Hòa Phát, Hoa Sen, SMC… và rủi ro từ công nợ với công ty bất động sản

Bất chấp đà phục hồi của giá thép, bức tranh tài chính các doanh nghiệp thép có thể chịu ảnh hưởng gián tiếp từ các chủ đầu tư dự án bất động sản gặp khó khăn dòng tiền và công nợ khó đòi có thể phát sinh.

Rủi ro từ công nợ với công ty bất động sản

Sau khi liên tục giảm mạnh từ giữa năm 2022, giá thép có diễn biến tăng trong những tháng gần đây, nhất là giai đoạn đầu năm 2023. Đây là tín hiệu tốt cho các công ty sản xuất thép trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Trên thực tế, giá thép thế giới hồi phục một phần do Trung Quốc không còn thực hiện chiến lược Zero Covid, kỳ vọng nhu cầu xây dựng sẽ quay trở lại tại quốc gia tiêu thụ thép lớn nhất thế giới này.

Với việc giá thép đang trên đà hồi phục mang lại kỳ vọng về bức tranh tài chính của các doanh nghiệp ngành thép sẽ sáng hơn. Tuy nhiên, nhóm doanh nghiệp này cũng chịu ảnh hưởng gián tiếp từ các chủ đầu tư dự án bất động sản thương mại gặp khó khăn dòng tiền và công nợ khó đòi có thể phát sinh.

Theo Chứng khoán Rồng Việt, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC) đang phát sinh thêm công nợ khoảng 1.000 tỉ đồng với Novaland, điều này có thể gây rủi ro trích lập dự phòng và ảnh hưởng lên sức khỏe tài chính của SMC.

Phía SMC cho biết, Novaland hiện đang là một trong những khách hàng lớn của doanh nghiệp này trong mảng phân phối thép xây dựng. Hồi đầu năm 2022, SMC đã cùng Novaland hợp tác cung cấp thép xây dựng tại các dự án của doanh nghiệp địa ốc này trong giai đoạn 2022-2026.

Về khoản tiền 1.000 tỉ đồng, hiện công nợ phát sinh với Novaland đã quá hạn, SMC đang gặp khó trong việc thu hồi do chủ đầu tư này đang gặp vấn đề về thanh khoản. Trong ngắn hạn, SMC cho biết có thể sắp xếp với các ngân hàng và nhà cung cấp để kéo dài thời gian thanh toán trong khi chờ đợi chủ đầu tư cải thiện thanh khoản.

Theo VDSC, phát sinh công nợ với Novaland là tương đối lớn so với lợi nhuận trung bình 1 quý của SMC. Do đó, lợi nhuận trung hạn của doanh nghiệp này sẽ phụ thuộc vào tốc độ và lượng thu hồi nợ từ doanh nghiệp của ông Bùi Thành Nhơn.

Do đó, VDSC ước tính trong quý đầu năm 2023, SMC có thể tiếp tục thua lỗ quý thứ 3 liên tiếp với lợi nhuận âm 2 tỉ đồng, trong khi doanh thu ở mức 4.415 tỉ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ.

SMC chỉ là một trong những doanh nghiệp ngành thép đang cung cấp trực tiếp nguyên vật liệu xây dựng cho khách hàng là các công ty xây dựng, chủ đầu tư mà chưa thu tiền.

Với Hoa Sen, tại Đại hội cổ đông thường niên 2023, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoa Sen, cho biết thời điểm xấu nhất của ngành thép đã qua đi, công ty hết tồn kho giá cao, hiện chỉ còn tồn kho giá thấp. Trong ba tháng tới, Hoa Sen sẽ có lãi nhờ tồn kho thấp.

Cụ thể, sau khi lỗ 680 tỉ đồng trong quý I niên độ tài chính 2022-2023, Hoa Sen dự kiến lỗ thêm trăm tỷ nữa vào tháng 1.2023. Lũy kế bốn tháng đầu năm niên độ 2022-2023, lỗ khoản hơn 800 tỉ đồng. Tuy nhiên, tháng 22023 bắt đầu có lãi khoảng 50 tỉ đồng, tháng 3 dự kiến lãi trăm tỉ đồng.

Chủ tịch Hoa Sen cũng nhấn mạnh về tình hình tài chính lành mạnh của công ty, với dư nợ dao động ở mức 3.000 tỉ đồng, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu chỉ 0,3-0,4 và không có tình trạng nợ xấu.

“Với một công ty xuất khẩu lớn và là công ty phân phối bán lẻ lớn, hệ số này là khá thấp. Chưa bao giờ, tình hình tài chính của chúng ta tốt như bây giờ. Đây là những điều kiện để chúng ta phát triển trong tương lai”, ông Vũ chia sẻ với cổ đông.

Trước câu hỏi của của cổ đông về rủi ro công nợ khách hàng lớn của doanh nghiệp bất động sản có ảnh hưởng gì tới công ty, ông Lê Phước Vũ cho biết, trước Tết, tất cả dư nợ bằng 0, chưa có năm nào được như vậy. Cửa hàng nào còn công nợ thì không có tiền ăn tết. Do đó, Hoa Sen không có tình trạng nợ xấu.

“Hoa Sen đã hiểu tình trạng của bất động sản rồi nên không bán nợ, mà đi theo kiểu bán lẻ là như vậy”, ông Vũ chia sẻ.

Bất ổn trong lĩnh vực bất động sản đã lan sang ngành thép

Hiện nay, thị trường bất động sản đang đối mặt với một số áp lực lớn như vấn đề về trái phiếu, cùng với mặt bằng lãi suất đang rất cao trong khi đó bất động sản là một trong những ngành thâm dụng vốn.

Bất ổn trong lĩnh vực bất động sản đã lan sang ngành thép

Cụ thể, kênh trái phiếu doanh nghiệp được nhận định chưa thể hồi phục trong ngắn hạn, nhà đầu tư trái phiếu vẫn đang mất niềm tin. Điều này tiếp tục ảnh hưởng tới dòng tiền và khả năng triển khai của các dự án bất động sản, từ đó ảnh hưởng tới doanh nghiệp phụ trợ như nhóm thép khi có rủi ro phát sinh công nợ khó đòi, phải trích lập nợ xấu trong thời gian tới.

Những tuần gần đây, Chính phủ cùng Ngân hàng Nhà nước nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu (giãn nợ, cho phép trả lãi và gốc trái phiếu bằng tài sản thay tiền mặt), hạ lãi suất điều hành, đặc biệt là triển khai gói hỗ trợ nhà ở xã hội lên tới 120.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, hiệu ứng của chính sách thường có độ trễ nhất định và đối tượng hưởng lợi thực sự của chính sách sẽ cần thời gian nhất định. Trong khi đó, khó khăn trước mắt về dòng tiền của doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án vẫn đang hiện hữu và khó có thể giải quyết ngay lập tức.

Chính vì vậy, nhóm doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng như thép có thể chịu ảnh hưởng liên đới về nợ khó đòi trong thời gian tới, nhất là một số đơn vị cung cấp hàng hóa bán chịu như SMC.

Bài viết mới