Chuyến công tác sẽ diễn ra trong bốn ngày, từ ngày 21/8 đến ngày 24/8. Sự kiện được tổ chức sau chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 6 vừa qua.
Tham gia tháp tùng Bộ trưởng lần này có nhiều doanh nghiệp lớn Việt Nam như SSIAM, Vietjet, Tập đoàn Vingroup, Sabeco, Vinamilk, FPT, Novaland… gặp gỡ các nhà đầu tư lớn của Nhật Bản để tìm kiếm cơ hội hợp tác, gia tăng giá trị.
Gần 100 nhà đầu tư Nhật Bản đến từ các tổ chức như Tập đoàn Nikkei, Tập đoàn các Hãng tư vấn Tokyo, Ngân hàng Shizuoka, Ngân hàng Sumitiomo Mistui Trust Bank, Công ty quản lý tài sản Meiji Yasuda, Công ty chứng khoán Naito, Công ty quản lý tài sản Daiwa, Tập đoàn năng lượng JXTG Energy… tham dự buổi tiếp xúc. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam đối thoại, hợp tác trong lĩnh vực tài chính.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết Chính phủ Việt Nam đã công khai lộ trình thoái vốn cụ thể các doanh nghiệp Nhà nước. Theo đó, Chính phủ Việt Nam sẽ giữ lại 103 doanh nghiệp nhà nước, còn lại 137 DN sẽ tiến hành cổ phần hóa trong đó có 4 DN giữ trên 65% như VNPT, TKV, 27 DN sẽ giữ trên 51% còn lại phần lớn (106 DN) sẽ thoái đến hết vốn. Danh mục này sẽ được cập nhật bổ sung hàng năm theo hướng điều chỉnh danh sách doanh nghiệp nắm giữ chi phối thành thoái vốn hoặc bán hết.
Tháng 7 vừa qua Chính phủ Việt Nam cũng công bố năm 2017 sẽ cổ phần hóa 44 doanh nghiệp , trong đó có những DN lớn như Tập đoàn Cao Su Việt Nam có quy mô vốn 44.000 tỷ, trong năm 2018 sẽ tiến hành cổ phần hóa Mobifone, các công ty phát điện Genco 1,2,3 và tiến tới 2019, 2020 xúc tiến cổ phần hóa các tập đoàn lớn như VNPT, TKV, tổng công ty lương thực miền Bắc.
Theo ông Tiến, danh mục thoái vốn sẽ được công khai. Trong tháng này Chính phủ sẽ công bố danh mục gần 300 các DN, CTCP nhà nước đang nắm giữ chi phối để tiến tới thoái vốn, hiện nay Chính phủ đang rà soát lại danh sách này.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã công bố 750 doanh nghiệp cổ phần hóa chưa niêm yết, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh thoái vốn nhà nước theo nguyên tắc thị trường, công khai minh bạch. Tới đây các DN sau khi cổ phần hóa phải có bản cáo bạch bằng tiếng Anh để nhà đầu tư tiếp cận nhanh nhất.
Tại hội nghị xúc tiến, bà Lê Thị Lệ Hằng – Tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý Qũy SSI (SSIAM) là đại diện doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam phát biểu chia sẻ về cơ hội đầu tư vào Việt Nam.
Bà Hằng nói, một dấu hiệu tích cực của nền Kinh tế Việt Nam là trong thời gian qua khu vực tư nhân đã bắt đầu đóng vai trò lớn trong nền kinh tế. Tỷ lệ đầu tư của khu vực tư nhân trong vài năm gần đây đã gần bắt kịp khu vực Nhà nước.
Tổng giá trị vốn hóa TTCK Việt Nam (bao gồm cả UPCoM) đạt 112 tỷ USD, và hiện đang phát triển rất nhanh. Từ cuối năm ngoái đến nay đã có nhiều công ty lớn niêm yết như Saigon Beer, Hanoi Beer, Novaland, VietJet Air và Petrolimex. Những DNNN mới niêm yết này đã giúp tăng tổng giá trị vốn hóa của thị trường lên đáng kể.
“Chúng tôi nhận thấy cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, đặc biệt khi mức định giá của thị trường vẫn còn thấp hơn so với các thị trường lân cận trong khi tỷ lệ ROE cũng như lợi tức lại cao hơn”, bà Lệ Hằng cho biết.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính đến tháng 6/2017, Nhật Bản có 3.411 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 44 tỷ USD, xếp vị trí thứ 2 trên tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án FDI tại Việt Nam. Năm 2016, khoảng 5 tỷ USD vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam và kỳ vọng con số cao hơn cho các năm tới.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng là đối tác cung cấp ODA lớn nhất của Việt Nam với mức hỗ trợ vốn vay ODA dành cho Việt Nam khoảng 200 tỷ yen/năm (1,8 tỷ USD), chiếm trên 30% tổng cam kết viện trợ của các nước cho Việt Nam.