Tại chợ Bà Chiểu (Q. Bình Thạnh), tiểu thương giới thiệu đủ loại ớt bột với thành phần: ớt hiểm nguyên chất 100%, không phẩm màu, an toàn cho người tiêu dùng. Giá từ 30.000 – 75.000 đồng/kg.
Ở chợ đầu mối Thủ Đức, khi biết chúng tôi cần mua một lượng lớn ớt bột để pha chế sa tế, tiểu thương tên Mai (chủ một ki-ốt kinh doanh ớt ở khu A) cho hay, cửa hàng chỉ bán duy nhất một loại ớt với giá 45 nghìn đồng/kg. Ớt không pha chế và có nguồn gốc rõ ràng.
Hoang mang
Sau khi có thông tin ớt bột có chất gây ung thư, chị Nguyễn Thị Trà (nhân viên văn phòng, Q.1) đã chuyển qua mua ớt tươi. “Trước đây gần như ngày nào gia đình tôi cũng dùng ớt bột để chế biến món ăn, nhưng giờ mình bỏ hết. Chỉ dám dùng tiêu hoặc tự làm ớt khô để nấu ăn”.
Mấy ngày nay, quán bún bò bà Oanh (Ngã Năm Chuồng Chó, Q. Gò Vấp) giảm hẳn khách tới ăn. Bà Oanh buồn hiu: “Trước giờ tôi vẫn mua ớt bột ở chợ đầu mối về nấu ăn. Ai ăn cũng khen ngon, hít hà vì sa tế ớt tôi chế biến theo bí quyết riêng. Vậy mà hổm rày khách không dám đụng tới sa tế ớt, nước bún bò có ớt, khách cũng sợ. Bán cả ngày không hết nồi bún, thu nhập giảm hẳn”.
Chị Bình – kinh doanh khô bò, khô nai chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10) cũng thở dài vì ế khách: “Món khô đắt hàng mỗi khi tết đến, vậy mà tin ớt bột gây ung thư này khiến tôi như chết đứng. Bao nhiêu vốn liếng bỏ vào đây, giờ mà bán không hết hàng thì chắc cũng không biết tết là gì”.
100% mẫu ớt bột chứa chất gây ung thư
Theo PGS.TS.BS Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, trong tháng 5 – 6/2017, nhằm giám sát aflatoxin (một chất gây ung thư) trong ớt khô, cán bộ Viện Pasteur TPHCM đã tiến hành giám sát, tập trung vào các mẫu ớt khô có nguy cơ cao (ớt khô không có đóng gói, không có xuất xứ rõ ràng) được bày bán ở một số điểm kinh doanh nhỏ lẻ ở một số tỉnh/thành phố.
Cụ thể, Viện Pasteur TPHCM đã thu thập ngẫu nhiên 48 mẫu ớt khô dạng bột (trong đó có 45 mẫu không nhãn mác) tại các chợ và tiệm tạp hóa ở 5 tỉnh, thành phố gồm: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Bà Rịa – Vũng Tàu. Kết quả xét nghiệm cho thấy, 100% mẫu ớt bột đều có sự hiện diện của aflatoxin (chất có thể gây ung thư gan), nhiều mẫu vượt giới hạn cho phép.
Các chuyên gia cho rằng, do thu hoạch, chế biến, vận chuyển và bảo quản theo phương pháp thủ công, không có sự kiểm soát về nhiệt độ, độ ẩm thích hợp nên việc nhiễm aflatoxin là không tránh khỏi. Aflatoxin là một nhóm các chất chuyển hóa của vi nấm, có độc tính cao. Tổ chức Nghiên cứu Ung thư quốc tế IARC đã xếp loại aflatoxin B1 vào nhóm tác nhân gây ung thư cho người. Tuy nhiên, kết quả khảo sát này chỉ bước đầu tập trung vào ớt khô dạng bột vì đây là dạng nguyên liệu dễ sử dụng. Để tiếp tục đánh giá tình trạng nhiễm aflatoxin trên ớt, cần có một chương trình giám sát aflatoxin trong mẫu ớt khô cả dạng nguyên quả và dạng bột.
Kết quả xét nghiệm vượt ngưỡng là dấu hiệu chỉ điểm, giúp rà soát lại chuỗi thực phẩm từ công tác canh tác, thu hoạch, vận chuyển, chế biến, bảo quản và sử dụng ở ớt khô không bao bì và không rõ nguồn gốc. Việc lấy mẫu để giám sát tập trung vào các mẫu có nguy cơ cao về nhiễm aflatoxin ở ớt khô không đại diện cho các loại ớt khô có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, cũng như không đại diện cho điểm kinh doanh, địa phương.
