tiến độ so với kế hoạch, không đảm bảo được tiến độ dòng tiền triển khai dự án. Các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN) gặp khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, không thu được tiền thuê đất, khiến doanh thu bị sụt giảm. Mặc dù Chính phủ một số quốc gia phát triển đã ban hành gói chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang các thị trường ổn định khác ngoài Trung Quốc, tuy nhiên, các gói chính sách trên có lộ trình thực hiện do đó dự báo các doanh nghiệp FDI chỉ mới xúc tiến việc tìm hiểu lựa chọn địa điểm đầu tư;

Doanh nghiệp không thể triển khai theo đúng tiến độ đăng ký theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đều thực hiện giãn tiến độ thực hiện dự án, hoặc chấm dứt. Riêng dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam Việt Nam trong năm 2021 vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 700 triệu USD. Tuy nhiên, trong 10 tháng đầu năm dự án mới đạt được khoảng 300 triệu USD…

Kiên trì thu hút đầu tư có chọn lọn

Theo Sở KH&ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu, một trong những yếu tố khiến dòng vốn FDI vào địa phương chưa đạt như kế hoạch một phần là do tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư có chọn lọc, gắn với bảo vệ môi trường. Thay vì lựa chọn các nhà đầu tư có tiêu chuẩn xử lý nước thải loại B thì địa phương chọn nhà đầu tư có tiêu chuẩn xử lý nước thải loại A, tức ở mức cao hơn nhằm bảo vệ môi trường. Hiện nay, tất cả các doanh nghiệp hoạt động trong các KCN đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc tự động.

Về thu hút đầu tư vào các KCN, sau 10 tháng/2022, tổng vốn thu hút là 1.280 triệu USD đạt 121,91% kế hoạch (1.280/1.050 triệu USD); và bằng 108,16% so với cùng kỳ năm 2021 (1.280/1.183 triệu USD). Các KCN thu hút đa dạng ngành nghề, lĩnh vực: gia công cơ khí, cơ khí chế tạo; sản xuất các sản phẩm từ thép, từ nhựa, từ cao su, từ giấy; gia công sản phẩm điện – điện lạnh; sản xuất sợi…

Hiện, Bà Rịa – Vũng Tàu có 15 KCN với 13 KCN đang hoạt động, tổng diện tích khoảng 8.511ha. Trong đó, đáng chú ý là KCN Chuyên sâu Phú Mỹ 3 – đây là KCN sinh thái và cộng sinh với quy mô 1028ha và là KCN chuyên sâu duy nhất của Việt Nam được phê duyệt và thành lập vào năm 2014, do Công ty CP Thanh Bình – Phú Mỹ làm chủ đầu tư.

Dự kiến, đến cuối năm 2022, KCN này thu hút khoảng hơn 57.000 tỷ đồng, với nhiều nhà đầu tư đến từ Mỹ, Hàn Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc…

Trong thời gian tới, nhằm thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục thu hút đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của tỉnh, chú trọng kêu gọi đầu tư các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, suất đầu tư cao hơn mức bình quân cả nước, có tính lan tỏa, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường, tập trung các lĩnh vực: công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới dây chuyền, công nghệ sản xuất thế hệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, ít tiêu tốn năng lượng.

Sở KH&ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu nhận định, chính sách thu hút các dự án đầu tư có chọn lọc không những giúp tỉnh loại bỏ những dự án không phù hợp, công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng đến môi trường, tiêu tốn nhiều nguyên liệu, mà còn tạo ra hệ sinh thái để những doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia sở hữu công nghệ cao, có tiềm lực tài chính, uy tín, tin tưởng và mạnh dạn đầu tư.

Chính quyền sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp, chú trọng giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục cải cách hành chính, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục đầu tư để thuận lợi tốt nhất cho doanh nghiệp tìm hiểu và quyết định đầu tư.

Song song, Bà Rịa – Vũng Tàu chú trọng vào hạ tầng giao thông kết nối. Địa phương đang lên phương án để triển khai cùng lúc 3 dự án lớn mang tính liên kết vùng là đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cầu Phước An, đường Vành đai 4. Đây là các dự án sẽ giảm tải cho QL51, kết nối với cao tốc Bến Lức – Long Thành, Dầu Giây – Long Thành về TP.HCM và các địa phương khác.

Riêng cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao khả năng kết nối giao thông, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ các khu kinh tế, KCN lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với cụm cảng biển Cái Mép – Thị Vải. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là khi kết hợp cùng sân bay Long Thành.

Bài viết mới