Chủ tịch nói không làm giá, nhưng cứ giao dịch là “mua thấp bán cao”!?
Không ít lần Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) Lê Phước Vũ khẳng định rằng bản thân mua cổ phiếu HSG chỉ để đầu tư, không vì mục đích khác; như lần giao dịch bán số lượng lớn cổ phiếu tại vùng giá cao cũng chỉ đơn thuần nhằm đáp ứng nhu cầu thực sự của bản thân.
Tiếp tục phân trần tại ĐHĐCĐ thường niên mới đây, vị chủ tịch này nhấn mạnh giọng: “Trước đây có nhiều người đề nghị tôi là đánh giá cổ phiếu lên, nhưng tôi không làm. Thực tế thì có rất nhiều đội lái trên thị trường chứng khoán, tuy nhiên Hoa Sen không bao giờ làm chuyện đó, và chính bản thân tôi cũng thế”.
Và để minh chứng cho lời nói trên, ông Vũ lý giải mặc dù là một đơn vị lớn với nội lực đang chạm đỉnh kể từ lúc thành lập, nhưng giá cổ phiếu HSG vẫn ở vùng khá thấp, giao dịch quanh vùng 25,000 đồng/cp. Theo đó, “nhà đầu tư nên kiên định và nhìn nhận khách quan về dư địa tăng trưởng của cổ phiếu”, ông Vũ “nhắn nhủ”.
Nói là vậy, thế nhưng thực tế nhìn lại những lần ra tay của ông Vũ đều gây chú ý mạnh với khối lượng giao dịch không hề nhỏ, hơn nữa “may mắn thay” lại mua tại vùng giá thấp và bán ra khi giá chạm đỉnh.
Cụ thể, vào khoảng tháng 6/2017, khi giá HSG đang dần hồi phục sau đợt rơi mạnh từ vùng 50,000 đồng/cp, ông Vũ liền đặt lệnh bán ra gần 9.6 triệu đơn vị và thu về gần 310 tỷ đồng. Khoảng 4 tháng sau đó, ông lại mua vào 1 triệu cổ phiếu sau khi nhà đầu tư đồng loạt bán tháo với 11 phiên đỏ điểm. Điều này được xem như một đòn đỡ giá của ông chủ Tập đoàn này khi chính dòng tiền bắt đáy trên đã giúp cho giá cổ phiếu HSG ổn định hơn sau đó.
Giao dịch nội bộ tại Tập đoàn Hoa Sen một năm qua
Không chỉ vậy, bức tranh giao dịch cổ phiếu HSG một năm qua ngoại trừ Chủ tịch, còn lại thì cũng chỉ toàn là tên tuổi người nhà. Điển hình như Công ty Tam Hỷ hay Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen đều do ông Vũ làm Chủ tịch HĐQT. Trong đó, giao dịch bán 10 triệu cổ phiếu HSG của Công ty Tam Hỷ diễn ra lúc giá đang tăng mạnh, ngược lại những lần mua vào của Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen đều rơi vào vùng giá thấp. Ngoài ra, Thành viên HĐQT (không điều hành) Lý Văn Xuân cùng vợ và con gái cũng tích cực mua vào bán ra cổ phiếu HSG trong năm qua.
Tính đến cuối năm 2017, tổng cổ phần HSG ban lãnh đạo cùng người liên quan nắm giữ đạt hơn 11.5%, riêng ông Vũ hiện sở hữu 10.7% vốn Tập đoàn. Về tổ chức, Công ty Đầu tư Hoa Sen hiện đang là cổ đông lớn với tỷ lệ nắm giữ đạt 25.1%, con số tại Công ty Tam Hỷ sau khi bán chỉ còn khoảng 0.25%.
Nước cờ đầu cơ giá thép cán nóng đã hết thời, HSG thay đổi chiến lược khi đã đạt đỉnh về năng lực sản xuất
Theo báo cáo tài chính niên độ 2016-2017 (1/10/2016-30/9/2017), HSG đạt doanh thu hơn 26.000 tỷ đồng, tăng 46%; song lợi nhuận sau thuế đạt 1.331 tỷ đồng, giảm 11% so với niên độ trước và hoàn thành hơn 80% kế hoạch. Cùng với đó, sản lượng Tập đoàn đạt 1,6 triệu tấn thành phẩm, giá bán bình quân tăng trên 10%, đạt 16,4 triệu đồng/tấn, nhưng giá vốn hàng bán tăng 58%, dẫn tới lợi nhuận gộp chỉ tăng khoảng 6%, biên lợi nhuận gộp giảm từ 23,3% xuống 16,9% và thị phần giảm nhẹ so với niên độ 2015 – 2016.
