Hơn 16.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn của doanh nghiệp bất động sản, xây dựng cần mua lại trong tháng 1/2023

TIN MỚI

Theo dữ liệu Hiệp hội thị trường trái phiếu (VBMA), tính đến ngày công bố thông tin 30/12/2022, có 11 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận trong tháng 12 với tổng giá trị 1.700 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng từ đầu năm là 10.599 tỷ đồng, giảm 65% (chiếm khoảng 4% tổng giá trị phát hành) và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 244.565 tỷ đồng, giảm 66% (chiếm khoảng 96% tổng giá trị phát hành).

Theo dữ liệu VBMA, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn trong tháng 12/2022 (tính đến ngày công bố thông tin 30/12/2022) là 39.542 tỷ đồng (tăng 39% so với cùng kỳ tháng 12/2021).

Tính từ đầu năm tới nay, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại đạt hơn 210.573 tỷ đồng (tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021).

Theo VBMA, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn từ nay đến hết tháng 1/2023 là gần 17.500 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở nhóm bất động sản và xây dựng.

Cụ thể, tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp bất động sản phải thanh toán 10.500 tỷ đồng trái phiếu đến hạn (chiếm 60% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn). Còn doanh nghiệp xây dựng phải thanh toán 5.900 tỷ đồng trái phiếu đến hạn (chiếm 34% giá trị TPDN đến hạn). Nếu tính cả số lượng trái phiếu mua lại trước hạn, áp lực thanh toán của doanh nghiệp lớn hơn nhiều.

Theo nhận định của Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) được nêu trong báo cáo chiến lược thị trường, rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản gia tăng trong các năm tới do lượng trái phiếu đáo hạn giai đoạn từ 2023 đến 2024 là rất lớn, mỗi năm khoảng hơn 400.000 tỷ đồng; trong khi thị trường bất động sản hiện đang gặp nhiều khó khăn giữa bối cảnh lãi suất tăng cao hay việc Chính phủ xử lý các sai phạm của lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản thời gian qua.

KBSV cho biết, tính theo lượng đáo hạn các tháng trong năm 2023, giai đoạn giữa năm sẽ là giai đoạn căng thẳng đối với thị trường khi áp lực trái phiếu đến hạn lớn. Trong khi đó, niềm tin của nhà đầu tư giảm trong thời gian qua khiến cho lượng phát hành mới sụt giảm mạnh và dự báo khó có khả năng hồi phục trong năm 2023. Hơn nữa, mặt bằng lãi suất trong nước và quốc tế tăng cao cũng khiến dòng tiền đầu tư dịch chuyển sang kênh gửi tiết kiệm.

Hiện tại, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP theo hướng sẽ cho doanh nghiệp thêm 2 năm để giãn nợ trái phiếu, giảm áp lực đáo hạn.

Chuyên gia phân tích Vndirect nhận định, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tương đối im lìm trong nửa đầu năm 2023. Khối lượng phát hành sẽ phục hồi đáng kể trong nửa cuối năm 2023 từ mức nền thấp của 2022, nhờ lợi nhuận của doanh nghiệp khởi sắc hơn, lãi suất ổn định và cơ chế thị trường tốt hơn.

Linh Phong

Nhịp sống thị trường

Bài viết mới