“Để hạn chế chất độc aflatoxin trong ớt khô, người sản xuất, chế biến, kinh doanh cần kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm trong quá trình vận chuyển, chế biến và bảo quản thực phẩm. Người dân nên chọn và sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng thực phẩm đã xuất hiện mốc, lưu ý hạn sử dụng và đáo hạn thực phẩm bảo quản tại gia đình và không để lâu các loại gia vị” – PGS.TS Phan Trọng Lân khuyến cáo.
Bà Lê Thị Hồng Hảo – Viện trưởng Viện kiểm nghiệm Vệ sinh An toàn thực phẩm quốc gia: Cần xem lại cách lấy mẫu
Ớt bột nói chung và một số sản phẩm nông sản, sau khi thu hoạch nếu không được bảo quản đúng cách có thể nhiễm một số loài nấm mốc. Một số loài nấm mốc thuộc Aspergillus sp. hay Fusarium sp. có thể sinh ra một số độc tố, còn gọi là độc tố vi nấm.
Aflatoxin là một trong những độc tố vi nấm phổ biến và độc hại đối với sức khỏe ở hàm lượng cao. Có 4 loại aflatoxin thường gặp trong nông sản thực phẩm là aflatoxin B1, B2, G1, G2.
Về độc tính cấp, aflatoxin B1 có thể gây một số triệu chứng độc đối với gan nếu ở hàm lượng rất cao (vài mg/kg). Còn về độc tính lâu dài, aflatoxin B1 là chất gây ung thư, được xếp vào nhóm có khả năng gây ung thư trên người. Nếu hàm lượng aflatoxin B1 trong thực phẩm vượt quá mức quy định và sử dụng thực phẩm trong thời gian dài, người sử dụng có nguy cơ mắc ung thư.
Tốt nhất người sử dụng, nhà sản xuất cần phải bảo quản thực phẩm để đảm bảo không sinh độc tố vi nấm trong quá trình bảo quản. Không sử dụng các sản phẩm thực phẩm đã bị mốc. Còn bàn luận thêm về kết quả khảo sát 100% mẫu ớt bột có aflatoxin của Viện Pasteur TPHCM mới đây, theo tôi, để đánh giá mức độ nhiễm aflatoxin nói chung cần xem xét rõ hơn về cách lấy mẫu: Lấy mẫu ngẫu nhiên hay lấy mẫu nguy cơ? Mẫu có bao gói, nhãn mác không?… Ngoài ra, hàm lượng nhiễm aflatoxin là bao nhiêu?…
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM: Không nên quá lo lắng
Aflatoxin là độc tố rất phổ biến, không chỉ có trong ớt bột mà còn nhiều loại khác như ngũ cốc, các loại hạt và sản phẩm từ hạt… Những sản phẩm này nếu để nơi ẩm mốc thì đều có khả năng gây ung thư. Trong quá trình bảo quản, phơi phóng đều có thể nhiễm nấm mốc, và cũng không có cách nào để phòng được, dù có phơi kỹ thế nào thì vẫn có như thường. Aflatoxin không chỉ ở Việt Nam mà các nước đều thế.
Tuy nhiên, người dân không có gì phải lo lắng về thông tin này hết. Bởi chúng ta ăn bao nhiêu ớt đâu mà aflatoxin có thể gây ung thư cho con người? Tốt nhất, người tiêu dùng chỉ nên lựa chọn những mặt hàng có xuất xứ, thông tin ngày sản xuất, hạn sử dụng và chỉ tiêu chất lượng rõ ràng.
BS Trần Văn Ký – phụ trách chuyên môn Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam: Siết chặt quản lý chất lượng sản phẩm
Việc thực phẩm bị nhiễm khuẩn, hóa chất độc hại, chất cấm, chất bảo vệ thực vật… là rất đáng lo ngại hiện nay. Vấn đề đặt ra là phải quản lý chặt chẽ thực phẩm theo chuỗi và có thể truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh quản lý mặt khoa học, tức là nghiên cứu xét nghiệm cảnh báo, việc siết quản lý chất lượng sản phẩm trên thị trường là cực kỳ quan trọng. Thực tế, các chợ truyền thống, chợ tạm, tiệm tạp hóa… đa phần những nơi có điều kiện bảo quản, vệ sinh chưa được tốt, là “cái nôi” phát sinh nấm mốc.
Còn người tiêu dùng khi phát hiện sản phẩm mốc thì nên đổ bỏ chứ không nên rửa, đun nấu, sử dụng lại. Vì độc tố aflatoxin sẽ không bị phân hủy ở nhiệt độ cao, ăn các sản phẩm mốc rất nguy hại cho sức khỏe.
Uyên Phương
100 mẫu ớt bột chứa chất gây ung thư gan: Có thể do bảo quản