Tương tự, bước sang quý 1 niên độ 2017-2018, mặc dù doanh thu tăng 37% lên mức 7.887 tỷ đồng, song giá vốn đồng thời tăng kéo biên lợi nhuận của Tập đoàn sụt xuống còn 15%. So với một ông lớn sản xuất khác cùng ngành là Tập đoàn Hòa Phát (HPG) với biên lợi nhuận gộp 25% thì mức biên lợi nhuận của Hoa Sen càng bỏ xa dần.
Như vậy, nguyên nhân trọng yếu là do HSG không còn được hưởng lợi từ giá thép cán nóng (nguyên liệu đầu vào của tôn) thấp như đã từng. Có thể nói, chính sách quản trị hàng tồn kho chủ động của HSG đã phản tác dụng ngày từ quý 2 niên độ 2016-2917, khi Công ty chủ động tăng hàng tồn kho trong tháng 1-3/2017, trước khi có đợt giảm của giá thép cán nóng) từ 4.900 tỷ đồng lên 8.400 tỷ đồng (tăng 70%), tạo áp lực lớn cho 2 quý cuối niên độ. Cần lưu ý một điều, HSG sử dụng chính sách bình quân gia quyền, nên áp lực hàng tồn kho giá cao sẽ chia đều cho các quý.
Một số ý kiến cho rằng ban lãnh đạo HSG một lần nữa “đặt cược” vào giá thép cán nóng, khi kết thúc quý 4 niên độ 2016-2017, lượng hàng tồn kho lên hơn 9.000 tỷ đồng, gấp đôi so với thời điểm đầu kỳ. Tuy nhiên, nước cờ này đã hết tác dụng khi biên lợi nhuận Tập đoàn tiếp tục suy giảm đáng kể trong quý 1 niên độ mới.
Hàng tồn kho của HSG tại thời điểm 31/12/2017 (Đvt: VNĐ)
Thừa nhận vấn đề trên, ông Vũ cho biết hai năm trước đó lợi nhuận đột biến nhờ chênh lệch giá vốn, cũng như việc chống bán phá giá hàng Trung Quốc tạo điều kiện đẩy mạnh cung xuất khẩu.
“Tuy nhiên, cuộc chơi những năm tiếp theo đã thay đổi, giá thép nguyên liệu hiện đã ở mức cao nên đột biến về giá không còn nữa, trong khi yếu tố cạnh tranh lại gia tăng, do đó chúng ta phải thay đổi chiến lược là nâng cao năng lực sản xuất. Hai năm vừa rồi vay ngân hàng lãi suất thấp bây giờ lại cao dần, HSG cũng đã tận dụng điều này để gia tăng mở rộng quy mô, đầu tư nhà máy”, ông Vũ nhấn mạnh.
Thị trường thép vẫn được nhận định sẽ tiếp tục tăng trưởng, hơn nữa nói về nội lực HSG theo ông Vũ thời điểm này đang là tốt nhất, khi “chưa bao giờ HSG hội tủ đầy đủ yếu tố trưởng thành như bây giờ, từ năng lực sản xuất, khả năng cung ứng, thương hiệu đến nguồn nhân lực đã bắt đầu chín mùi”. Song, nói đi cũng phải nói lại, ông Vũ vẫn nhận thấy được thực thế thị trường luôn luôn cạnh tranh, đối thủ hiện tại nâng cao công suất, chưa kể người ngoài ngành bắt đầu nhảy vào…
Mặt khác, một vấn đề khác với HSG hiện nay nữa là vay nợ nhiều, nếu dòng tiền không kịp về để trả nợ thì hậu quả nhiều khả năng sẽ nghiêm trọng trong cả ngắn và dài hạn. Khi mà tính đến ngày 31/12/2017, tổng nợ phải trả của Hoa Sen là 18.608 tỷ đồng, gấp 3,3 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, riêng vay nợ ngắn và dài hạn đã lên đến 17.074 tỷ đồng, tăng 44% so với đầu kỳ.
Và đối mặt với những rủi ro trên, năm tài chính 2017-2018 Hoa Sen đặt mục tiêu khá thận trọng với 30.000 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.350 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, chỉ nhích nhẹ so với thực hiện cùng kỳ. Được biết, kế hoạch này được xây dựng dựa trên giả định giá thép cán mỏng trong niên độ tài chính ở mức 550 USD/tấn.
Tựu trung lại, cổ phiếu HSG một năm qua lội ngược dòng thép khi lao dốc mạnh, mặc dù nhiều dòng tiền được tung ngay tại đáy cổ phiếu. Và trong năm 2018, trước lời nói như đinh đóng cột của Chủ tịch Vũ rằng HSG đang ở đỉnh của nội lực, chưa kể Phó Chủ tịch Trần Ngọc Chu cũng khuyến cáo đầu tư cổ phiếu HSG vì giá sẽ tăng, kịch bản cho cổ phiếu ông lớn này vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ!